Du lịch làng nghề: Có bản sắc nhưng chậm phát huy

ANTĐ - Du lịch làng nghề là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển du lịch ở nước ta. Tuy nhiên, ngay tại nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, người dân chủ yếu vẫn chỉ làm nghề mà chưa khai thác những tiềm năng phục vụ du lịch.

Thể hiện những họa tiết trên thân gốm trước khi nung

Dịch vụ thiếu bài bản

Gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc từ lâu đã là những thương hiệu có bề dày văn hóa bậc nhất đất Hà thành. Sản phẩm nơi đây có độ tinh xảo cao, mang đậm nét tinh hoa truyền thống, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Thế nhưng, đến với làng lụa Vạn Phúc vào thời điểm cuối năm, chúng tôi lại gặp cảnh thưa thớt, chỉ có lác đác vài khách hàng. Các khu nhà cổ vốn phục vụ cho khách du lịch  tới tham quan, nghỉ ngơi đóng cửa im lìm, khung cửi đắp chiếu. Đấy là chưa kể, lối đi chính của làng đang xây dựng, phải rất khó khăn mới vào được đến các gian hàng. Trái ngược với tình trạng đìu hiu này, vượt hơn 20 cây số đến với làng gốm sứ Bát Tràng, một đội “cò mồi” trực sẵn tại cổng “dí” cho chúng tôi những tấm card, tiếp thị đủ loại dịch vụ, từ ăn uống, tham quan cho đến nặn đất. Nài nỉ không thành, đội quân này nhanh chóng bám lấy các khách nước ngoài đi theo tour khiến cho hướng dẫn viên lúng túng. Thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động làng nghề phần nhiều dựa vào sản xuất kinh doanh, không khó hiểu khi các loại hình dịch vụ du lịch đi kèm vẫn chỉ mang tính tự phát, thiếu bài bản và chiều sâu. 

Ảnh hưởng niềm tin

Vấn đề hàng nhái, hàng giả trà trộn với sản phẩm truyền thống nhiều năm nay gây nhức nhối cho nhà quản lý và những nghệ nhân tâm huyết với nghề.

Ông Phùng Văn Hữu, Trưởng ban Quản lý - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng cho biết, bên cạnh 90% sản phẩm chính gốc Bát Tràng, các sản phẩm ở đây có xuất xứ Chu Đậu, Hải Dương, Đồng Nai, Sông Bé… và cả hàng Trung Quốc. Gốm sứ Trung Quốc có nhiều kiểu dáng với giả rẻ hơn tuy nhiên so về độ bền, nặng, độ mịn của lớp men lại không thể bằng gốm Bát Tràng.

Những người bán hàng đưa những sản phẩm từ nơi khác bày bán nhưng không cho khách hàng biết xuất xứ của mặt hàng là trái quy định. Đối với lụa là mặt hàng khó nhận biết hơn, một số hộ kinh doanh đã lợi dụng để trà trộn các loại lụa chất lượng kém. Một chiếc áo lụa Vạn Phúc cần tới 2,3 - 2,5m lụa, tương ứng với 500.000 - 700.000 đồng; trong khi “lụa” Trung Quốc (chất liệu gần giống lụa) chỉ có giá 60.000 - 150.000 đồng/sản phẩm. Trong lúc nguồn cung tơ tằm đang ngày một ít đi do không còn đất canh tác đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Bên cạnh đó, để có sự đa dạng về mẫu mã, người dân Vạn Phúc nhập và bán cả những sản phẩm lụa nơi khác. Hàng Trung Quốc, hàng trôi nổi rẻ tiền, dễ bán, người mua hàng thấy rẻ là mua, lụa Vạn Phúc từ đó dần dần mất thị phần. 

Giữ thương hiệu là giữ nghề

Mới đây, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã cùng hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp lữ hành khảo sát tại một số làng nghề trên địa bàn thành phố, trong đó có làng lụa Vạn Phúc và làng gốm sứ Bát Tràng. Sau khi khảo sát, Sở xây dựng một quy chuẩn cho các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các làng nghề. Dựa trên những tiêu chí này Sở sẽ cấp một biển hiệu xác định nguồn gốc, chứng thực sản phẩm lụa Vạn Phúc, từ đó để các công ty lữ hành phối hợp đưa du khách tham quan, mua sắm. Cũng dựa trên các tiêu chuẩn về hạ tầng và dịch vụ, Ban Quản lý chợ gốm Bát Tràng đã bước đầu triển khai xây dựng các tuyến, điểm tham quan, có bài thuyết minh chuẩn. Trong đó, trước khi các đoàn khách tới thăm, đại diện làng nghề sẽ gửi trước bản thông tin chi tiết cho hướng dẫn viên của công ty du lịch để nghiên cứu, dịch sau đó giới thiệu cho du khách. Cùng với đó, các làng nghề sẽ phối hợp cũng các công ty du lịch xây dựng những tour, tuyến có nội dung phù hợp sở thích và nguyện vọng của du khách. 

Để đối phó với nạn hàng giả hàng nhái, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng lên kế hoạch triển khai dán tem chống hàng giả trên các sản phẩm của làng. Loại tem này có đặc tính khi dán vào sẽ không bóc ra được, cũng như giải quyết được khó khăn trong việc in logo lên sản phẩm có lớp men tối màu. Ngoài các hình thức xử phạt người bán hàng lập lờ nguồn gốc sản phẩm, trên trang web www.gomsubattrang.org cũng hướng dẫn chi tiết phân biệt sản phẩm Bát Tràng với hàng Trung Quốc để người tiêu dùng nhận biết trước khi mua hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, HTX cũng đã bắt đầu triển khai vận động các hộ sản xuất gắn tên vào mép biên của sản phẩm gia đình mình, vừa quảng cáo thương hiệu, vừa giúp khách dễ phân biệt lụa Vạn Phúc và lụa ở những nơi khác. UBND phường cùng HTX cũng đang phối hợp vận động các hộ kinh doanh ở đây thực hiện việc minh bạch trong khi giới thiệu sản phẩm bằng cách phân các gian hàng thành hai khu. Một khu bày bán sản phẩm lụa Vạn Phúc, một khu là các sản phẩm lụa có nguồn gốc khác. Cùng việc kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái, làng cũng sẽ chú trọng phục dựng lại các khu nhà cổ để khách du lịch có thể tới vừa nghỉ ngơi, vừa tham quan và trực tiếp chứng kiến các công đoạn sản xuất sản phẩm lụa Vạn Phúc.