Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (4): Các Nghệ sĩ Việt nói gì?

ANTD.VN - Xung quanh những góc nhìn về tục đốt vàng mã đã được Báo ANTĐ đăng tải ở các kỳ trước, nhiều nghệ sĩ Việt cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về việc này. 

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (4): Các Nghệ sĩ Việt nói gì? ảnh 1Đốt vàng mã đã trở thành thói quen trong đời sống của người Việt, nhưng đang bị lạm dụng quá đà

Nhà văn Y Ban: Sự biến tướng bắt nguồn từ lòng tham của con người

Tôi rất đồng tình với quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc ra Công văn đề nghị bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Trên thực tế, việc đốt vàng mã gây ra rất nhiều hệ lụy, từ lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường đến nguy cơ mất an toàn. Có điều phải thừa nhận, đó là đốt vàng mã đã trở thành tập tục lâu đời, ăn sâu vào đời sống của người Việt nên không phải một sớm một chiều mà có thể bỏ được.

Tôi từng có dịp ghé thăm nhiều chùa lớn ở Lào, Thái Lan và ghi nhận ở những nơi này không hề có việc đốt vàng mã. Ngoài cửa chùa, họ chỉ bán các vòng hoa nhỏ được tết rất đẹp cùng với nến.

Trong khi ở nước ta các chùa, nhất là các đền, phủ thì người ta đốt vàng mã với số lượng khủng khiếp.

Tôi từng chứng kiến có người sắm sính lễ, vàng mã tới cả trăm triệu đồng. Họ tin rằng lễ càng to thì càng dễ được Phật thánh cho nhiều lộc. Đấy rõ ràng là sự u mê, mê muội một cách quá đà, cứ vin vào những tư tưởng ấy thì sẽ làm con người ta bị “nghèo” đi về ý chí vươn lên ngoài đời thật.

Tôi nghĩ sự biến tướng của tục đốt vàng mã cũng do lòng tham của con người mà ra. Việc bỏ tục đốt vàng mã không phải chuyện dễ nhưng tôi tin rồi chúng ta sẽ dần dần bỏ được, bởi ở các cơ sở thờ tự của Phật giáo mà làm nghiêm thì tự khắc các Phật tử sẽ nhận thức đúng đắn và có ý thức thực hiện nghiêm việc này ở nơi mình sinh sống. 

Ca sĩ Tấn Minh: Có những người cố tình thương mại hóa tập tục để trục lợi

Xuất phát điểm ban đầu của tục này không xấu, nhưng đến bây giờ đã có sự lạm dụng và biến tướng rõ rệt. Cá nhân tôi không ủng hộ việc nó bị lạm dụng trở nên quá đà như hiện nay, từ chỗ chỉ là mong muốn bày tỏ sự kính trọng đối với bậc cha ông đi trước đến chỗ trở thành tệ mê tín dị đoan.

Cái gì cũng có lý do của nó và tôi nghĩ sự quá đà này cũng vậy, chúng ta có quyền nghi ngờ có những bàn tay đứng sau “tiêm nhiễm” vào đầu mọi người những suy nghĩ mơ hồ về thần thánh kiểu như: “Đốt vàng mã càng nhiều càng tốt”.

Nói cách khác, chắc chắn có những người cố tình thương mại hóa tập tục đốt vàng mã để trục lợi. Trong khi mỗi người có bản lĩnh, chính kiến và nhận thức riêng nên cũng rất khó để có thể thuyết phục họ hiểu đúng đắn về tập tục này. 

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (4): Các Nghệ sĩ Việt nói gì? ảnh 3

Thiết nghĩ, nếu đứng ở góc độ giáo lý nơi cửa Phật thì chẳng Phật thánh nào nhận vàng mã để đi cho “lộc” hay tiền bạc thật cả. Tiền của muốn có được thì đều phải do lao động và cống hiến thực sự ở đời thật.

Hơn nữa, những nơi thờ tự như chùa, đền… là nơi để con người tìm về với chốn thanh tịnh, mong lấy lại sự thanh thản và cân bằng trong cuộc sống. Mong rằng thế hệ trẻ bây giờ và sau này được phân tích, định hướng đến nơi đến chốn để nhận thức đúng đắn về tập tục này.

Ca sĩ Minh Chuyên: Đốt vàng mã đang bị lạm dụng quá đà

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (4): Các Nghệ sĩ Việt nói gì? ảnh 4

Dù đi chùa hay ở nhà, tôi cũng rất ít khi đốt vàng mã. Tôi nghĩ Phật ở trong tâm mỗi người. Vả lại, việc đốt vàng mã nhiều không chỉ lãng phí mà còn gây hại cho môi trường sống. Tôi nghĩ, một khi đã mê tín thì dù đốt vàng mã hay không, người ta vẫn cứ mê tín.

