Đốt lửa sưởi ấm - chớ nên mạo hiểm

ANTĐ - Những ngày qua, nhiều người dân đã đốt lửa sưởi ấm để chống chọi với giá rét. Điều này không chỉ diễn ra trong các hộ gia đình mà còn xuất hiện tại những nơi cộng. Nguy hiểm hơn, người ta còn dùng lửa để làm nóng bình chứa dầu của xe ô tô, làm tăng nguy cơ xảy cháy…

Đốt lửa sưởi ấm - chớ nên mạo hiểm ảnh 1

Đốt lửa sưởi ấm cho người… và cho xe!  

Thiệt người, hại của

Hôm 25-1,  tại xã Quang Hiến (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) đã xảy ra một vụ hỏa hoạn hy hữu. Do trời giá rét, anh L.V.T  đã mang củi vào gầm ngôi nhà sàn để đốt lửa sưởi ấm cho đàn lợn. Song sự bất cẩn của anh T đã khiến ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà sàn của gia đình, gây thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Rất may không có thiệt hại về người.

Cách đây không lâu, một cửa hàng cốp pha trên phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng bỗng chốc bị thiêu rụi. Nguyên nhân là do một số người làm việc trong cửa hàng đốt lửa sưởi ấm nhưng khi ra về quên không dập lửa nên ngọn lửa đã bùng lên gây cháy toàn bộ cửa hàng. Trước đó, tại khu vực bãi giữa sông Hồng, bà N.T.P (80 tuổi) và cháu nội 11 tuổi đã tử vong  thương tâm khi đốt lửa sưởi ấm trên thuyền, khiến chiếc thuyền nan  bùng cháy dữ dội nên không kịp thoát thân.

Không chỉ đốt lửa sưởi ấm trong nhà, một số người dân còn đốt lửa ngay tại nơi công cộng như trên các tuyến đường, những khu đất trống, trong các công trình xây dựng hay dưới các gốc cây, thậm chí ngay cạnh những vật dễ cháy như  khu chứa gỗ hay những chiếc ô tô, xe máy. Phần lớn những đống lửa này đều bị bỏ mặc cho tự cháy, tự tắt nên hỏa hoạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Về hiện tượng đốt lửa sưởi ấm tại gia đình và nơi công cộng, theo một cán bộ Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, sẽ làm tăng nguy cơ xảy cháy, gây thiệt hại về người và của. Thực tế đã có không ít trường hợp tử vong khi đốt lửa sưởi ấm trong phòng kín. Còn những đống lửa được đốt lên tại nơi công cộng, khi có gió to, tàn lửa phát tán ra khu vực xung quanh không chỉ gây cháy nổ mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người đi đường, làm ô nhiễm môi trường. Để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, mỗi người cần nâng cao ý thức về PCCC. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở nhân dân dừng ngay việc làm này. 

Chớ dại đốt lửa sưởi ấm bình nhiên liệu xe ô tô

Cũng liên quan đến việc đốt lửa sưởi ấm, mấy ngày nay cộng đồng mạng xôn xao khi chứng kiến những hình ảnh “khó tin nhưng có thật” chụp tại Quốc lộ 6 (tỉnh Sơn La) được tung lên mạng. Do nhiệt độ ngoài trời dưới 5 độ C nên nhiều ô tô khách, xe chở hàng khi đến khu vực này đã đột ngột chết máy. Nguyên nhân là do nhiệt độ thấp, dầu xe bị đông lại nên xe không hoạt động được. Vì vậy, chủ xe đã sử dụng bìa carton đốt lửa bên dưới gầm xe để sưởi ấm bình dầu. Trước cảnh này, không ít người cảm thấy lo lắng, bất an.

Anh Nguyễn Hồng Quang ở phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội - người có thâm niên lái xe khách gần 10 năm cho biết, đốt lửa làm nóng dầu cho xe chạy là việc cực chẳng đã, bởi ở những địa bàn rừng núi heo hút, việc gọi cứu hộ không đơn giản. Tuy vậy, hành động này cực kỳ nguy hiểm, chẳng khác nào việc dùng bật lửa soi bình xăng, bởi chỉ cần một bộ phận nào đó của xe bị rò rỉ nguyên liệu thì cả chiếc xe sẽ biến thành quả bom lửa ngay tức khắc. Chưa kể, nếu đốt nóng quá nhiệt độ cho phép, lượng khí trong bình giãn nở tạo áp suất lớn, có thể làm nổ bình, gây hậu họa khôn lường.

Về việc này, Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt - trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, khi dầu máy bị đông cứng sẽ không thể bơm vào buồng đốt nên phương tiện ngừng hoạt động. Việc đốt lửa sưởi ấm bình nhiên liệu nhằm khắc phục sự cố này. Tuy vậy, đây là việc làm mạo hiểm bởi có thể gây cháy xe hoặc làm hư hại các bộ phận khác gần khu vực bình nhiên liệu.    

Khắc phục tình trạng động cơ không nổ do trời lạnh

Lái xe có thể đề lâu hơn bình thường, đồng thời tắt những thiết bị không cần thiết như điều hòa, hệ thống chiếu sáng, radio… để tập trung nguồn điện cho việc khởi động động cơ. Ngoài ra, lái xe nên để xe nổ liên tục khi không di chuyển, nếu buộc phải làm nóng bình đựng dầu không nên đốt lửa mà cần dội nước sôi lên cốc lọc dầu, đường dẫn dầu.

Khi dội nước phải mở nắp bình để giải phóng bớt khí bay hơi, tránh tạo áp suất cao gây nổ bình.  Bên cạnh đó, chủ xe nên tháo lọc dầu ra vệ sinh và sử dụng loại dầu bôi trơn chuyên dùng cho mùa đông…