Dòng tiền có xu hướng rút khỏi thị trường chứng khoán nhưng vẫn ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số dư tiền gửi của nhà đầu tư cá nhân tại các công ty chứng khoán vẫn ở mức cao với 70.000 tỷ đồng, song có xu hướng giảm dần thời gian gần đây.

Theo số liệu từ nền tảng phân tích dữ liệu FiinTrade, số dư tiền gửi của nhà đầu tư hiện vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước Covid-19, hay thậm chí so với thời điểm cuối quý 1/2021 khi VN-Index cũng ở vùng 1.200 điểm như hiện nay.

Cụ thể, từ báo cáo tài chính quý 2/2022 của hơn 30 công ty chứng khoán cho thấy số dư tiền gửi của nhà đầu tư cá nhân vẫn ở mức cao với 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây vẫn là quý có số dư tiền gửi giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, giảm 14,4 nghìn tỷ đồng (tương đương -17%) so với cuối quý 1, chủ yếu do nhà đầu tư rút tiền ra.

Quý 2/2022, nhà đầu tư bán ròng khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng trên HoSE, là mức bán ròng mạnh nhất cho 1 quý kể từ khi Covid-19 khởi phát (đầu năm 2020). Điều này cho thấy dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường chứng khoán tương đối mạnh.

Cũng theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của hơn 30 công ty chứng khoán có thế mạnh về hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (cho vay margin) cho thấy, dư nợ margin cũng giảm mạnh.

Thị trường chứng khoán sụt giảm khiến dòng tiền có xu hướng rút dần ra

Thị trường chứng khoán sụt giảm khiến dòng tiền có xu hướng rút dần ra

Cụ thể, dư nợ margin toàn thị trường giảm về mức 138 nghìn tỷ tại thời điểm cuối quý 2, giảm khoảng 43 nghìn tỷ (-24%) so với cuối quý 1. Dù vậy, con số này vẫn tăng nhẹ (+3,5%) so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm này chủ yếu do nhu cầu sử dụng và sức mua margin của nhà đầu tư giảm khi giá cổ phiếu đi xuống. Chỉ số VN-Index đã giảm 22% kể từ đỉnh lịch sử 1.528,6 điểm (được thiết lập vào ngày 6/1/2022).

Mặc dù quy mô dư nợ margin giảm mạnh nhưng tỷ lệ đòn bẩy vẫn duy trì ở mức tương đối cao so với các giai đoạn trước đây. Đến cuối quý 2/2022, tỷ lệ này giảm về mức 6,2% tính từ mức đỉnh 6,8% cuối quý 1 trước đó, tuy nhiên, so với mức 5,7% tại thời điểm cuối quý 1/2021 khi VN-Index cùng ở vùng điểm như hiện tại, tỷ lệ này vẫn khá cao.

Điều này cho thấy rủi ro liên quan đến margin vẫn hiện hữu trong bối cảnh thị trường chưa thoát khỏi trạng thái của “bear market” (thị trường con gấu).

Thanh khoản trong nửa đầu tháng 7 tiếp tục giảm so với tháng 6, do lực cầu yếu và tâm lý thận trọng từ nhà đầu tư cá nhân. Giá trị giao dịch trung bình phiên (chỉ tính khớp lệnh) trên HoSE trong nửa đầu tháng 7 giảm 22% so với tháng 6, và giảm 60,1% so với bình quân giai đoạn thanh khoản sôi động trước đó (tính từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022).

Sau khi bán ròng kỷ lục trong quý 2, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 1,3 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu tháng 7, tuy nhiên tập trung chủ yếu các cổ phiếu là VHM, VIC, MWG, HPG, DCM trước áp lực bán ra của khối ngoại. Nếu không tính đến nhóm cổ phiểu này, nhà đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng (gần 1.000 tỷ) trong nửa đầu tháng 7/2022.

Trong khi tiền có xu hướng rút khỏi thị trường chứng khoán thì tại các ngân hàng, tiền gửi dân cư lại có chiều hướng tăng khi lãi suất huy động nhích đáng kể.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5-2022 có xu hướng tăng. Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,56 triệu tỉ đồng - tăng 5,07% so với cuối năm ngoái. Đây là tháng tăng liên tiếp của từ dân cư kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay.

Trong tháng 5-2022, tiền gửi của dân cư đã tăng hơn 36.909 tỉ đồng so với tháng trước. Nếu so với cuối năm ngoái, tiền gửi của dân cư đã tăng tới 268.500 tỉ đồng.

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh trong quý 3/2022 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,9% trong quý 3 và tăng 11,5% trong cả năm nay. Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các tổ chức tín dụng dự báo có thể tăng nhẹ trong quý 3/2022 và cả năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.