Dự đoán kịch bản cho tỷ giá năm 2017

ANTD.VN - Suốt gần 1 năm ổn định nhưng chỉ trong khoảng hơn 1 tháng cuối năm, tỷ giá lại có nhiều “cơn sóng”.

Tỷ giá cuối năm thường chịu nhiều áp lực

Chỉ trong mấy tuần gần đây, thị trường đã chứng kiến 2 lần biến động tỷ giá mạnh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang theo sát những diễn biến của thị trường và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Vì vậy, khả năng biến động mạnh của tỷ giá trong thời gian sắp tới là rất ít.  

Chịu nhiều sức ép

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 22.155 đồng/USD, tăng 3 đồng so hôm trước đó. Đây là mức cao nhất từ đầu năm đến nay và so với hồi đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 1,21%.

Với mức biên độ 3%, tỷ giá trần là 22.820 đồng và tỷ giá sàn là 21.490 đồng. Những ngày cuối tuần, các ngân hàng hầu hết niêm yết mua - bán USD quanh mức 22.720 - 22.790 đồng. Tại thị trường tự do, tỷ giá ở mức 23.150 - 23.200 VND/USD. 

Trên thị trường thế giới, đồng USD biến động giằng co quanh mức đỉnh 14 năm nhờ kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cùng với các chính sách kích thích kinh tế dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tính từ khi ông Trump trúng cử Tổng thống, chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD với 6 loại tiền tệ khác đã tăng gần 6%.

Theo các chuyên gia, tỷ giá thời gian gần đây bị tác động bởi 3 yếu tố chính là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; việc FED tăng lãi suất và việc một số quốc gia khác tìm cách phá giá đồng nội tệ nhằm tăng sức cạnh tranh hàng hóa bán trên thế giới. 

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, VND lại có xu hướng ổn định hơn so với USD và các đồng tiền khác, đồng nghĩa với việc VND cũng đã tăng giá so với các đồng tiền khác, làm cho hàng hóa mất tính cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Trong năm tới, nếu Việt Nam không tăng lãi suất USD thì sẽ dẫn đến “chảy máu” nguồn ngoại tệ ra nước ngoài. Nếu lãi suất USD tăng thì lãi suất tiền đồng cũng phải tăng trong năm tới để thu hút người gửi. Như vậy, tiền đồng sẽ không bị mất giá so với các ngoại tệ khác.

Nhận định về “kịch bản” tỷ giá trong năm 2017, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, tỷ giá đang chịu sức ép tăng từ nhiều yếu tố tài chính và kinh tế. Bởi đồng USD sẽ vẫn duy trì sức mạnh và đồng nhân dân tệ giảm mạnh sẽ tăng áp lực lên tỷ giá VND. Đặc biệt, trong năm 2017, nhu cầu sử dụng USD sẽ tiếp tục tăng tạo áp lực tăng tỷ giá.

Khả năng biến động mạnh là rất ít

Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2016, tỷ giá USD tăng rất thấp so với việc tăng giá đồng USD. Cụ thể, tỷ giá mới tăng hơn 1%, trong khi với việc FED tăng lãi suất thì đồng USD đã tăng khoảng 2,3%.

Trong năm 2017, việc điều chỉnh tỷ giá là có thể nhưng sẽ không quá mạnh như giai đoạn 2014-2015, do việc đồng USD tăng giá quá mạnh sẽ làm yếu đi lĩnh vực ngoại thương của Mỹ. Đây là điều Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ phải cân nhắc.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang theo sát những diễn biến của thị trường và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Vì vậy, khả năng biến động mạnh của tỷ giá trong thời gian sắp tới là rất ít. Ngoài ra, ở khía cạnh nguồn cung, hoạt động thoái vốn của Chính phủ khỏi các tổng công ty Nhà nước cũng tạo được nguồn cung USD tương đối lớn và giúp cân đối cung cầu trên thị trường ngoại tệ.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc đầu tư ngoại tệ có thể sinh lợi trong ngắn hạn nhưng không hẳn là kênh đầu tư tốt. Dù trên thực tế, việc FED dự báo trong năm 2017 đồng USD sẽ có thêm 3 lần tăng lãi suất đã khiến tỷ giá trên thị trường chợ đen có lúc tăng nóng, chạm ngưỡng 24.000 VND/USD.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam không cho phép kinh doanh ngoại tệ tự do. “Những giao dịch ngoại tệ phát sinh từ nhu cầu phải đến ngân hàng để trao đổi từ tiền đồng sang tiền USD, còn nếu giao dịch trên thị trường chợ đen đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật” - TS Hiếu cho biết.