Đốt vàng mã - đốt tiền

ANTĐ - Gần đến ngày lễ xá tội vong nhân, không khí mua sắm đồ lễ, diễn ra khá sôi động. Nhiều người quan niệm “trần sao âm vậy” nên không tiếc tiền mua cho đúng với sở thích của người đã khuất.

Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch phố Hàng Mã đã tràn ngập

các loại mặt hàng phục vụ ngày lễ xá tội vong nhân

Giá cao vẫn phải mua

Dạo quanh các tuyến phố Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Hôm... cảnh kẻ bán, người mua diễn ra tấp nập. Thị trường vàng mã năm nay khá đa dạng và phong phú về chủng loại, từ nhà cao tầng, ô tô các loại, xe tay ga, quần áo đến tủ lạnh, ti vi, máy bay… được làm từ trong nước, thậm chí nhiều mặt hàng còn được nhập từ Trung Quốc. Phố Hàng Mã, nơi được coi là “vương quốc” mua sắm hàng âm phủ sôi động vào bậc nhất tại Hà Nội nhộn nhịp người bán, kẻ mua từ đầu tháng 7 âm lịch.

Đây cũng là dịp để các chủ cửa hàng cho “ra mắt” những “bộ sưu tập” hàng hiệu của cõi âm. Chị Phương Thủy, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết: “Gần một tháng nay cửa hàng chúng tôi bán chạy nhất là các loại hàng như quần áo, ti vi, xe tay ga. Giá các loại vàng mã cũng tùy loại khách hàng chọn lựa nhưng hàng trong nước thì rẻ hơn hàng Trung Quốc”.

Giá trọn bộ vàng mã bình thường gồm: tiền, vàng, sớ, quần áo, giầy, dép, mũ, nón… giá từ 50.000 - 100.000 đồng, trọn bộ mã đắt tiền là từ  200.000 - 250.000 đồng. Ngoài ra, cùng với mẫu thời trang quần áo còn có dép sandal cao cấp, các phụ kiện đi kèm có giá bán từ  40.000 - 150.000 đồng, như: điện thoại, kính mắt, đồng hồ, dây chuyền, khuyên tai, nhẫn, ví, túi xách, khăn thời trang các loại, mỹ phẩm… Những trang phục “cõi âm” đẹp mắt của cả trẻ em, thanh niên và trung tuổi được bày bán mang nhãn mác hàng hiệu nổi tiếng như: áo phông body, quần bò ống côn, đầm ống, váy xẻ dây, váy quây, khăn quàng… có giá hàng trăm nghìn đồng/bộ.

Bên cạnh đó, một số dòng “siêu xe” để phục vụ người âm như: Rolls-Royce, Maybach, Lexus... với giá khoảng 270.000-300.000đồng/chiếc. Để cho đồng bộ, một số khách hàng còn đặt mua cả nhà lầu, biệt thự, những mặt hàng này thường có giá khá đắt, thấp nhất cũng 4.000.000 - 5.000.000 đồng/cái, những loại to hơn có khi giá lên tới cả trên chục triệu đồng nên thường các hộ kinh doanh trên phố Hàng Mã không mấy khi nhập về, chỉ lấy theo đơn đặt hàng. Cùng với những loại hàng mã, các thành phần đồ lễ cúng chúng sinh với giá cả bình dân như: khoai, lạc, bỏng ngô, bỏng gạo… cũng mua bán rất nhộn nhịp.

Chị Nguyễn Tú Anh, ở phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm hào hứng: “Từ một tuần nay, tôi đã lên danh sách những thứ đồ cần mua cúng Rằm. Vì chồng là con trưởng, lại là trưởng họ, nên việc cúng bái phải chu toàn. Ngoài mua đồ cúng lễ gia tiên, tôi còn mua đồ lễ cúng các cụ ở quê nên tính ra cũng phải đến gần chục gói đồ lễ, ngót nghét chục triệu đồng, chưa kể tiền mua thực phẩm chay…”. Bên cạnh các sản phẩm vàng mã bình dân, thì vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều loại vàng mã, với giá vài triệu đồng.

Lãng phí, tăng nguy cơ cháy nổ

Tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và chùa đền mà còn lan sang các cơ quan, doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy trung bình một năm có khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng và riêng Hà Nội đã tiêu tốn trên 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Đặc biệt là trong dịp lễ xá tội vong nhân, việc đốt vàng mã đã bị biến thể một cách thái quá. Nếu như trước đây, mỗi gia đình chỉ mua một ít tiền, vàng hoặc một vài bộ quần áo tượng trưng để đốt cho ông bà, tổ tiên, nhưng đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi gia đình phải bỏ ra số tiền từ 30.000-50.000 đồng/lễ. Với gia đình làm ăn khấm khá thì sắm lễ từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng.

Hiện nguồn sản xuất, cung cấp vàng mã lớn nhất cho các tỉnh, thành lân cận là làng Cót (Từ Liêm, Hà Nội) và làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Mỗi ngày ở đây tiêu thụ gần 3 tấn giấy. Tuy vàng mã là một trong những loại hàng hóa phải chịu thuế thu nhập đặc biệt, song sức tiêu thụ không hề giảm. Đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng đốt vàng mã tràn lan và hoang phí như hiện nay là một biến tướng của lối sống thực dụng thời kinh tế thị trường. Quan niệm "trần sao âm vậy" khiến nhiều người đốt mã như "hối lộ cõi âm" chứ không còn là chăm lo đến  việc thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng. Cùng với việc tiêu tốn số tiền khổng lồ thì những vụ hỏa hoạn có nguyên nhân từ việc đốt vàng mã, đồ mã cũng gây thiệt hại không nhỏ. Do vậy, mỗi người dân cần hạn chế trong việc đốt vàng mã và không nên biến ngày lễ xá tội vong nhân trở thành ngày mê tín dị đoan.

 Năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”, trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi “Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”.

Tin cùng chuyên mục