Dư chấn màn “so găng” đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không phải nội dung tranh luận mà sự hỗn loạn mới là điều mà cử tri Mỹ chú ý nhất trong hiệp “so găng” trực tiếp đầu tiên giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Diễn biến các hiệp đấu tiếp theo chắc sẽ còn gay cấn.
Người dân Mỹ đang theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống trên truyền hình

Người dân Mỹ đang theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống trên truyền hình

Xem ra, toan tính của cả hai phía trong cuộc thử sức đầu tiên này chỉ là giành ưu thế tâm lý nhằm tạo đà thuận lợi hơn cho các hiệp đấu tiếp theo. Chính vì thế, trái với những gì cử tri mong đợi, trong cuộc tranh luận này, ông Donald Trump và Joe Biden chủ yếu tìm mọi cách công kích đối phương, hơn là trình bày cương lĩnh tranh cử.

Theo lịch trình, nội dung 90 phút tranh luận rất đa dạng, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, từ bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ, đại dịch Covid-19, đến tình hình kinh tế, nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực ở các thành phố của Mỹ, tính toàn vẹn của cuộc bầu cử… Thế nhưng, cuộc tranh luận đã bị nát vụn bởi những ý kiến phản pháo mà hai đối thủ thi nhau tung ra nhằm chiếm lĩnh sân khấu.

Trong bối cảnh đó, tranh luận đã không mang lại những gì mà cử tri kỳ vọng hai ứng cử viên sẽ phác thảo cho 4 năm cầm quyền sắp tới. Họ chỉ thấy những ý tưởng rời rạc chứ không phải là các kế hoạch tăng tốc sản xuất hay phân phối vaccine nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, hoặc cách thức đảm bảo để trẻ em được trở lại trường vào kỳ học tới…

Có lẽ, dư chấn mạnh nhất từ màn “so găng” đầu tiên này là sự bất ngờ với dư luận trước những tranh cãi hỗn loạn, thậm chí đến mức không còn lịch sự, giữa hai ứng cử viên. Trong khi ông Donald Trump chê đối thủ là “kém thông minh”, thì ông Joe Biden phản pháo lại bằng việc gọi đương kim Tổng thống là “gã hề”, thậm chí hỏi ông Donald Trump một cách bực bội: “Ông có chịu im đi không?”.

Sự căng thẳng giữa hai bên đã biến lần thử sức đầu tiên này thành cuộc tranh luận được coi là “hỗn loạn” nhất trong lịch sử các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Vì thế, dù cuộc tranh luận rất quyết liệt nhưng cũng chưa thực sự ngã ngũ để có thể kết luận về tương quan lực lượng giữa hai ứng cử viên. Diễn biến tranh luận cho thấy chưa đối thủ nào đưa ra được những lý giải có sức thuyết phục cao, mang tính đột phá để có thể thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Tất nhiên, các cuộc tranh luận không phải là yếu tố quyết định đến kết quả bầu cử, không phải ai thắng trong các cuộc tranh luận sẽ là người thắng cử. Thực tế cho đến nay, tại nhiều bang đã có thể đoán được ứng cử viên nào sẽ là người giành chiến thắng, căn cứ vào đó là địa bàn truyền thống của đảng Cộng hòa hoặc của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các cuộc tranh luận có thể kích hoạt một quá trình để củng cố một thắng lợi vang dội hoặc dẫn tới một cuộc lật đổ ngoạn mục. Thường thì điều này phụ thuộc vào các bang “chiến trường”, nơi không đảng nào chiếm đa số rõ rệt. Tại những nơi đó, những cử tri “chưa quyết định” và những cử tri “trung dung” sẽ là người có tiếng nói cuối cùng. Đây là những người sẽ chỉ đưa ra quyết định của mình vào phút cuối cùng hoặc có thể thay đổi quyết định của mình trước ngày bầu cử.

Muốn chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Donald Trump và Joe Biden phải giành được phiếu của số cử tri còn đang do dự các bang “chiến trường” thông qua các cuộc tranh luận. Điều này rất quan trọng bởi người chiến thắng phải là người giành được nhiều số phiếu đại cử tri vốn được phân theo các bang (số lượng đại cử tri của mỗi bang thường được quyết định dựa vào dân số của bang đó), chứ không phải là nhiều phiếu phổ thông hơn trên quy mô toàn quốc. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, bà Hillary Clinton dù giành nhiều hơn ông Donald Trump 3 triệu phiếu phổ thông nhưng vẫn thất cử vì số phiếu đại cử tri mà bà thu được lại ít hơn so với ông Donald Trump.

Tạm thời, kết quả thăm dò dư luận do CBS News tiến hành cho biết 48% khán giả cho rằng ông Joe Biden đã giành chiến thắng, trong khi tỉ lệ này đối với Tổng thống Donald Trump là 41%, có 10% chưa đưa ra quyết định. Ngoài ra, cuộc thăm dò do kênh truyền hình CNN thực hiện cũng cho thấy 60% khán giả nhận định ông Joe Biden đã thắng cuộc tranh luận, trong khi ông Donald Trump chỉ nhận được 28%.

Chắc chắn ông Donald Trump sẽ tìm mọi cách để đảo ngược tình thế, trong khi ông Joe Biden thì tính toán làm sao tiếp tục duy trì lợi thế. Sự căng thẳng giữa hai bên sẽ biến hai cuộc tranh luận trực tiếp tiếp theo vào 15-10 tại Miami, bang Florida, và 22-10 ở Nashville, bang Tennessee thành những cuộc đối đầu thực sự. Điều này khiến Ủy ban về tranh luận Tổng thống (CPD) phải cân nhắc bổ sung một số thay đổi cho 2 vòng tranh luận tiếp theo, chẳng hạn như khi một ứng cử viên đang phát biểu thì micro của đối thủ tranh luận sẽ bị tắt để không thể chen ngang, nhằm bảo đảm tranh luận diễn ra trật tự.