Du lịch có trách nhiệm

ANTĐ - Mấy năm gần đây, cụm từ “Du lịch có trách nhiệm” thường được nhắc đến nhiều tại các hội thảo, hội nghị. Thậm chí ở trên băng rôn quảng cáo bán tour của các công ty du lịch… hoạt động này nhắm tới mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Cả các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch đều đua nhau quảng cáo những sản phẩm với tiêu chí “Du lịch có trách nhiệm”.

Mai Châu, Hòa Bình không còn hấp dẫn du khách như những năm trước đây

Chuyện ngược đời ở những địa danh có tiếng

Văn hoá và du lịch có “mối lương duyên” với nhau. Có văn hóa thì du lịch mới phát triển và ngược lại, có du lịch thì văn hóa mới được quảng bá, bảo tồn và lưu truyền. Du lịch và văn hóa như hai yếu tố không thể tách rời. Nhưng hiện nay “mối lương duyên” ấy như đang “phá” nhau khi mà trên thực tế, ở đâu du lịch càng phát triển và mang lại nhiều lợi nhuận thì dường như ở đó lại càng có nhiều giá trị văn hóa bị biến tướng, sai lạc, thậm chí mất dần. Môi trường bị xâm hại. Đời sống biến động với những thay đổi tiêu cực, không lành mạnh. Và khi những giá trị ấy xuống cấp đến một giới hạn nào đó thì du lịch cũng bắt đầu đi xuống. 

Những hiện tượng Đường Lâm, chuyện Phố cổ Đồng Văn, Chợ tình Khâu Vai, hay như khi các công ty lữ hành giới thiệu Mai Châu với khách hàng thì chỉ nhận được những cái… lắc đầu. Đây là những ví dụ điển hình cho sự “oái oăm” của mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch trong quá trình phát triển. Thực tế ở những địa danh du lịch nổi tiếng ấy là “khi du lịch càng phát triển, du khách càng đông thì những giá trị văn hóa, xã hội, lối sống, truyền thống… ngày càng mai một, biến tướng, thậm chí mất đi”. 

Vì đâu lại có những chuyện ngược đời như vậy, trong khi cả ngành du lịch, nhiều dự án nước ngoài và cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn đang để tiêu chí “du lịch có trách nhiệm” vào vị trí đầu tiên trong các ấn phẩm quảng bá, các chiến dịch truyền thông. Đấy là chưa kể đến vô số những hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề này.

Tác động bằng nhiều cách

Trong xu thế hiện nay, du lịch có trách nhiệm được xem là hướng đi bền vững của các doanh nghiệp lữ hành. Du lịch có trách nhiệm đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành chịu trách nhiệm về các hành động của mình trong việc ra các quyết định và thực thi hoạt động hướng đến việc gia tăng lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường của du lịch, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực. Tuy nhiên, trong số hơn 10.000 doanh nghiệp du lịch trong nước, gần 1.000 doanh nghiệp nước ngoài và khoảng 17.000 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề ở nước ta hiện nay, có bao nhiêu đơn vị, cá nhân thực sự hiểu về du lịch có trách nhiệm. Ấy là còn chưa kể đến một yếu tố quan trọng nhất tác động trực tiếp đến xu thế này là chính những người dân sống sinh sống trong môi trường du lịch ấy.

Với vai trò là cầu nối giữa khách du lịch và người cung cấp dịch vụ tại địa phương, các công ty du lịch lữ hành, khách sạn… có vai trò tác động trực tiếp đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên tại điểm đến. Để cụ thể hóa những lợi thế này, trong cuộc hội thảo và tập huấn mới đây của Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm RTC diễn ra tại Mai Châu Eco Lodge. Những thành viên của RTC là các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã cùng với địa phương cụ thể hóa những tiêu chí du lịch có trách nhiệm trong từng sản phảm du lịch, phổ biến những tiêu chí ấy và cùng cam kết xây dựng những sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Theo đó, những sản phẩm du lịch có trách nhiệm cần đảm bảo những tiêu chí về kinh tế, góp phần phát triển kinh tế địa phương, sử dụng lao động địa phương, giảm thiểu tác động tới môi trường, văn hóa-lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, lối sống và môi trường dân cư… để hiện thực hóa trách nhiệm xã hội của các thành viên cho sự phát triển chung bền vững.

Một trong những vấn đề lớn mà RTC nêu lên trong chương trình hội thảo và tập huấn tại Mai Châu Eco Lodge về du lịch có trách nhiệm là: làm sao để có thể quảng bá, lan tỏa và tạo ra hiệu quả truyền thông tích cực, tác động vào nhận thức của các bên tham gia vào hoạt động du lịch. Từ đó nâng cao trách nhiệm xã hội của các bên liên quan, cam kết thực hiện, xây dựng một môi trường du lịch-văn hóa phát triển và bền vững.

Việc này rất cần sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan quản lý văn hóa-du lịch để biến du lịch có trách nhiệm trở thành kiến thức nền cơ bản, phản xạ của tất cả các bên tham gia vào hoạt động du lịch.

Tin cùng chuyên mục