Dự án BT tại Hà Nội: "Không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát nguồn lực đất đai"

ANTD.VN - "Kiên quyết không để xảy ra tiêu cực, thất thoát nguồn lực đất đai của Nhà nước và phải lựa chọn chủ đầu tư có năng lực để thực hiện dự án" - đó là một trong những yêu cầu nhất quán của lãnh đạo TP Hà Nội khi bắt đầu triển khai các dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó có dự án BT giao thông. 

Từ khi các dự án BT giao thông tại Hà Nội được “tái khởi động”, Thành ủy Hà Nội và UBND TP đã thường xuyên chỉ đạo sát sao, kịp thời để các dự án được tiến hành công khai, minh bạch, đúng pháp luật và mang lại hiệu quả cao nhất. 

Đảm bảo thực hiện đúng pháp luật

Ngày 30-10-2017, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có kết luận về danh mục triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư- PPP trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chủ động rà soát trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ đầu tư, nguồn lực đầu tư và năng lực nhà đầu tư… theo quy định để báo cáo, trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho ý kiến.

Thường trực Thành ủy yêu cầu rõ ràng: “Cần rà soát, kiểm tra đảm bảo việc lập, thẩm định, phê duyệt, đề xuất dự án, công bố dự án và danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo nêu trên, ngày 5-1-2018, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 09/TP-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Sở KH-ĐT về tình hình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở KH-ĐT thực hiện ngay việc rà soát, tổng hợp lại toàn bộ các dự án BT trên địa bàn TP, phân theo nhóm dự án.

Trong đó, với 4 dự án đang chuẩn bị ký hợp đồng tại thời điểm đó, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 Gamuada Gardens - quận Hoàng Mai theo hình thức BT; Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vanh đai 2 kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng; Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông;

Với dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai- Vĩnh Tuy- Yên Duyên, đoạn nối từ Minh Khai đến vanh đai 2,5 theo hình thức hợp đồng BT, Chủ tịch UBND TP yêu cầu rà soát kỹ các thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, nhất là thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất đối ứng.

Các dự án này sau khi được các sở, ngành liên quan thẩm định, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, đã được UBND TP Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư tại hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển” vừa qua.

Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao đối với các dự án BT nói chung, dự án BT giao thông nói riêng

Đối với các dự án còn lại, lãnh đạo TP cũng yêu cầu phải “báo cáo rõ, cụ thể về hiện trạng, thủ tục và nhà đầu tư, đề xuất kế hoạch, tiến hành triển khai, khả năng quỹ đất thanh toán của từng dự án”- Thông báo của UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Không chỉ yêu cầu khắt khe với các dự án BT chuẩn bị tiến hành, lãnh đạo TP cũng yêu cầu rà soát lại các dự án đã hoàn thành, để khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả khi triển khai dự án. Cụ thể, đối với 8 dự án đầu tư đã hoàn thành, đang trong quá trình quyết toán, kiểm toán, bàn giao công trình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu: “Kiểm tra, rà soát báo cáo và trả lời rõ quá trình thực hiện đúng hay không đúng về 5 nội dung:

Trình tự thủ tục thực hiện dự án BT theo quy định của pháp luật; Chủ đầu tư thực hiện các nội dung ghi trong Hợp đồng; Thời gian thực hiện theo hợp đồng; Quỹ đất thanh toán cân đối với giá trị công trình BT; Thời gian quyết toán xong công trình BT”.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, các dự án BT của TP không phải tiến hành một cách ồ ạt, mà cần phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Dự án công trình trọng điểm; Dự án đối với các tuyến đường vành đai; Dự án các tuyến đường xuyên tâm; Dự án các tuyến khu vực, hạ tầng khung, công trình dân sinh bức xúc.

Rõ ràng, chỉ đạo của lãnh đạo TP rất kịp thời, sát sao, tạo tiền đề cho các dự án được tiến hành theo đúng trình tự và đáp ứng được yêu cầu bức xúc về hạ tầng của thành phố.

