Dự án xây dựng trên đảo hồ Trúc Bạch: Tranh cãi đến bao giờ?

ANTĐ - Đã hơn 25 năm trôi qua kể từ khi xảy ra những tranh cãi đầu tiên về ngôi đền nằm trên hòn đảo nhỏ giữa hồ Trúc Bạch. Những cuộc tranh cãi vẫn chưa đi đến thống nhất xây dựng một cây cầu đá bắc từ đường Thanh Niên ra đảo và một ngôi đền với tên gọi “Thủy Trung Tiên từ”.

Tấm biển dự án xiêu vẹo khuất sau những tán lá trên đảo hồ Trúc Bạch


25 năm chưa thống nhất tên gọi

Cuối tháng 2-2012, UBND quận Ba Đình và UBND phường Trúc Bạch chính thức có thông báo về dự án xây dựng cầu đá ra đảo cùng một ngôi đền trên đảo với tên gọi “Thủy Trung Tiên từ”. Tên gọi này sở dĩ được chọn vì dung hòa 2 luồng ý kiến phản đối và ủng hộ việc xây dựng ngôi đền với tên gọi đền Cẩu Nhi (chó con) trên đảo hồ Trúc Bạch trước đây. Trong biên bản của hội nghị tọa đàm về việc xây dựng cây cầu từ đường Thanh Niên vào đảo hồ Trúc Bạch và phục dựng “Thủy Trung Tiên từ” thuộc phường Trúc Bạch - quận Ba Đình ngày 24-4-2008, tổng hợp 14 ý kiến phát biểu của các nhà khoa học và đại biểu tham dự hội nghị đã đi đến thống nhất xây dựng cây cầu đá và ngôi đền trên đảo tạm gọi là “Thủy Trung Tiên từ”.

Tất cả các ý kiến trong hội nghị đều tán thành việc cấp thiết phải xây dựng một cây cầu đá ra đảo vì việc để đảo hoang nảy sinh những vấn đề xã hội. Cố GS Đỗ Văn Ninh tham dự buổi hội nghị khi đó cũng tán thành ý kiến phải xây dựng chiếc cầu bắc sang đảo này. Đầu tháng 2-2012, chính quyền quận Ba Đình và phường Trúc Bạch đã cho dựng một cây cầu tạm bằng gỗ bắc sang đảo để người dân có điều kiện tham quan đảo. Theo đại diện UBND phường Trúc Bạch, trong vài ngày bắc cầu tạm sang đền trước và trong Tết Nhâm Thìn, đã có trên 1 vạn khách đến tham quan. Đa số khách tham quan đều đồng tình trước dự án tu bổ tôn tạo đền. Dự định trong quý I-2012 dự án tôn tạo đền Thủy Trung Tiên sẽ được tiến hành với điểm nổi bật là một chiếc cầu bằng đá kiên cố dài 18m với 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m bắc vào đảo Trúc Bạch. Tuy nhiên, 4 tháng đã trôi qua, dự án xây dựng cầu đá sang đảo vẫn chưa được triển khai. Hòn đảo nhỏ um tùm cây cối trên mặt hồ Trúc Bạch vẫn giữ dáng vẻ vốn có của nó trong hơn 2 thập kỷ qua - hoang tàn. Tấm biển dự án được dựng ở đảo cũng nghiêng đổ, xiêu vẹo, càng làm cho quang cảnh trên đảo thêm phần buồn tủi. Dự án một lần nữa bị đình lại.  

Ông Đỗ Vũ - Trưởng phòng Văn hóa thông tin (VHTT) quận Ba Đình cho biết: “Theo dự kiến, dự án xây dựng cầu đá vào đảo và xây dựng “Thủy Trung Tiên từ” trên đảo sẽ bắt đầu trong quý I-2012 và đến cuối năm sẽ hoàn thành. Đó cũng là sự mong mỏi của người dân không để đảo hoang, làm mầm mống nảy sinh những tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, tưởng chừng những tranh cãi về việc xây dựng đã kết thúc thì mới đây UBND TP Hà Nội đã có yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, thu thập hồ sơ để trả lời những thắc mắc về việc xây dựng đền, mà chủ yếu vẫn là… tên gọi của đền.

Cần có một công trình tâm linh

 “Tiếng bấc tiếng chì” đã nảy sinh rằng chưa xây đền, nhưng Phòng VHTT quận đã thu được trên 4 tỷ đồng xã hội hóa càng khiến cho nhiều người tò mò về dự án. Ông Đỗ Vũ chia sẻ, cho đến thời điểm này, tất cả mới dừng ở việc ghi nhận sự đóng góp, không có chuyện đã thu tiền xây đền như lời đồn thổi. Dự án còn chưa triển khai và cũng chưa nhận tiền từ bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Ông cũng cho biết, việc có những kiến nghị xung quanh dự án khiến dự án phải đình lại là điều bất khả kháng. Quan điểm của quận Ba Đình và phường Trúc Bạch là vẫn triển khai trên tinh thần biên bản hội nghị tọa đàm do UBND quận phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức năm 2008. 

Thêm 4 năm nữa trôi qua, chưa có bất kỳ một hành động nào xúc tiến quanh việc xây dựng cây cầu và ngôi đền. Xin mượn lời phát biểu của PGS.TS Phan Khanh: “Làm khoa học hay làm gì cũng nên tìm đến một cái chung. Con người sáng tạo ra văn hóa, cuộc sống cần những truyền thuyết như vua Lê trả gươm ở hồ Hoàn Kiếm, con Rồng cháu Tiên, vua Hùng Vương… đó là sự tưởng tượng, bay bổng của con người. Nếu chúng ta cứ mãi tranh luận về những truyền thuyết như vậy thì 1.000 năm nữa cũng không làm rõ được chân lý”. Nếu cứ mãi quẩn quanh trong câu chuyện về cái tên của ngôi đền trên đảo, chúng ta sẽ quên mất rằng, người dân đang mong mỏi có một cây cầu cho tiện việc đi lại thăm thú cảnh quan, góp thêm một điểm đến trong quần thể di tích quanh hồ Tây. Thế nhưng, ai mong vẫn mong, tất cả vẫn cứ phải chờ tranh cãi, mà tranh cãi thì không biết đến bao giờ.