Dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông "ngốn" 80 triệu USD

ANTD.VN - Ngày 17-1, Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đã khởi động với vốn vay Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội nghị Khởi động Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Theo đó, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết tài trợ trợ cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi, trị giá tương đương 77 triệu USD.

Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 80 triệu USD, bao gồm 77 triệu USD vốn ODA vay ưu đãi (IDA) và 3 triệu USD vốn đối ứng. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông  theo hướng tiếp cận dựa trên năng lực; nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc biên soạn, thực hiện SGK theo CT mới và thực hiện đổi mới đánh giá giáo dục học sinh.

Việt Nam vay tín dụng ưu đãi 77 triệu USD để đầu tư đổi mới chương trình giáo dục

phổ thông

Dự án được phân bổ gần 50% kinh phí cho việc hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông với hơn 37,5 triệu USD.

Khâu hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới” chiếm 25% kinh phí với 20,5 triệu USD. Khâu Quản lý Dự án, được cho là chi phí theo tinh thần tiết kiệm nhất chiếm gần 2,5 triệu USD.

Dự án này do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm Trưởng ban chỉ đạo đổi mới CT, SGK GDPT. Các bộ phận giúp việc gồm: Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc tế, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Giám đốc kỹ thuật.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Giám đốc kỹ thuật của dự án, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, quan điểm phát triển chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo triết lý Thực học – thực nghiệp (cụ thể là học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, Phân luồng và hướng nghiệp) và triết lý Dân chủ (cụ thể là lấy người học làm trung tâm, tích cực hoá hoạt động học tập, kết hợp giáo dục nhà trường với xã hội, chương trình mở...).