Đột phá mở bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Việc vaccine phòng bệnh Covid-19 chính thức được tiêm phổ cập cho người dân trên thế giới là bước đột phá mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến nhằm khống chế, đầy lùi đại dịch nguy hiểm này và quan trọng hơn hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người cũng như mang lại cuộc sống bình thường mới trên toàn cầu.

Vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen của Việt nam nghiên cứu phát triển đã bắt đầu tiêm thử nghiệm trên người

Vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen của Việt nam nghiên cứu phát triển đã bắt đầu tiêm thử nghiệm trên người

Vũ khí hữu hiệu nhất chống Covid-19

Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện nữ y tá Sandra Lindsay, nữ y tá khoa chăm sóc tích cực tại Trung tâm Y tế Jewish Long Island (bang New York, Mỹ), tiêm vaccine phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) do hai hãng dược phẩm Pfizer Inc (Mỹ) và BioNTech SE (Đức) đồng phát triển lại được phát trực tiếp trên truyền hình vào tối 14-12 theo giờ Washington (sáng 15-12 theo giờ Việt Nam).

Nữ y tá này là người đầu tiên được tiêm chủng phổ cập vaccine phòng ngừa Covid-19 sau khi vaccine Pfizer/BioNTech được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt khẩn cấp. Đây cũng là quyết định cho phép vaccine này được tiêm chủng đại trà tại Mỹ, quốc gia hiện là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.

Trước nữ y tá Sandra Lindsay, cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi, người Anh) mới là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine phòng Covid-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech bào chế. Và trước nước Mỹ, cũng đã có các quốc gia gồm Anh, Canada, Mexico và Bahrain đã phê duyệt khẩn cấp để vaccine phòng ngừa Covid-19 Pfizer/BioNTech được chính thức tiêm chủng rộng rãi tại các quốc gia này.

Tuy nhiên, quyết định phê duyệt vaccine Covid-19 Pfizer/BioNTech của FDA vào tối 11-12 vừa qua vẫn được chú ý hơn cả. Quyết định này được xem sẽ tạo bước đột phá giúp chuyển ngoặt cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới.

Sau gần một năm kể từ khi chính thức được công bố ca dịch đầu tiên tại “tâm dịch” thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, Covid-19 đã trở thành một trong những đại dịch bệnh truyền nhiễm gây tổn thất nặng nề nhất cả về sinh mạng và kinh tế cho thế giới. Tính tới hết ngày 15-12 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 73 triệu người mắc bệnh, trong đó hơn 1,63 triệu người tử vong. Trong đó, nước Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với khoảng 17 triệu ca mắc bệnh và hơn 300.000 người tử vong.

Điều đáng lo ngại là đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang lây nhiễm với tốc độ “khủng khiếp” trên thế giới với tốc độ trung bình thêm tới hơn 500 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Tốc độ lây nhiễm quá nhanh này khiến giới chuyên gia dự báo mùa đông năm nay sẽ trở thành “một mùa đông chết chóc” nếu không có biện pháp hiệu quả ngăn chặn làn sóng lây nhiễm hiện nay của đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, vaccine phòng ngừa Covid-19 là thứ vũ khí hiệu quả nhất để ngăn chặn đà lây lan, không để xảy ra thảm kịch “mùa đông chết chóc” trên thế giới. Với hiệu quả bảo vệ lên tới 95% trong thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng, hàng triệu liều vaccine do hai hãng dược Pfizer/ BioNTech phối hợp phát triển đã lập tức được chuyển tới hàng nghìn địa điểm ở khắp nước Mỹ cũng như nhiều nơi khác để tiến hành tiêm chủng đại trà, trước hết ưu tiên cho các đối tượng nguy cơ cao như các bác sĩ, y tá ở tuyến đầu cùng những người có nguy cơ tiếp xúc với người mang bệnh Covid-19.

Cùng với vaccine Pfizer/BioNTech, một số loại vaccine khác cũng đã được cấp phép để chính thức đưa vào chương trình tiêm phòng Covid-19 tại nhiều quốc gia trong đó có Sputnik V, vaccine mà Nga tuyên bố có hiệu quả tới 96%. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện có khoảng 51 vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Ngoài ra, còn có khoảng 163 vaccine đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

Việt Nam chủ động để có sớm vaccine Covid-19

Là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nhưng Việt Nam cũng rất quan tâm và mong muốn sớm tiếp cận nguồn cung cấp vaccine phòng ngừa căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Bộ trưởng Y tế, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế thời gian qua đã tiếp cận các nhà sản xuất thế giới của Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga. Một quan chức Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán với các nhà sản xuất vaccine Covid-19 trên thế giới với “tính khả thi cao”.

Theo vị quan chức Bộ Y tế, nếu có sự đồng thuận giữa hai bên và được sự chấp thuận, chỉ đạo chung của Chính phủ thì dự kiến đầu 2021, Việt Nam tiếp cận sớm được vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi trả lời báo chí cũng cho biết, Việt Nam đã đặt mua vaccine Covid-19của một số đối tác, trong đó có đối tác từ Nga và từ Anh.

Bên cạnh việc quan tâm tiếp cận để sớm có vaccine Covid-19 của các nhà sản xuất thế giới, Việt Nam cũng đã rất khẩn trương tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine “Made in Vietnam” và tiến trình này dã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Mới đây nhất, ngày 10-12, vaccine do Việt Nam tự bào chế đã chính thức được thử nghiệm trên người. Vaccine do Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển này được đánh giá an toàn trên động vật và bảo đảm những điều kiện ngặt nghèo cho việc thử nghiệm đầu tiên trên người. Việc thử nghiệm trước mắt tiến hành theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 10-12 với việc tiêm thử nghiệm cho 20 người, tiếp đó là giai đoạn 2 tiêm cho 400 người trong vòng 4 tháng tới.

Hiện ngoài Công ty Nanogen, Việt Nam còn có 3 đơn vị sản xuất nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac). Sau khi thử nghiệm vaccine Covid-19 của Công ty Nanogen, dự kiến tháng 2-2021, tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine của IVAC và đến tháng 3-2021 là vaccine của Vabiotech. Vaccine của các đơn vị này cũng được đánh giá đạt tính an toàn, tính miễn dịch trên động vật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới bắt đầu công việc chuẩn bị cho giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine Covid-19. Người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho biết, cùng với việc chủ động thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, cũng đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi, đàm phán với các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tiếp cận được nguồn vaccine nhằm đảm bảo “chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vaccine càng sớm càng tốt”.