Dự báo thời tiết thiếu chính xác vì mô hình quá cũ

ANTĐ - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tạo ra những hình thái thời tiết cực đoan, dị thường. Theo cảnh báo, Việt Nam có thể đón siêu bão mạnh cấp 16-17. Tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành địa phương về đối phó siêu bão sáng 7-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, chúng ta cần khẩn trương đưa ra phương án, không thể chờ đợi thêm nữa.
Dự báo thời tiết thiếu chính xác vì mô hình quá cũ ảnh 1
Siêu bão gây mưa lớn, ngập lụt ở Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận như năm 2008 có thể tái diễn

Không còn nhiều thời gian

Những năm gần đây, thế giới xảy ra nhiều siêu bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản như bão Katrina đổ bộ vào Hoa Kỳ năm 2005, bão Nargis đổ bộ vào Myanmar năm 2008… Đặc biệt, siêu bão Hải Yến năm 2013 là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines với gió giật trên cấp 17, nước biển dâng cao tới 7m, đã làm hơn 6.200 người thiệt mạng, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng khu vực bão đổ bộ. “Dù chúng ta đã quen với bão lũ nhưng cũng không thể hình dung được hậu quả do siêu bão Hải Yến gây ra với Philippines lại nặng nề đến thế.

Ngay sau cơn bão, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, BCĐ PCLB Trung ương sang Philippines nghiên cứu, phân tích về siêu bão này và đưa ra giải pháp cho Việt Nam”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay và nhấn mạnh: “Siêu bão có thể đổ bộ vào Việt Nam bất kỳ lúc nào. Chúng ta phải khẩn trương, không còn nhiều thời gian chờ đợi, nghiên cứu sâu mà vừa phải làm vừa điều chỉnh”. 

Bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH cho biết, nước ta được chia thành 5 vùng bão, gồm Quảng Ninh – Thanh Hóa (Vùng 1); Nghệ An – Thừa Thiên Huế (Vùng 2), Đà Nẵng – Bình Định (Vùng 3); Phú Yên – Khánh Hòa (Vùng 4); Ninh Thuận – Cà Mau (Vùng 5). Trong đó, từ Quảng Ninh đến Bình Định được dự báo sẽ xuất hiện bão có cường độ mạnh nhất, ở cấp 15-16. Càng đi sâu về phía Nam, cường độ bão được dự báo sẽ giảm. Còn ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đánh giá, bão trên cấp 10, khi ảnh hưởng trực tiếp vào ven bờ Việt Nam, sẽ gây thiệt hại lớn về nhà cửa, công trình công cộng.

Phải cụ thể hóa phương án đối phó siêu bão

“Nghiên cứu 4 cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Việt Nam cho thấy, các tỉnh thuộc khu vực Trung bộ có khả năng xảy ra gió mạnh nhiều hơn so với khu vực Nam bộ. Nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng trong bão tập trung vào khu vực ven biển Nam bộ và Thừa Thiên - Huế do đây là các vùng đất trũng”, ông Hoàng Đức Cường phân tích.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, BĐKH đã và đang làm cho các mô hình dự báo cũ của chúng ta trở nên thiếu chính xác, không đủ tin cậy. Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, các nước Bắc Âu đã tổ chức thêm mô hình dự báo khác để giảm bớt sai số, giảm thiệt hại. Chính phủ cũng đã quyết định kêu gọi xã hội hóa công tác dự báo khí tượng, khí hậu để đầu tư, nâng cao năng lực dự báo. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT và Bộ NN&PTNT nghiên cứu, làm rõ hơn các phương án đối phó khi có siêu bão đổ bộ. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu vào quý   I-2015 phải hoàn thành xong bản đồ ngập lụt trên toàn quốc; tháng  6-2015, tất cả các địa phương và BCĐ PCLB Trung ương phải có phương án bổ sung đối phó với bão mạnh và siêu bão để triển khai tới từng xã, phường.