Không để xảy ra thất thoát nguồn lực đất đai

Theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy trong kết luận nêu trên, đối với việc bố trí quỹ đất thanh toán cho các dự án BT, cần xem xét ưu tiên cho các công trình/ dự án trọng điểm của TP được triển khai trong giai đoạn 2016-2020 đã được Thành ủy và HĐND TP thông qua.

“Việc bố trí quỹ đất đối ứng phải đảm bảo phù hợp với tổng mức đầu tư dự án BT và được định giá sát với giá thị trường, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát nguồn lực đất đai của Nhà nước”- Kết luận nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thống kê chi tiết quỹ đất đề xuất làm quỹ thanh toán cho các dự án BT trên địa bàn TP, sắp xếp theo vị trí, quy mô diện tích, loại đất, hiện trạng sử dụng đất, chỉ tiêu về sử dụng đất, giá đất.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ trục lợi từ việc khai thác quỹ đất đối ứng, làm sai lệch mục tiêu của dự án, TP quy định nguyên tắc giá trị tạm tính để cân đối thanh toán cho các dự án BT. Thành phố giao cho tổ công tác liên ngành nghiên cứu, xác định trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt (trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết thì xác định theo quy hoạch phân khu do Sở Quy hoạch kiến trúc đề xuất);

Căn cứ để xác định giá đất tạm tính theo Thông báo của UBND TP Hà Nội là: “Giá đất được tạm xác định trên cơ sở so sánh giá của 4 loại hình chuyển dịch quyền sử dụng đất tại khu vực: Giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi; Kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và giá đất theo bảng giá nhân với hệ số điều chỉnh ở mức tối đa.

Trường hợp cần thiết thì thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất để xác định theo nguyên tắc nêu trên. Đối với khu đất chưa giải phóng mặt bằng, chưa có hạ tầng kỹ thuật thì xác định trên nguyên tắc đất đã giải phóng mặt bằng và đã có hạ tầng kỹ thuật với các chỉ tiêu sử  dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Việc cân đối quy đất thanh toán dự án BT đảm bảo đúng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính; Giá trị đất còn thiếu TP bổ sung bằng diện tích đất khác hoặc bằng tiền; Giá trị diện tích đất lớn hợp phải bàn giao lại cho thành phố”.

Nhu cầu vốn xây dựng hệ thống hạ tầng khung cho Hà Nội là rất lớn nên yêu cầu tìm kiếm các nguồn vốn ngoài ngân sách là rất cần thiết

Lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, uy tín

Để đảm bảo minh bạch trong các dự án BT, lãnh đạo TP Hà Nội nêu quan điểm thẳng thắn trong lựa chọn nhà đầu tư. Mặc dù một số dự BT giao thông được chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng đây đều là những chủ đầu tư đáp ứng được tiêu chí khắt khe của TP Hà Nội.

Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội liên quan đến các dự án BT yêu cầu, việc triển khai, thực hiện lựa chọn nhà đầu tư cần đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành nhằm tránh trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án được tham gia, vừa làm kéo dài thời gian, giảm hiệu quả của dự án, vừa gây bức xúc trong nhân dân.

“Trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế của TP Hà Nội, cần xem xét kỹ để đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư có uy tín, kinh nghiệm và đáp ứng các tiêu chí về năng lực thực hiện dự án, đồng thời có các giải pháp để giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án; Trước khi thực hiện cần yêu cầu các nhà đầu tư lựa chọn theo quy định phải cam kết cụ thể tiến độ triển khai dự án một cách tích cực nhất;

Cần kiên quyết áp dụng quy định ký quỹ, đảm bảo thực hiện dự án đối với các nhà đầu tư và áp dụng chế tài thu hồi dự án đầu tư đối với trường hợp vi phạm cam kết để sớm đưa các dự án vào khai thác, vận hành, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư”- Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND TP cũng giao Sở KH-ĐT Hà Nội chủ trì, cùng các sở, ngành, quận, huyện liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án để dự án BT được đảm bảo tiến độ; Đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, công khai, đúng pháp luật đối với các dự án BT...

Nhờ vậy, đến nay, các dự án BT nói chung và dự án BT giao thông nói riêng tại Hà Nội đang được triển khai nhanh chóng, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa các yếu tố tiêu cực.