Du lịch bằng voucher: Giá rẻ thì tour... ôi?

ANTĐ - Phần lớn du khách sau khi sử dụng voucher du lịch đều có nhận xét chung là giá voucher rẻ thì mua phải tour… ôi.

Hiện nay, trên các website cung cấp các suất khuyến mại như muachung, nhommua... xuất hiện rất nhiều "suất" khuyến mại du lịch như voucher du lịch Đà Lạt 3 ngày 2 đêm dành cho hai người tại Blue Moo hotel 4 sao, giảm 61% còn 1.590.000đ so với giá gốc là 4000.000đ, hay voucher nghỉ dưỡng tại Diamond Bay Resort & Golf 4 sao khách hàng chỉ phải trả 4.200.000đ so với số tiền gốc 9.477.000đ, tiết kiệm 5.277.000đ.

Và chỉ cần một click chuột vào đó đăng ký thông tin cá nhân, chuyển khoản, những người đang có nhu cầu đi du lịch giá rẻ sẽ mua được voucher khuyến mại tour du lịch, nghỉ dưỡng với giá giảm chỉ còn 40% - 50%, thậm chí 70% so với giá gốc.

Tuy nhiên, phần lớn du khách sau khi sử dụng voucher du lịch đều có nhận xét chung là giá voucher rẻ thì mua phải tour… ôi. Khách dùng voucher phải tự book phòng với các khách sạn, khu resort. Phòng ở khi sử dụng voucher thường “bị” sắp xếp phòng deluxe hoặc phòng superior, giường đôi, nếu gia đình có em bé đi kèm thì phải kê thêm giường, như vậy là phải mất thêm một khoản phí. Voucher tính ra không rẻ hơn đặt với các công ty du lịch là mấy nhưng điều kiện hoàn, hủy lại khó hơn rất nhiều, đó còn chưa kể một số hotel, khu resort yêu cầu khách dùng voucher cung cấp giờ đến, giờ ăn cụ thể thì họ mới phục vụ.

 Voucher du lịch giảm giá trên website muachung

Voucher du lịch giảm giá trên website muachung

Chất lượng phục vụ  tour của voucher thì rất tệ. Một số du khách sau khi đi du lịch bằng voucher đã phàn nàn về thái độ phục vụ của nhân viên và hướng dẫn viên du lịch. Anh Trọng Tuấn kể về chuyến đi Thiên Cầm bằng voucher của mình: "Hướng dẫn viên không đi theo để hướng dẫn đoàn, chúng tôi muốn đi đâu thì đi và không đặt cho chúng tôi lấy một chỗ để ngồi nghỉ chân mặc dù những tour khác họ đều có. Chúng tôi ra tắm biển thì phải tự mình thuê một chiếc dù để ngồi. Đến các bữa ăn thì tất nhiên đồ ăn quá tệ trong khi các tour khác ngồi bàn bên cạnh được ăn những món ngon".

Một du khách đã mua voucher đi du lịch tâm sự: “Vì chúng tôi mua voucher giá rẻ nên khi đi Diamon Bay, chúng tôi không được chơi trò chơi nào trên biển, cũng không được gọi đồ ăn uống mà chỉ được hướng dẫn viên “chỉ đạo" ngồi ngắm”. Chuyến đi Vin Pearl bằng voucher cũng là kỷ niệm khó quên của gia đình chị Thu Hằng (Hà Nội). Trong voucher có ghi rõ là bên cung cấp tour đã mua vé cáp treo. Thế nhưng, ra tới cáp treo thì chúng tôi mới ngỡ ngàng khi anh hướng dẫn viên bảo chúng tôi đứng ngoài nắng để đợi anh ta chạy vào mua vé, xong xuôi thì anh ta nói luôn là trách nhiệm của anh ta chỉ mua vé thế này thôi còn nhận vé xong thì muốn đi đâu tùy thích, chị Hằng bức xúc kể.

Du khách Hà Minh Hương (Công ty CBI) cho rằng, voucher du lịch rất khó sử dụng trong mùa du lịch cao điểm, đặc biệt là không sử dụng được vào các ngày lễ, nếu được sử dụng vào các ngày lễ thì phải đóng thêm một khoản phí. Chị Minh Anh (Công ty Tem) cho biết, chị mua voucher book phòng ở khách sạn thì bị sắp hai phòng, một phòng ở tầng trệt, một phòng mút trên tầng cao nhất. Như vậy, các khách sạn hay resort thường "không ưu ái" khách dùng voucher để book phòng. Họ sắp phòng theo yêu cầu của khách công ty du lịch trước, sau đó mới đến khách tự book và cuối cùng là khách dùng voucher.

Voucher du lịch là một trong những hình thức kích cầu du lịch bởi giá rẻ sẽ thu hút được du khách mua. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “của rẻ là của ôi”, làm hài lòng khách du lịch sau mỗi chuyến đi thì bên cung cấp voucher và bên phục vụ dịch vụ phải có sự đồng thuận, hợp tác chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo phục vụ tốt và tôn trọng khách du lịch.