Đột phá trong chiến lược chống dịch: Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để đáp ứng nhu cầu y tế của người dân, Thủ tướng yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi. Phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên.
Nhân viên y tế kiểm tra trang thiết bị, bình ô xy phục vụ việc chữa bệnh cho người mắc Covid-19 tại Trạm Y tế lưu động số 1 tại phường 11, quận 3, TP.HCM

Nhân viên y tế kiểm tra trang thiết bị, bình ô xy phục vụ việc chữa bệnh cho người mắc Covid-19 tại Trạm Y tế lưu động số 1 tại phường 11, quận 3, TP.HCM

Bộ Y tế đã lập tổ công tác ô xy

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm 2716/KH-UBND và Kế hoạch 5811/SYT-NVY về hoạt động của 389 trạm y tế lưu động, quản lý 50 đến 100 trường hợp F0/trạm.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Chính quyền các tỉnh, thành phố phải điều hành hoạt động của các trạm y tế lưu động này và có ưu tiên để các trạm kết nối được với lực lượng cấp cứu cơ động có chức năng chuyển tuyến, bố trí xe cấp cứu chuyển bệnh nhân cần cấp cứu lên tuyến trên kịp thời.

Về nhân lực, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến trưa 21-8 đã có 14.543 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y thuộc Bộ Y tế, các đơn vị thuộc Bộ và tại 35 tỉnh, thành phố đến các tỉnh, thành phố phía Nam đồng hành, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã đẩy mạnh đào tạo về hồi sức cấp cứu, bổ túc khẩn cấp về hồi sức cấp cứu cho cả bác sĩ trong các chuyên ngành khác để có thể phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Về trang thiết bị, vật tư y tế, đợt dịch thứ 4 đến nay, kho dã chiến tại TP.HCM đã quản lý, cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4080 máy HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm. 10 trung tâm hồi sức tích cực được lập tại khu vực phía Nam có khả năng tăng năng lực thu dung lên khoảng 10.000 bệnh nhân nặng.

Ngày 21-8, Bộ Y tế đã có cuộc làm việc trực tuyến với 26 đơn vị sản xuất ô xy y tế. Hiện tổng công suất, cung ứng ô xy trên cả nước mỗi ngày đạt khoảng gần 1.200 tấn ô xy lỏng/ngày. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ô xy trên cả nước cam kết có thể nâng thêm 50-100% công suất khi cần.

Cũng trong ngày 21-8, Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19, tiếp theo 40.000 lọ thuốc được xuất cấp trước đó. Phần lớn số thuốc này được dành cho các tỉnh, thành phố phía Nam.

Mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động

Theo hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 của Bộ Y tế, tùy theo điều kiện của địa bàn, UBND cấp xã chọn một cơ sở phù hợp cho trạm y tế lưu động làm việc, có thể là nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn...

Địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho trạm hoạt động. Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, tiếp đón, khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, thu gom rác thải y tế và chỗ ngủ cho nhân viên y tế.

Tùy theo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động.

Về nhân lực, Trung tâm y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho Trạm y tế lưu động hoạt động. Mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất một bác sĩ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu một nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.

Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác.

Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố… để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của trạm y tế lưu động.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ các trang thiết bị cần có của trạm y tế lưu động, như có ít nhất 2 bình loại 5 lít, túi ô xy và 2 đồng hồ đo áp suất ô xy; 2 mặt nạ thở ô xy, các đồ bảo hộ, sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2, bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR.

Tin cùng chuyên mục