Dự án nợ đền bù dân 10 năm, "sợi dây" kinh nghiệm rút mãi không hết

ANTD.VN - Suốt 10 năm qua, người dân quanh vùng dự án Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên- Huế) đã giao đất phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ di dân tái định cư kịp thời. Điều này khiến dân rất bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Nhiều hộ dân giao đất cho dự án Hồ Tả Trạch 10 năm nay vẫn chưa được nhận đền bù

Sáng nay, 16-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư. Trước đó, năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015, trong đó đã phân bổ 150 tỷ đồng cho dự án hồ Tả Trạch (Thừa Thiên- Huế).

Theo nội dung Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề xuất sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần đền bù, cụ thể là chi 77 tỷ đồng để đền bù bằng tiền cho các hộ gia đình nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài của người dân.

Tuy nhiên, thẩm tra về dự án này, Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc, việc Chính phủ đề xuất chi 77 tỷ đồng kể trên để thực hiện bồi thường, di dân tái định cư cho bà con vùng dự án là chưa thực sự phù hợp.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhấn mạnh, việc Bộ NN&PTNT cho phép bổ sung hạng mục đền bù (77,575 tỷ đồng) vào dự án Hồ Tả Trạch khi chưa có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép bổ sung hạng mục này vào hợp phần công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ là chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Việc không triển khai thực hiện được chủ trong “đất đổi đất”, kéo dài thời gian thực hiện đền bù cho dân khiến cho đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số quanh dự án Hồ Tả Trạch (bị thu hồi đất nông nghiệp 10 năm nay) gặp nhiều khó khăn, gây khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong nhân dân. Do vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách chấp thuận đề xuất của Chính phủ cho phép được sử dụng 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để sớm hoàn thành việc đền bù đất lâm nghiệp cho dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 2 của

Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cho ý kiến tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy cho rằng, phải giải quyết dứt điểm tình trạng nợ dân đã 10 năm nay. Đặc biệt, ngoài trả tiền còn phải tính thêm vấn đề sinh kế, dân sinh cho bà con. Đồng quan điểm này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, việc đền bù ngay cho dân là cần thiết.

Vấn đề là nguồn vốn đền bù cho dân lấy từ đâu và đền bù cho dân như thế nào để đảm bảo ổn định cho dân? Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, bằng mọi cách, phải giải quyết ngay cho người dân để dân không bị khó khăn thêm nữa nhưng mặt khác cũng phải giữ nghiêm kỷ cương tài chính, tiền đền bù lấy từ nguồn nào phải minh bạch. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai sót dẫn đến tình trạng này không chỉ là rút kinh nghiệm mà sai phải xử lý nghiêm túc hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng nêu rõ, do thực hiện dự án này sai ở nhiều cấp nên giờ phải giải quyết dứt điểm, ai sai phải kiểm điểm rõ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, 10 năm nay dự án thu hồi đất của dân mà do sự tắc trách của các cơ quan chức năng khiến dân chịu thiệt nên giờ đền bù cho dân là trách nhiệm Nhà nước phải lo.

Tại phiên họp, liên quan đến trách nhiệm của Bộ NN&PTNT với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng xin rút kinh nghiệm. “Chúng tôi nghiêm túc nhận khuyết điểm và sẽ kiểm điểm những cơ quan, đơn vị liên quan”, ông Thắng nói.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo: “Chính phủ phải có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội. Không phải cứ xong rồi lại rút kinh nghiệm, từ năm này sang năm khác "sợi dây" kinh nghiệm rút hoài không hết”. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, lấy nguồn nào để đền bù cho dân cũng là ngân sách Nhà nước song phải minh bạch, rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho Chính phủ sớm giải quyết đền bù cho dân.