Đột phá toàn diện, đa chiều chống đói nghèo

ANTD.VN - “Chiến lược giảm nghèo nhằm thực hiện phát triển bền vững cho tất cả mọi người” là chủ đề quan trọng nhất được bàn thảo tại Khóa họp lần thứ 55 của Ủy ban Phát triển xã hội (CsocD) thuộc Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), đang diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Khu nhà ổ chuột của người nghèo ở Kenya

Thế giới đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, ấy vậy mà nghèo đói vẫn tiếp tục là thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. Những con số thống kê mà Liên hợp quốc công bố khiến chúng ta phải suy nghĩ: Hiện có khoảng 767 triệu người, chiếm 10,7% dân số thế giới sống với mức thu nhập dưới ngưỡng nghèo 1,9 USD/ngày, trong đó hơn 300 triệu người sống ở các nước phát triển.

Mỗi ngày bình quân có tới 21.000 người trên thế giới chết vì đói. Nghèo đói cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 6 triệu trẻ em mỗi năm trước ngày sinh nhật thứ năm của chúng.

Nghèo đói đã trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu, không chỉ với các nước nghèo, chậm phát triển, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột, thiên tai, khủng hoảng kinh tế mà còn ở nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển. Thực tế ngay ở Mỹ, tỷ lệ người nghèo cũng chiếm tới 14,5% dân số. Còn theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cuối năm ngoái, khoảng 25 triệu trẻ em tại Liên minh châu Âu (EU) thuộc diện có nguy cơ nghèo đói hoặc không được hưởng phúc lợi xã hội.

Chính vì vậy chủ đề “Chiến lược giảm nghèo nhằm thực hiện phát triển bền vững cho tất cả mọi người” đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt tại Khóa họp CsocD lần thứ 55. Rất nhiều lãnh đạo cấp cao của các quốc gia tham dự khóa họp như Phó Tổng thống Costa Rica; Bộ trưởng các nước Áo, Brazil, Mông Cổ, Nigeria; Thứ trưởng các nước Nga, Paraguay, Bồ Đào Nha, Turmenistan... cùng đại diện các tổ chức, cơ quan chuyên môn, chương trình phát triển thuộc hệ thống Liên hợp quốc và đông đảo các tổ chức phi Chính phủ có uy tín.  

Đây là bước đi thực tế nhằm cụ thể hóa mục tiêu của bản kế hoạch hành động để xóa bỏ tình trạng đói nghèo trên thế giới từ nay tới năm 2030 mà các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua năm 2015. Bản kế hoạch nêu rõ: “Cần phải cho phép mọi người sống trong tình trạng sức khỏe tốt; đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng nền giáo dục có chất lượng; tiến tới bình đẳng giới đồng thời loại bỏ mọi hình thức phân biệt và bạo lực đối với phụ nữ”.

Theo định hướng trên, Khóa họp lần thứ 55 của CsocD đang diễn ra tại New York đã thống nhất về cách tiếp cận mang tính toàn diện, đa chiều trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược giảm nghèo, nhấn mạnh việc huy động tối đa nguồn lực của toàn xã hội cũng như điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia.

Bên cạnh đó, các nước tham dự khóa họp cũng giới thiệu những kinh nghiệm thực tiễn, những chính sách giảm nghèo đang được triển khai hiệu quả và cách tiếp cận hướng đến những nhóm đối tượng đặc thù như phụ nữ, giới trẻ, người khuyết tật, người nghèo sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Từng là nước nghèo, nhờ đổi mới, Việt Nam đã đạt Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn, chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp và khu vực nông thôn, xây dựng và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và tăng khả năng tiếp cận với giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, việc làm và các dịch vụ an sinh xã hội, trong đó dành ưu tiên cho các đối tượng người nghèo là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người lao động di cư.

Việt Nam được thế giới đánh giá là một quốc gia thành công về xóa đói giảm nghèo, một mô hình để các nước học tập. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo toàn diện và bền vững.