Đột quỵ khi chạy bộ: Có thể xảy ra ở cả người trẻ khỏe mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hoa hậu Thu Thủy đột quỵ lúc 4h30 ngày 5/6 khi đang chạy bộ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và tiếc nuối. Trước đó, nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời do đột quỵ sau khi chạy bộ thể dục ở khu chung cư khiến khán giả vô cùng thương xót. Trong nhiều năm qua, các tai biến xảy ra trong lúc vận động đã được cảnh báo ngày càng nhiều, đáng tiếc nhất là những trường hợp đột tử mà trước đó người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện đáng ngờ. Vậy, đột quỵ trong khi tập thể dục: Ai là người có nguy cơ cao?

Tập thể dục gắng sức có thể dẫn đến đột quỵ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ hai sau bệnh tim, ở Mỹ đứng hàng thứ ba sau bệnh tim và ung thư. Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác, tâm thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy trong một lần chạy bộ - Ảnh: Facebook Nguyễn Thu Thủy

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy trong một lần chạy bộ - Ảnh: Facebook Nguyễn Thu Thủy

Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng tăng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: “Người lớn tuổi không nên tập thể dục vào buổi sáng quá sớm, khi mặt trời chưa lên. Vì sáng sớm, cơ thể hoạt động cường độ cao cộng với nhiệt độ lạnh sẽ làm cho mạch máu co lại một cách đột ngột dễ gây xuất huyết não”.

Bên cạnh đó, theo Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, tập thể dục gắng sức cũng có thể dẫn đến đột quỵ với cả người trẻ tuổi nếu mắc một số chứng bệnh liên quan đến tim (như cơ tim giãn nở, bệnh lý mạch vành). Những bệnh lý này bình thường không có triệu chứng, chỉ đến khi vận động gắng sức, đột ngột thì mới phát hiện được.

Theo bác sĩ Thành, độ tuổi 40-60 tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tim mạch. Tuy nhiên, khi khám sức khỏe định kỳ, rất khó phát hiện vì bình thường bệnh nhân chưa gắng sức nên không có biểu hiện ra bên ngoài.

“Để tránh đột quỵ khi chơi thể thao, trước khi tập thể dục, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên, người lớn tuổi hoặc những người có yếu tố nguy cơ cao như bản thân, gia đình có bệnh tim, đái tháo đường, thận mạn tính, tăng lipid máu… cần tầm soát chuyên sâu. Như vậy sẽ giúp cho bệnh nhân phát hiện bệnh chưa biết, các nguy cơ, được bác sĩ tư vấn lựa chọn môn thể dục phù hợp với sức khỏe, tránh những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Tập thể dục gắng sức có thể dẫn đến đột quỵ. Ảnh minh họa

Tập thể dục gắng sức có thể dẫn đến đột quỵ. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ:

- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở tay chân hoặc mặt (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người)

- Xây xẩm, chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội.