Du lịch Hà Nội loanh quanh ngõ hẹp (1): Chưa đủ sức "níu chân" du khách

ANTĐ - Hà Nội chứa đựng một kho tàng văn hóa và cảnh quan không đâu có được nhưng những lợi thế đó vẫn chưa được khai thác, tận dụng triệt để. Du lịch Hà Nội vẫn loanh quanh “sáng phố cổ, tối xem rối nước” với những điểm tham quan đã quá quen thuộc.

Du lịch Hà Nội loanh quanh ngõ hẹp (1): Chưa đủ sức "níu chân" du khách ảnh 1Quanh đi quẩn lại, du lịch Hà Nội vẫn chỉ là “ăn tối, rối nước”

Mọi ấn tượng đều... cũ

Đi thăm chợ đêm phố cổ, xem múa rối nước, thăm đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám … đó là hành trình quen thuộc đối với bất cứ du khách nào khi đặt chân đến Hà Nội. Nếu xê dịch ra ngoài khu vực nội thành một chút, điểm dừng chân đương nhiên là làng gốm Bát Tràng, hoặc làng cổ Đường Lâm. Quanh đi quẩn lại, ngoài những địa điểm đã thuộc nằm lòng trên, một khách du lịch đến Hà Nội rất dễ lâm vào tình cảnh… không biết đi đâu. Nếu thử bắt chuyện với những vị khách nước ngoài tại Hà Nội,  đa phần họ đều cho biết chỉ chọn Hà Nội làm điểm trung chuyển, còn lại  sẽ di chuyển đến các điểm du lịch khác như Hạ Long - Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế hay Nha Trang… 

Du lịch Hà Nội loanh quanh ngõ hẹp (1): Chưa đủ sức "níu chân" du khách ảnh 2

Trong một cuộc hội thảo về du lịch Hà Nội cách đây không lâu, bà Đỗ Mai Hương, Phó Giám đốc Công ty du lịch Hồ Gươm thẳng thắn: “Trước kia, chúng tôi có giới thiệu những tour du lịch làng nghề hay những điểm tham quan lưu trú… thì du khách lưu trú ở Hà Nội được 2-3 đêm. Tuy nhiên, gần đây, thời gian lưu trú ở Hà Nội có vẻ giảm đi. Khách quốc tế đến Hà Nội chỉ ở 1 đêm, “câu kéo” giỏi lắm thì được 2 đêm. Tôi nghĩ rằng cần phải xây dựng sản phẩm du lịch mới để kéo dài thời gian lưu trú của du khách”. 

Không chỉ bà Đỗ Mai Hương mà nhiều doanh nghiệp làm du lịch khác ở Thủ đô cũng chạnh lòng vì nhiều năm nay, Hà Nội không có những điểm du lịch, tham quan, những sản phẩm du lịch đủ sức níu chân du khách, nên đến Hà Nội, du khách vẫn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Sau ngần ấy năm “ăn tối, rối nước” như cách người ta vẫn nói vui, dù có thêm nhiều điều kiện để khai thác nhưng nhìn chung bộ mặt du lịch Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của mình. 

Tiềm năng bỏ ngỏ

Nếu để liệt kê các đặc trưng du lịch trên cả nước thì nhắc đến Nha Trang là nhắc đến du lịch biển, Huế là vùng đất festival, Đà Lạt là xứ sở hoa, Phan Thiết - Mũi Né là thiên đường nghỉ dưỡng… Vậy đặc trưng của du lịch Thủ đô là gì? Đó là câu hỏi khó trả lời. Mặc dù, với vị thế là trái tim của cả nước, là cửa ngõ du lịch của miền Bắc, tuy nhiên Hà Nội chưa thực sự xây dựng được những sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn du khách. Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam,  sản phẩm du lịch đặc thù phải được phát triển dựa trên tính độc đáo hay duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch, với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu, sự mong đợi của du khách mà còn phải tạo được ấn tượng.

Xét về những điều kiện này, Hà Nội hoàn toàn có đủ tiềm năng để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù và đã xây dựng hẳn một chiến lược quy hoạch rõ ràng, trong đó gợi mở những định hướng phát triển du lịch Thủ đô, tuy nhiên đến nay việc này vẫn đang triển khai một cách chậm chạp. Cụ thể là trong Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có nhấn mạnh, du lịch văn hóa đang là thế mạnh lớn nhất và là sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội. Trong đó cụ thể, loại hình du lịch này sẽ gắn với các hoạt động như tham quan di tích lịch sử, tham quan làng nghề, phố cổ, du lịch lễ hội và du lịch cộng đồng. Song, nhiều tuyến, điểm du lịch có thể tận dụng để phục vụ du khách hiện thời lại bị bỏ ngỏ. 

Nói không đâu xa, khu vực hồ Tây rộng lớn với nhiều thắng cảnh, với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa bao quanh hồ… nhưng chỉ lác đác một vài loại hình du lịch nhà nổi, du thuyền… khá đơn điệu và thiếu hấp dẫn. Trong khi đó, manh mún và thiếu chuyên nghiệp là hiện trạng chung của phát triển du lịch làng nghề ở Thủ đô. Trong số hơn 1.000 làng nghề lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội, số lượng làng nghề mở cửa kinh doanh phục vụ du lịch chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đó là chưa kể nhiều làng nghề đang đối mặt với nguy cơ mai một, mất bản sắc. Lấy một số ví dụ như trên để thấy rằng, rõ ràng vấn đề của du lịch Thủ đô không phải là “thiếu điểm đến, thiếu chỗ chơi” mà còn thiếu sự kết nối, sự quyết tâm để ngành du lịch Thủ đô trở thành “con gà đẻ trứng vàng”. Chứ không, dăm, bảy năm nữa, khách du lịch vẫn chỉ than rằng, du lịch Hà Nội chỉ có “sáng phố cổ, tối xem rối nước”. 

(Còn nữa)