Du khách không biết tiêu gì khi ở Việt Nam dài ngày

ANTĐ - Mặc dù nằm trong top đầu ở khu vực Đông Nam Á và có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên để khai thác du lịch, nhưng Việt Nam vẫn thua kém nhiều quốc gia trong khu vực về các chỉ số cạnh tranh. Vậy nguyên nhân nào khiến du lịch Việt Nam yếu thế trên bản đồ du lịch trong khu vực?

Du khách không biết tiêu gì khi ở Việt Nam dài ngày ảnh 1Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam mới chỉ thu hút thị trường khách giá rẻ

Chẳng so sánh đâu xa

Theo bản báo cáo thường niên của Du lịch Việt Nam 2014 do Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là dự án EU), công bố thì năm 2014, Việt Nam đứng thứ 40 thế giới về tổng lượng khách quốc tế đến, đạt 7,8 triệu lượt.

Nếu so với mặt bằng các nước phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam còn đứng dưới 4 quốc gia là Malaysia xếp thứ 12, Thái Lan xếp thứ 14, Singapore thứ 25 và Indonesia thứ 34. Xét trên khía cạnh nguồn thu từ khách du lịch, tiêu thụ du lịch trong nước tính theo đầu người (gồm cả chi tiêu của khách quốc tế và khách nội địa) của Việt Nam đạt 166USD, còn thấp hơn Philippines (234USD) và Campuchia (266USD). Tính theo từng thị trường khách, khách Trung Quốc - thị trường truyền thống của Việt Nam gần đây chiếm khoảng 25% tổng lượng khách, cũng chỉ chi tiêu khoảng 790USD /người trong suốt cả hành trình và vẫn nằm trong nhóm chi tiêu khiêm tốn. 

Năm 2014, khi du lịch Việt Nam tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh thì Thái Lan, Philippines tăng 8 bậc, Malaysia đã tăng 9 bậc, còn Indonesia đạt kỳ tích tăng 20 bậc…

Giá rẻ chưa hẳn là tất cả

Nhìn những con số trên đây để so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á - vốn có khu vực được đánh giá là nhiều triển vọng phát triển du lịch có thể thấy rõ du lịch Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước bạn. Nếu không tính bề nổi - số lượng khách đến, năm sau vẫn thường cao hơn năm trước thì con số nguồn thu từ khách du lịch cho thấy một điều rõ ràng, sản phẩm cũng như dịch vụ du lịch Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn du khách.

Tính đơn giản, nếu một khách đi du lịch tàu biển quốc tế đến Việt Nam mua tour theo dạng trọn gói, không lưu trú thì nguồn thu duy nhất là từ hoạt động mua sắm. Đối với khách đi đường bộ trong ngày cũng vậy. Nếu chúng ta không bán được sản phẩm thì coi như một hành trình du lịch Việt Nam chỉ làm lợi cho các hãng lữ hành nước ngoài. Đã từng có một chuyên gia du lịch nhận định, Việt Nam là điểm đến dành cho đối tượng khách chi tiêu thấp, ở ngắn ngày, “vì ở dài thì không biết đi đâu, mà đi cũng không biết tiêu gì cho bõ”.

Quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện sản phẩm du lịch. Sản phẩm có hấp dẫn, giá cả phải chăng thì mới thu hút du khách. Mặc dù, Hà Nội và TP.HCM từng vào top 10 thành phố giá rẻ, là “thiên đường” của những tín đồ đi du lịch bụi trong thời điểm xu hướng du lịch tiết kiệm lên ngôi thì cũng chưa đủ để du lịch Việt Nam tạo được dấu ấn. “Rẻ” mà vẫn không “đắt khách”, vì sao? 

Nhìn lại về chiến lược phát triển du lịch của các quốc gia láng giềng. Chẳng hạn như Campuchia chỉ có kỳ quan Angkor Wat nhưng mỗi năm thu hút đến 2 triệu khách, làm giàu cho nền du lịch Campuchia. Còn Thái Lan được coi là quốc gia “đi mãi cũng không chán”, vì khách du lịch nếu không thích mua sắm ở Bangkok, có thể thỏa sức ngắm biển xanh cát trắng ở Pattaya, ở Hua Hin… Indonesia - quốc gia trước đây cũng chưa phải là điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á nay đang tận dụng sức quyến rũ của Bali để khuếch trương tên tuổi của mình. Mặc dù, quốc đảo Singapore hạn chế về tài nguyên nhưng hình ảnh đất nước văn minh, năng động, là “thiên đường” giải trí, mua sắm khiến đây luôn là địa chỉ không thể không đến cho những ai có ý định du lịch Đông Nam Á.

Còn Việt Nam, dường như chúng ta chưa biết thế mạnh của mình, hay chưa biết thời cơ để quảng bá cho mình. Sắp hết năm 2015, Việt Nam đang trong lộ trình gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, nhưng với những số liệu không mấy khả quan, không biết du lịch Việt Nam sẽ mang gì ra cạnh tranh trong sân chơi mới mang tầm khu vực.