Dự án Bảo tồn nhà vườn cổ ở Hà Nội: Chủ nhân là người “ngoài cuộc”

ANTĐ - Những thắc mắc của người dân sinh sống trong khu nhà vườn số 6 Đinh Liệt cho đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Người dân vẫn sống trong mối hoài nghi về một quyết định giải tỏa bất ngờ khi nhiều điều còn chưa rõ ràng. 

Không gian xanh tại khu nhà vườn duy nhất tại phố cổ Hà Nội

Nhà vườn duy nhất ở phố cổ

Ngôi nhà vườn duy nhất ở Hà Nội một mặt ở số 6 Đinh Liệt, mặt kia quay ra hướng Hàng Bạc, số nhà 115. Chính ngôi nhà này, từng được các chuyên gia trong  và ngoài nước đánh giá rất cao và được  giới thiệu trong cuốn sách phát hành tại Nhật Bản “The 36 guild streets area Hanoi’s Ancien Quarter” (Hà Nội 36 phố phường). Chủ nhân cũng như ngôi nhà đã trở nên thân quen của giới truyền thông, thông qua hàng loạt phóng sự như: “Ngôi nhà vườn cổ trong không gian Pháp ngữ”, “Phố cổ Hà Nội và một thoáng trầm tích văn hóa”.

Trước đây, nhà thuộc sở hữu của cụ Phạm Văn Thanh (đã mất), cùng vợ là cụ Phạm Thị Tề (99 tuổi). Sau năm 1955, ngôi nhà vườn được Nhà nước đưa vào diện cải tạo. Chủ sở hữu tư nhân (cụ Phạm Thị Tề) sử dụng toàn bộ tầng 2 và 2 buồng tầng 1, Nhà nước quản lý phần còn lại tầng 1 và cho 5 hộ dân thuê lại (một trong năm hộ này đã nhượng quyền sử dụng cho bác Phạm Thị Nguyệt Nga - con gái cụ Tề thuê lại để sử dụng). Nhận định đây là một ngôi nhà có giá trị đặc biệt, cần phải được bảo vệ, vì thế, năm 2010, thành phố Hà Nội đã ra quyết định đưa khu nhà vườn cổ này vào dự án bảo tồn.

Cùng với quyết định trên, UBND quận Hoàn Kiếm đã được giao nhiệm vụ lập kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân đang sinh sống tại tầng 1 khu nhà vườn. Theo đó toàn bộ những hộ dân đang sinh sống tại tầng 1 sẽ phải di dời. Cụ Phạm Thị Tề cho biết, gia đình luôn có ý định trùng tu, tôn tạo phục hồi nguyên trạng khu nhà vườn của chồng, cha, ông để lại, cụ  cùng các con cháu đều ủng hộ dự án này. Và để giữ gìn cảnh quan ngôi nhà nguyên vẹn đến hôm nay, không ít lần cụ cùng gia đình làm đơn kiến nghị về việc một số hộ dân trong lô đất này có những hành vi phá hỏng không gian kiến trúc của ngôi nhà.

Cuối tháng 3-2012, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Ban Quản lý phố cổ Hà Nội công bố kế hoạch giải phóng mặt bằng nằm trong dự án bảo tồn khu nhà vườn cổ. Cụ Phạm Thị Tề cho biết thêm, khi dự án này được triển khai lại không hề tính đến phương án hỗ trợ những hộ dân đã sống ở đây, cũng như bàn cách để cùng bảo vệ, bảo tồn ngôi nhà. Thay vào đó, một số hộ gia đình ở tầng 1, đặc biệt là gia đình bác Phạm Ngọc Điệp và bác Phạm Thị Nguyệt Nga nhận một quyết định bất ngờ: di dời để phục vụ công tác bảo tồn, phục hồi nguyên trạng ngôi nhà. Cụ Phạm Thị Tề và những hộ dân đang sinh sống tại địa chỉ trên cho biết: “Chúng tôi đều ủng hộ kế hoạch, chủ trương của thành phố, nhưng ít ra cũng cần phải có chính sách đãi ngộ hợp lý và thỏa đáng với người dân chứ?”.

Còn nhiều điều chưa rõ ràng

Chính vì những vướng mắc trên, tháng 4-2012, cụ Phạm Thị Tề đã cùng các hộ gia đình tại đây gửi đơn khiếu nại đến UBND quận Hoàn Kiếm. Trong đơn, các hộ dân ở đây đã đưa ra hàng loạt thắc mắc về dự án và một trong những yêu cầu đó là “Công khai dự án và mục đích sử dụng sau giải tỏa”. Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, cụ Phạm Thị Tề mong mỏi: “Tôi là người xây dựng và gìn giữ ngôi nhà suốt hơn 70 năm qua, nhưng lại không thấy quyền lợi của mình  trong các văn bản về dự án trùng tu, tôn tạo ngôi nhà này”.

Đem những thắc mắc trên chúng tôi tìm gặp ông Phạm Tuấn Long- Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, đây là ngôi nhà được đưa vào danh sách bảo vệ, do từ trước ngôi nhà đã bị một số hộ lấn chiếm xây dựng trái phép gây mất cảnh quan. Dự án sẽ thực hiện việc di dời sau đó trả lại nguyên trạng ban đầu cho ngôi nhà để phục vụ cho mục đích tham quan, du lịch, giới thiệu văn hóa kiến trúc nhà vườn cổ với du khách nước ngoài. Dự án chỉ thực hiện ở tầng 1 còn tầng 2 vẫn giữ nguyên để người dân cùng phối hợp trùng tu tôn tạo. Về phía Ban Quản lý phố cổ Hà Nội chỉ có trách nhiệm thực hiện, tất cả theo sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và của UBND quận Hoàn Kiếm. 

Vẫn biết dự án là để bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của khu nhà vườn duy nhất tại phố cổ Hà Nội nhưng có lẽ các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét đến việc cùng người dân bảo tồn, để chính những người gắn bó cả cuộc đời với ngôi nhà, mà cụ thể ở đây là cụ Phạm Thị Tề được chung tay bảo tồn chính ngôi nhà..