Đốt vàng mã đã trở thành thói quen trong đời sống của người Việt, chỉ có điều nó đang bị lạm dụng quá đà. Tôi từng chứng kiến có những cuộc dâng sao giải hạn, lễ cắt duyên âm nọ kia, thầy cúng bảo phải chở cả một xe tải tiền vàng mã đến để làm lễ.

Gần đây, còn có một câu chuyện vui trên mạng rằng, có bạn hỏi “hóa” iPhone X cho tổ tiên thì có cần “hóa” thêm dây sạc không vì sợ điện thoại hết pin, rồi còn cả hộp phát wifi, loa bluetooth đi kèm nữa. Thế chẳng phải quá mê tín hay sao, có phải cứ hóa tiền vàng đồ mã là xuống “cõi âm” sẽ thành tiền thật được đâu.

Để thay đổi được tập tục này cần có thời gian, nhưng quan trọng là phải thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, để mọi người hiểu mặt trái của việc đốt vàng mã và áp dụng nó một cách khoa học vào đời sống. 

Diễn viên Trung Anh: Việc đốt vàng mã ngày càng bị biến tướng

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (4): Các Nghệ sĩ Việt nói gì? ảnh 5

Tôi hiểu việc này giống như tập tục của người Việt, đốt vàng mã với mong muốn người thân của mình sau khi mất đi, sang thế giới bên kia vẫn được no ấm đủ đầy. Có điều, hình như xã hội càng phát triển, tập tục này lại càng bị biến tướng và méo mó đi so với ý nghĩa ban đầu. Người ta đốt quá nhiều vàng mã, thậm chí sắm cả xe cộ, nhà cửa, vật dụng sinh hoạt bằng mã chỉ để đốt thì quả là quá lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Khi đọc thông tin người dân đốt gần 50.000 tấn vàng mã mỗi năm, rồi riêng ở Hà Nội thì số tiền dùng vào việc mua vàng mã để đốt lên tới trên 400 tỷ đồng/năm, tôi thực sự rất ngỡ ngàng. Quả thực cái gì quá cũng đều không tốt, việc đốt vàng mã quá nhiều rõ ràng là rất lãng phí và gây ô nhiễm. Chưa kể đến việc, người ta đốt vàng mã nhiều không phải để “gửi” cho người đã khuất mà còn để “xin” lộc cho người đang sống, làm vậy chẳng khác gì “hối lộ” thần linh. 

Tập tục này có được nhìn nhận một cách đúng đắn hay không là thuộc về nhận thức của mỗi người và cả nền tảng văn hóa nữa. Để thay đổi được tục này, không để nó bị biến tướng thì có lẽ một trong những biện pháp cần thiết là cần phải có sự giáo dục và định hướng cho mỗi người từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng: Cần thay đổi ý thức của người Việt về tập tục này

Bản thân tôi nghĩ đốt vàng mã là một tập tục có thể gọi là hủ tục. Bởi vì làm thế là chúng ta đang đốt tiền thật, đang tàn phá môi trường.

Điều này rất rõ ràng, vì phần lớn nguyên liệu giấy để làm nên vàng mã đều lấy từ rừng, nếu không chặt cây, không có gỗ thì lấy đâu ra giấy mà làm đồ mã. Bên cạnh đó, việc đốt mã như vậy sẽ tạo ra thêm khí thải, chưa kể tiềm tàng các hiểm họa rủi ro về hỏa hoạn.

Có thể các bạn nói với tôi rằng: “Ôi, đốt tý có đáng bao nhiêu đâu”, nhưng kể cả mỗi tháng chỉ đốt một lần, mỗi năm đốt vài ba lần đi chăng nữa, thì thử nhân với biết bao triệu gia đình đủ thấy con số lãng phí cực kỳ khủng khiếp. 

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (4): Các Nghệ sĩ Việt nói gì? ảnh 6

Chừng nào chúng ta còn u mê về một cõi âm thì sẽ còn đốt vàng mã. Tôi nghĩ chẳng có văn bản nào quy định được lòng người cả. Tự mỗi chúng ta phải ý thức được việc mình làm thì tự khắc sẽ tự giác.

Chứ còn một khi mọi người vẫn nghĩ báo hiếu tiền nhân bằng việc đốt vàng mã, nghĩ rằng đó không phải sự lãng phí, không làm hại môi trường thì người ta còn làm. Tuy nhiên, muốn hạn chế hoạt động của các cơ sở sản xuất vàng mã thì cần phải tạo cho họ một nghề khác phù hợp và vững chãi.

Còn nếu không quản được rồi cấm thì rất dễ dẫn đến việc họ vẫn làm nhưng lén lút, ai biết đấy là đâu, thậm chí làm nảy sinh nhiều phản ứng tiêu cực từ chính những người này. Cách tốt nhất là làm sao để thay đổi ý thức của người Việt về tập tục này.