Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ chỉ tăng trưởng dưới mức 2% trong năm 2023 như những gì từng xảy ra trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Giá các mặt hàng tiêu dùng ở Pháp tăng vọt do lạm phát

Giá các mặt hàng tiêu dùng ở Pháp tăng vọt do lạm phát

Kinh tế của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều suy giảm

Đây là đánh giá mà Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra tại Hội nghị Reuters NEXT hôm 1-12 vừa qua. Theo bà Georgieva, nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 dưới mức 2% là khoảng 25%. Tuy nhiên, khi đánh giá các chỉ số gần đây, IMF quan ngại nguy cơ này có thể tăng hơn.

Trước đó, IMF dự báo hơn 33% số nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong năm nay hoặc năm sau, trong đó hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) bị đình trệ. Không những thế, IMF quan ngại nguy cơ suy giảm xảy ra đồng thời ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Vốn được coi là động lực tăng trưởng của thế giới, sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài và các vấn đề của ngành bất động sản đã gây ra những rủi ro lớn với nền kinh tế thế giới. Để hỗ trợ thị trường bất động sản, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đang phải lên kế hoạch cung cấp 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 28 tỷ USD) dưới dạng các khoản vay cho vay lại không lãi suất đối với các ngân hàng thương mại đến cuối tháng 3-2023, nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong việc cung cấp vốn phù hợp cho các dự án bất động sản bị đình trệ.

Với Mỹ, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) - chỉ số thể hiện triển vọng của nền kinh tế trong ngành sản xuất và dịch vụ trong tháng 11-2022 đã giảm xuống 47,6 từ mức 50,4 của tháng 10-2022 và thấp hơn nhiều so với dự báo là 50. Như vậy, hoạt động kinh doanh của Mỹ đã giảm tháng thứ năm liên tiếp, với số lượng đơn đặt hàng mới giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm rưỡi qua. Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 19-11-2022 ở mức 240 nghìn đơn, cao hơn so với dự báo 225 nghìn đơn.

Với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), dù tốc độ giảm đã chậm lại nhưng đây là tháng giảm thứ 5 liên tiếp, hoạt động sản xuất của khu vực bị suy giảm. Niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 10 được điều chỉnh lên -27,5 từ mức ước tính -27,6 trước đó. Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức rất thấp so với mức trung bình dài hạn.

Trên quy mô toàn cầu, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo các nước nghèo nhất thế giới hiện đang nợ 62 tỷ USD đối với các chủ nợ song phương chính thức, tăng 35% so với năm ngoái. Ông Malpass bày tỏ quan ngại về nguy cơ vỡ nợ đột ngột tại những nơi chưa có hệ thống giải quyết được vấn đề này. Ông cũng lo ngại về việc nợ ngày càng tăng tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, khiến các dòng vốn bị rút khỏi các nước đang phát triển. Trong khi phải đối mặt với nhiều thách thức như vậy, thì thiệt hại kinh tế do các thảm họa tự nhiên gây ra trên phạm vi toàn thế giới trong năm 2022 ước tính lên tới 115 tỷ USD, cao hơn mức thiệt hại trung bình 81 tỷ USD trong giai đoạn 10 năm. Theo thống kê của Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ, năm 2022 trở thành một trong những năm tốn kém nhất cho ngành bảo hiểm. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp mức thiệt hại được bồi thường vượt 100 tỷ USD, tương đương với mức tăng trung bình 5-7%/năm trong thập kỷ qua.

Cần một “mặt trận thống nhất” để đối phó suy thoái kinh tế toàn cầu

Làm thế nào để đưa nền kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo phục hồi đang trở thành vấn đề thời sự toàn cầu. Theo giới phân tích, chìa khóa để giải quyết vấn đề này nằm ở lựa chọn của các nước lớn. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều hơn giữa các nước lớn để tạo ra một môi trường quốc tế lành mạnh, hòa bình và ổn định, chứ không phải là các chính sách và cơ chế làm suy yếu hợp tác quốc tế.

Thực tế cho thấy phi toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó giải quyết những vấn đề đang đối mặt hiện nay, bởi chủ nghĩa bảo hộ, tách rời, chia rẽ có tính hủy hoại rất cao và cái giá phải trả rất đắt. Cả Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đều cho rằng, phi toàn cầu hóa và phân mảnh hóa sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng nhất đối với các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi, có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 5%. Vì thế, các định chế tài chính, các chính phủ, đặc biệt là các nước lớn, cần nhanh chóng đoàn kết, phối hợp để hình thành một “mặt trận thống nhất” mới có thể đối phó suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trước mắt, để giải quyết với những khó khăn nảy sinh, các nền kinh tế trên thế giới đã kích hoạt nhiều biện pháp đối phó mạnh mẽ, phổ biến nhất là thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Mỹ, Anh và một số nền kinh tế lớn đều đã tiến hành các bước đi tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh biện pháp chủ đạo này, các nền kinh tế cũng đồng thời thực hiện nhiều biện pháp đối phó khác như cơ cấu lại danh mục và tiết giảm đầu tư, chi phí… Đặc biệt, một số quốc gia đang phát triển ở châu Á, còn thực hiện hạn chế xuất khẩu một số hàng thiết yếu, nhất là lương thực…, để đối phó tình hình khó khăn trong nước.

Với Việt Nam, trong bối cảnh quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, Việt Nam luôn bám sát tình hình để đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả. Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, lâu dài, chiến lược, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA với khoảng 60 nền kinh tế và đang tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo các nhà kinh tế, để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh triển khai thực hiện các giải pháp trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế bởi đây là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 và 2023. Đối với chính sách tiền tệ, việc thực hiện cần thận trọng, chủ động, linh hoạt và hướng đến đảm bảo ổn định lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và ổn định tỷ giá. Đối với chính sách tài khóa, cần ưu tiên và mở rộng theo hướng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; các chính sách thuế, phí cần được rà soát để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Cùng đó, các giải pháp quản lý giá cả cũng như kiểm soát lạm phát cần thực hiện để đảm bảo lạm phát ở mức dưới mục tiêu 4%. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thoát khỏi cuộc khủng hoảng năm 1970 của thế giới dựa trên lý thuyết kinh tế trọng cung, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất và xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự cường, hội nhập. Định hướng này sẽ giúp Việt Nam không bị phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung bên ngoài, giúp giảm thiểu thiệt hại do đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới.