Dự án khai thác vàng của Trung Quốc gặp phản kháng mạnh ở Pakistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Chính phủ Pakistan đã gia hạn hợp đồng khai thác vàng và đồng trị giá 350 triệu USD ở tỉnh Balochistan cho một công ty Trung Quốc. Động thái này khiến người Baloch phản đối mạnh mẽ vì cho rằng Bắc Kinh đang thực hiện nhữn g tham vọng sâu xa hơn thế.

Mỏ Saindak ở Balochistan có trữ lượng vàng và đồng ước tính khoảng 412 triệu tấn

Sau thời gian dừng hoạt động khoảng 10 tháng, dự án khai thác vàng và đồng Saindak - liên doanh giữa Pakistan và Trung Quốc đã được khởi động lại từ trung tuần tháng 7-2020. Mỏ nằm gần Saindak, huyện Chagai, tỉnh Balochistan, Pakistan và là điểm cuối trên con đường ra biển ngắn nhất của các nước nội địa Trung Á. 

Dự án tỷ đô, dân vẫn… hoàn nghèo

Mỏ này ban đầu được Tập đoàn luyện kim Trung Quốc thuê dài hạn và đăng ký dưới cái tên Công ty TNHH kim loại  Saindak. Dự án ra mắt vào năm 2001, đã được bàn giao cho Trung Quốc vào năm 2002 với hợp đồng thuê 10 năm. Nó đã được gia hạn vào năm 2012 và sau đó vào năm 2017. Chính quyền Pakistan hiện đã gia hạn thêm 15 năm nữa với hy vọng dự án sẽ mang lại khoản đầu tư 45 triệu USD cho nước này. Các chuyên gia cho biết, mỏ có trữ lượng vàng và đồng khoảng 412 triệu tấn.

Theo thống kê của chính quyền Pakistan năm ngoái, nước này đã kiếm được 2 tỷ USD thông qua dự án Saindak từ năm 2002 đến 2017. Tuy nhiên, Balochistan vẫn là tỉnh nghèo nhất và ít dân nhất của Pakistan mặc dù tại đây đã có một số dự án đầu tư lớn. Đây cũng là khu vực vốn bất ổn về an ninh khi các nhóm phiến quân nhiều năm nổi dậy đòi ly khai, cho rằng chính quyền Islamabad đã khai thác triệt để tài nguyên của họ. Để đáp lại, chính quyền Pakistan từng mở một chiến dịch quân sự ở tỉnh này vào năm 2005.

Khi được hỏi về dự án Saindak, Thượng nghị sĩ Akram Baloch cho rằng: “Để xoa dịu Trung Quốc, chính phủ đang ký hợp đồng với Bắc Kinh cho dù người dân không mấy tin tưởng. Người dân của tỉnh mới là chủ sở hữu thực sự của các tài nguyên khoáng sản ở đây. Và bất chấp sự đầu tư của Trung Quốc, Balochistan vẫn cực kỳ nghèo nàn khi không có cơ sở y tế, giáo dục và nhà ở phù hợp, thậm chí là thiếu cả nước uống sạch”. Một sinh viên người Baloch cho biết: “Cho đến nay, nhiều nơi ở Balochistan vẫn chưa có điện. Mỗi lần gọi điện về nhà, gia đình tôi phải leo lên núi để lấy tín hiệu mạng di động”. 

Trong khi đó, công nhân ở mỏ vàng Saindak thường xuyên đình công yêu cầu tăng lương và trợ cấp y tế. Hơn 1.600 công nhân đang làm việc ở dự án này nói rằng, phần lớn tiền lương họ nhận được là 15.000 rupee/tháng. Hôm 12-7, một công nhân đã thẳng thắn cho biết: “Những người làm việc ở Baloch được tuyển dụng với mức lương 130USD/tháng, nhưng chỉ riêng người Trung Quốc làm việc tại mỏ vàng Saindak đã tiêu hết 130USD cho tiền giấy vệ sinh”.

“Các dự án kinh tế của Trung Quốc ở Balochistan nhằm mục đích xâm chiếm tỉnh này và phải chống lại ý đồ đó. Từ trước tới nay, ở Balochistan chưa từng có dự án phát triển nào có lợi cho tỉnh hoặc người dân. Chúng tôi đã nhiều năm kiến nghị rằng, liệu chính quyền trung ương đã bao giờ hỏi xem người Baloch có nhất trí với các dự án này hay không? Rõ ràng là chúng không nhằm thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh hoặc giúp đỡ người dân thoát nghèo”

Ông Brahamdagh Bugti - Lãnh đạo Đảng Cộng hòa Baloch

Một số nhà nghiên cứu độc lập cũng xác nhận rằng, người dân địa phương không được hưởng lợi từ các dự án hợp tác Pakistan - Trung Quốc. “Quy trình và điều khoản hợp đồng với các công ty Trung Quốc không minh bạch. Chính quyền Balochistan bị đặt ra ngoài các thỏa thuận này. Có rất ít lợi ích cho người dân địa phương mặc dù nhiều hoạt động khai thác diễn ra tại Saindak” - ông Kaiser Bengal, nhà kinh tế và nghiên cứu nổi tiếng Pakistan cho biết. Thượng nghị sĩ Akram Baloch nói thêm: “Hành vi “ăn cướp” tài nguyên như vậy sẽ tiếp tục khơi dậy cảm xúc chống Trung Quốc”.

Sự can dự của Trung Quốc

Năm 2015, Trung Quốc đã công bố một dự án kinh tế ở Pakistan trị giá 46 tỷ USD, trong đó Balochistan đóng vai trò quan trọng. Với hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), Bắc Kinh đặt mục tiêu mở rộng ảnh hưởng ở Pakistan, Trung Á, Nam Á để chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Ấn Độ. Theo đó, CPEC sẽ liên kết cảng Gwadar ở Balochistan trên biển Ảrập với khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc.

Nó cũng sẽ mở rộng giao thông đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu để cải thiện kết nối giữa Trung Quốc và Trung Đông. Tuy nhiên, các nhóm nổi dậy lẫn giới chính trị gia ở Balochistan đã phản đối sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc vào tỉnh này. Cuối tháng 6-2020, 4 tay súng đã tấn công tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Pakistan, giết chết ít nhất 3 người (bao gồm 2 bảo vệ và 1 cảnh sát) trước khi bị tiêu diệt. Quân giải phóng Baloch được cho là đứng sau vụ tấn công. 

Trước đó, hồi tháng 11-2018, phe ly khai Baloch đã tấn công Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Karachi, phía Nam Pakistan. Hôm 14-7, ít nhất 3 binh sĩ Pakistan đã thiệt mạng và 8 người khác bị thương trong một cuộc phục kích nhằm vào đoàn xe quân đội gần thung lũng Gichak ở huyện Panjgur của Balochistan. Mặt trận Giải phóng Balochistan được cho là đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Ông Khalil Baloch - Chủ tịch Phong trào quốc gia Baloch (BNM) trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ANI (Ấn Độ) hôm 15-6 đã tuyên bố rằng, hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đi qua Balochistan là một phần của dự án Vành đai và Con đường toàn cầu của Trung Quốc, nhằm giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu chiến lược của họ. Ông Khalil Baloch cho rằng chính phủ Pakistan đã thế chấp hầu hết Balochistan. Các lãnh đạo người Baloch đã nhiều lần nói với thế giới rằng, Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng căn cứ hải quân trên bờ biển Baloch và trong tương lai Jwani và Gwadar sẽ là căn cứ quan trọng của Hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc đang củng cố các căn cứ quân sự của mình tại vị trí chiến lược quan trọng như Gwadar dưới cái bóng của các dự án kinh tế. Vì thế, dự án CPEC sẽ có tác động sâu rộng về chính trị và quân sự đối với khu vực này. “Balochistan đã phải trả giá rất lớn bằng cách phản đối các dự án đầu tư và chúng tôi sẽ không ngần ngại bảo vệ vùng đất của mình trong tương lai. Nhưng cuộc chiến đấu này phải có sự phối hợp của toàn bộ thế giới văn minh, bao gồm cả các quốc gia trong khu vực. Người Baloch sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào vì lợi ích quốc gia của họ mà chống lại tham vọng của Trung Quốc” - ông Khalil Baloch nói.

Các thủy thủ Trung Quốc cùng quan chức an ninh Pakistan ở cảng Gwadar, Balochistan

Đối tác đầu tư khó từ bỏ

Trong khi đó, những người ủng hộ việc Trung Quốc đầu tư bác bỏ nhận định rằng Bắc Kinh đang lợi dụng khai thác tài nguyên của Pakistan. Họ cho rằng đất nước cần nguồn đầu tư nước ngoài và đến nay Trung Quốc đã được chứng minh là một đối tác đáng tin cậy. “Các phần tử chống Pakistan đang đưa ra những cáo buộc sai lầm chống lại Trung Quốc.

Chúng tôi ký hợp đồng với họ vì 2 bên cùng có lợi. Đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế Pakistan bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và Balochistan cũng được hưởng lợi” - Ashfaq Hassan, thành viên Hội đồng kinh tế của Thủ tướng Imran Khan khẳng định. Các doanh nhân nổi tiếng của Pakistan cũng cho rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc đã tạo ra hàng nghìn việc làm ở nước này và hàng chục nghìn người đã được hưởng lợi từ các dự án công ty con.

Pakistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do đại dịch. Với khoản nợ hơn 100 tỷ USD, quốc gia Nam Á này đang trên bờ vực suy thoái kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 20 triệu người thất nghiệp vì hơn 1.000 tổ chức khu vực tư nhân và công cộng đã đóng cửa hoạt động kể từ tháng 3-2020.