Dự kiến phương án thi 2017: Thầy trò sẽ vất vả hơn

ANTD.VN - Dự thảo phương án thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố đang là chủ đề được giáo viên, học sinh cả nước quan tâm, bàn luận. Trong khi nhiều nhà giáo đồng ý với đề thi tổ hợp nhiều môn học nhằm hạn chế học lệch thì các thí sinh lại lo ngại 9 tháng tới làm sao đủ thời gian vừa học vừa ôn 6 môn thi.

Với 6 môn thi xét tốt nghiệp, phương án thi THPT quốc gia 2017 sẽ khiến học sinh ôn vất vả hơn

Bối rối với 6 môn thi xét tốt nghiệp

Tâm lý học sinh lớp 12 năm nay bỗng trở nên “nặng nề” với dự kiến thay đổi của Bộ GD-ĐT về kỳ thi  xét tốt nghiệp THPT. Với những trường hợp chỉ có ý định dự thi để xét tốt nghiệp, các em  mong càng ít môn thi càng tốt.

Đã 2 năm nay, kỳ thi THPT quốc gia quy định học sinh chỉ thi 3 môn bắt buộc và có thêm ít nhất 1 môn tự chọn để được xét tốt nghiệp THPT và thậm chí là xét tuyển đại học. Việc này khiến học sinh có phần “thả lỏng” với những môn không nằm trong “tầm ngắm”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, việc Bộ GD-ĐT cho học sinh tự chọn môn thi như 2 năm vừa qua vô hình trung đã khuyến khích học sinh học lệch.

“Tâm lý thi gì học nấy lâu nay đã hình thành ở học sinh. Nếu đã không thi thì giáo viên khó có thể buộc các em học được. Bởi vậy, rất nhiều môn “chính” đã trở thành môn “phụ” vì các em được tự quyết định mình sẽ thi môn gì. Trong đó, đặc biệt môn Lịch sử, dù Bộ GD-ĐT, nhà trường, thầy cô có kêu gọi đến đâu thì học sinh cũng không học và kết quả là rất nhiều điểm thi THPT quốc gia “trắng” môn Lịch sử” - TS Nguyễn Tùng Lâm chỉ rõ.

Với dự kiến phương án thi 2017, thí sinh sẽ phải ôn thi ít nhất 6 môn với 3 môn thi bắt buộc và 3 môn thi tổ hợp trong một bài thi Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên. Như vậy, mặc dù không còn kiểu “đánh đố” như nhiều năm trước là gần đến tháng thi Bộ GD-ĐT mới công bố 3 môn thi bắt buộc ngoài Toán, Văn, Ngoại ngữ, thí sinh sẽ phải tự lựa chọn cho mình 3 môn thuộc khối xã hội hay khối tự nhiên.

“Em đã xác định học khối D, thi Văn, Toán, Ngoại ngữ nên chỉ tập trung chính cho 3 môn này trong 2 năm THPT. Năm nay, nếu thay đổi này được áp dụng, em sẽ phải ôn thêm 3 môn nữa, đều không phải sở trường - Nguyễn Anh Ninh, học sinh trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình chia sẻ.

Thí sinh sẽ vất vả hơn với phương án 6 môn thi

Đúng với xu hướng thế giới

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho rằng, phương án thi mới sẽ giúp việc học ở phổ thông tránh được quan niệm "môn chính, môn phụ".  Tuy nhiên, hiện nay, chương trình phổ thông còn nặng nề, cả giáo viên và học sinh chưa quen với các bài thi này nên sẽ phải ôn thi vất vả hơn.

Tại trường THPT Nguyễn Tất Thành, học sinh được chia theo 3 ban. Học sinh chọn các ban khác đã định hướng khối thi từ năm lớp 10, nên thời gian thích ứng cho các em không còn nhiều.

TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, dù học có thể vất vả hơn nhưng như vậy mới đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện. “Việc thay đổi cách thi để khắc phục tình trạng môn phụ, môn chính là cần thiết. Phương án thi THPT quốc gia 2017 phần nào hạn chế được tình trạng này. Quan trọng là cách ra đề làm sao để học sinh không nặng về kiến thức sách vở, số liệu và tránh được tình trạng nhồi nhét, quá tải” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định. 

TS Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH quốc gia Hà Nội cho biết, hình thức thi đánh giá năng lực mới này phù hợp với xu hướng thế giới, dịch chuyển từ môn thi sang bài thi, giảm khả năng học lệch, học “tủ” của thí sinh. TS Sái Công Hồng nhấn mạnh: “Phương án thi Bộ GD-ĐT đưa ra trong 2 ngày là nhẹ nhàng với các bài thi trắc nghiệm. Như vậy, chúng ta đã áp dụng được lý thuyết khảo thí hiện đại và công nghệ thông tin vào tổ chức thi”.

Bên cạnh đó, theo TS Sái Công Hồng, với phương án mới, học sinh có quyền được lựa chọn bài thi để xét tuyển vào đại học. Bên cạnh đó, đề thi sẽ kích thích các em trong quá trình học tập. Mỗi bài thi có đặc điểm riêng và giúp phân hóa được thí sinh. Tuy nhiên, theo TS Sái Công Hồng, để thực hiện phương án thi này tốt, cần chuẩn bị kỹ càng, chi tiết để đảm bảo giám sát, kiểm tra về chất lượng của đề thi, kỳ thi.