Dự báo lạm phát chưa chuẩn

ANTĐ - Một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát năm 2011 tăng tới 18,3% so với năm 2010 là do công tác dự báo “lệch” với tính toán của các chuyên gia kinh tế, dẫn đến biện pháp điều hành chậm được triển khai. Đó là nhận định của Tổng cục Thống kê (TCTK) tại buổi họp báo sáng 29-12 công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2011.

Nhiều mặt hàng đã phải bình ổn giá trong năm 2011

- 6 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước luôn tăng cao, có tháng tăng đến hơn 3%. Tuy nhiên nửa năm sau, CPI lại giảm dần. TCTK có thể lý giải nguyên nhân của diễn biến này?

- Ông Nguyễn Đức Thắng (Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - TCTK): Lạm phát của Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây, có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa là do khả năng của nền kinh tế như: khả năng cạnh tranh kém, đầu tư kém hiệu quả... tổng cung lớn. Kinh tế thế giới lại diễn biến bất thường. Trên thế giới, lạm phát quay trở lại và các nước đều có tỷ lệ này tăng cao. Nguyên nhân trực tiếp là Việt Nam nhập khẩu hàng hóa bằng ngoại tệ - USD. Tỷ giá này được điều chỉnh vào tháng 2-2011 thêm 9,3% làm giá cả hàng hóa tăng kép. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh chăn nuôi cũng dẫn đến thiếu nguồn cung thịt lợn tại một số thời điểm, đẩy giá cả lên cao.

Công tác dự báo điều hành cũng chưa tốt. Theo quy luật tháng 2 tăng cao, tháng 3 giảm, các biện pháp điều hành đều dồn vào tháng 3 nhưng không ngờ giá hàng hóa tiếp tục tăng cao. Tháng 4, 5 theo quy luật thị trường lại cao. Ngoài ra, còn do tác động giá xăng dầu tăng và 2 lần điều chỉnh lương cho doanh nghiệp sản xuất và đối tượng hưởng lương chính sách...

Thực tế, lạm phát tăng cao từ tháng 9-2010 đến nay. Nghị quyết 11 Chính phủ đưa ra hồi tháng 2 được tất cả các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt nhưng có độ trễ. Do vậy, từ tháng 8 trở đi lạm phát mới giảm biên độ tăng.

- Mục tiêu đặt ra cho năm 2012 với mức lạm phát ở 1 con số có khả thi không thưa ông?

- Ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng TCTK: Các chuyên gia kinh tế đã tính toán, lạm phát tiềm năng của năm 2012 là

10,3-10,5%. Quan sát gần đây thì lạm phát tiềm năng luôn cao hơn lạm phát thực tế 1,5-2%. Nếu tính như vậy cùng với những điều kiện khác không thay đổi, chúng tôi tin rằng năm tới sẽ kiềm chế lạm phát ở một con số.

Lâu nay, quy luật là năm trước giá tăng cao rồi thì năm sau giá thấp hơn. Trừ năm 2010 và 2011, 2 năm đều tăng cao. Ban đầu chúng ta đặt 2011 ở mức độ thấp vì nghĩ năm trước cao rồi. Nhưng riêng năm 2011 do chịu tác động lớn của khủng hoảng kinh tế và giá cả thế giới cao, nên lạm phát thực tế không nằm trong dự báo. Năm tới nếu còn tiếp tục giữ cung tiền cao thì lạm phát cũng khó giữ.

- Ông có thể cho biết “đóng góp” của giá điện và giá xăng vào CPI trong năm nay là bao nhiêu?

- Ông Nguyễn Đức Thắng: Giá điện tăng 24,29% trong năm 2011. Tỷ trọng điện sinh hoạt của người dân Việt Nam trong năm nay là 2,46% thì điện đóng góp vào CPI là 0,6%. Ở đây chỉ tính tăng giá điện trực tiếp đối với sinh hoạt.

Giá xăng dầu năm qua tăng tổng thể 30,27% so với năm ngoái. Tỷ trọng giá xăng dầu trong sinh hoạt của người dân là 3,64% nên giá xăng dầu tăng 1,1% trong số 18,3% của CPI cả nước năm 2011.

- Thống kê cho thấy chỉ số giá nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn sản phẩm đầu ra, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đăng gặp khó khăn?

- Ông Nguyễn Đức Thắng: Tính chung, giá nguyên liệu đầu vào tăng 21,27%, cao hơn giá bán sản phẩm đầu ra. Đây là khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam.

- Ông Đỗ Thức: Về nguyên tắc, giá đầu vào cao hơn giá đầu ra thì tín hiệu báo sản xuất khó khăn. Nhưng cần phân chia rõ. Ví dụ, giá đầu ra của sản phẩm công nghiệp thấp nhưng đầu ra của nông nghiệp lại cao hơn hẳn đầu vào. Điều  này hoàn toàn phù hợp với Việt Nam vì nước ta là nước nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn là có lợi. Biến động giá không có gì đáng hoang mang trong trường hợp này. Nếu giá đầu ra của nông nghiệp thấp thì đáng lo ngại hơn.

- Chỉ số tồn kho hàng hóa của năm nay khá cao. TCTK dự báo gì về con số này trong năm tới?

- Ông Nguyễn Đình Thúy- Vụ trưởng Vụ Sản xuất công nghiệp (TCTK): Tính đến thời điểm tháng 12-2011, chỉ số tồn kho tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này chưa phải là cao vì cùng thời điểm này năm 2010 chỉ số tồn kho là 127,9%. Bởi vậy, chúng ta không nên quá lo ngại về tình hình tồn kho. Dự báo năm 2012, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tiếp tục gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ và có chính sách linh hoạt phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

Tin cùng chuyên mục