Đồng tâm hiệp lực cùng Bắc Giang, Bắc Ninh chiến thắng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vốn chẳng cần đến cái nắng 37-38 độ C đang bao trùm thì Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn đã “nóng” nhất cả nước bởi dịch Covid-19 đang hoành hành tại đây cả tháng qua. Hàng chục nghìn cán bộ, y bác sĩ, hàng trăm nghìn công nhân, người dân đang ngày đội nắng, đêm dầm sương để thần tốc xét nghiệm, truy vết, quản lý cách ly nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình còn dai dẳng, mệt mỏi, nhưng sự quyết tâm thì vạn người vẫn như một.
Đoàn y bác sĩ Bộ Công an lên đường “tiếp sức” cho Bắc Giang chống dịch

Đoàn y bác sĩ Bộ Công an lên đường “tiếp sức” cho Bắc Giang chống dịch

Chung tay chống dịch

Ngày 27-5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh. Tham dự và phát biểu tại buổi lễ này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: “Đất nước rất cần sự chủ động chung tay, góp sức của mỗi người dân. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cùng hành động có trách nhiệm vì đất nước.

Trước đó, ngày 26-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các bộ, cơ quan, các lực lượng chống dịch tại địa phương này. Thủ tướng nói: “Cả nước phải dồn lực để tiếp tục hỗ trợ cùng Bắc Ninh, Bắc Giang đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể trong những ngày tới”. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, trong thực hiện chiến lược vaccine, cần phải ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, cho 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các địa phương có nguy cơ rõ ràng, các khu công nghiệp (KCN). Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp 300.000 nghìn liều vaccine ngừa Covid-19 cho Bắc Ninh và Bắc Giang, đối tượng được ưu tiên tiêm là công nhân các KCN.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để người dân trong dịch bệnh phải chờ đợi lâu, ngày 27-5, lễ phát động tiêm vaccine Covid-19 đã được tổ chức tại Công ty Foxconn, Tập đoàn KHKT Hồng Hải (khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh). Là một trong số những công nhân đầu tiên của KCN Quế Võ được tiêm vaccine phòng Covid-19, Hà Lợi - công nhân trong KCN này cho biết: “Là một trong những người đầu tiên trong công ty được tiêm vaccine, tôi thấy rất yên tâm. KCN có rất đông công nhân, nếu chưa được tiêm, người lao động vô cùng lo lắng”.

Cùng với việc ưu tiên vaccine, ngay khi 2 tỉnh này xuất hiện các ổ dịch Covid-19 đầu tiên, Bộ Y tế đã lập tức cử tổ công tác đặc biệt đến hỗ trợ 2 địa phương chống dịch. Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhiều lần đến tận tâm dịch để khảo sát tình hình và chỉ đạo địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi cử các đoàn y bác sĩ trên cả nước về Bắc Giang, Bắc Ninh chia sẻ với gánh nặng của các y bác sĩ nơi đây. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục kêu gọi lãnh đạo 125 trường đại học và cao đẳng y dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

Bắc Giang gọi, cả nước trả lời

Ngay sau khi Bắc Giang có dấu hiệu dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội đã lập tức cử các đoàn y bác sĩ lên đường, hỗ trợ nhân lực, sinh phẩm cho 2 địa phương này tăng tốc xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, cứu chữa các bệnh nhân nặng. Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bắc Giang lập bệnh viện dã chiến và tăng cường nhân lực điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bắc Ninh. Sau đó, từng đoàn cán bộ, y bác sĩ các địa phương, học viên, sinh viên các trường y dược, sinh viên Học viện Quân y… đã tới Bắc Giang, Bắc Ninh để hỗ trợ.

Ở tận miền Nam xa xôi, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng cử đoàn cán bộ tinh nhuệ đến tâm dịch, mong góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Sáng 27-5, Bộ Công an tổ chức lễ xuất quân, tiễn 166 y bác sĩ, cán bộ y tế CAND của Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an chi viện phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang. Lực lượng y tế CAND cũng trực tiếp tham gia điều hành Bệnh viện Dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang. Trước đó, Bộ Công an cũng cử hàng trăm chiến sĩ cảnh sát cơ động đến vùng dịch hỗ trợ.

Là thành viên trong đội quân tinh nhuệ của Hà Nội được cử đến Bắc Giang, TS Lê Hưng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Nội) chia sẻ: “Dịch bệnh tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, toàn bộ lực lượng của Hà Nội tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Nhưng được cử đến hỗ trợ Bắc Giang chúng tôi rất tự hào. Nhiều anh em trong đoàn còn con nhỏ nhưng Bắc Giang cần chi viện, chúng tôi đều hỗ trợ hết sức”.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp và cá nhân đều ủng hộ, hỗ trợ Bắc Ninh và Bắc Giang dập dịch. Tập đoàn Sun Group tài trợ trang thiết bị lắp đặt hoàn chỉnh cho một Trung tâm Hồi sức tích cực ICU với quy mô 100 giường bệnh đa năng tại Bệnh viện Tâm thần (tại xã Song Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Thời gian cung cấp thiết bị và lắp đặt dự kiến hoàn thành trong vòng 7 ngày, kể từ ngày được bàn giao mặt bằng đủ điều kiện thi công.

Toàn bộ trang thiết bị y tế mà Sun Group tài trợ cho Bắc Giang sẽ tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể do các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai và Tổ công tác Bộ Y tế đưa ra, nhằm đảm bảo chất lượng thiết bị đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, MB Group, Viettel, Mộc Châu… đều ủng hộ hàng tỷ đồng cho cuộc chiến chống Covid-19, hy vọng dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh nhanh chóng bị đẩy lùi. Khắp trên các diễn đàn của mạng xã hội, khẩu hiệu “Bắc Giang gọi, chúng tôi trả lời” đang được lan truyền.

Công nhân Khu công nghiệp Quế Võ được tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày 27-5

Công nhân Khu công nghiệp Quế Võ được tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày 27-5

Chỉ trở về khi chiến thắng dịch bệnh

Không thể đứng yên khi mình có thể góp sức chống dịch, sau khi thấy thông báo của Tỉnh đoàn Bắc Giang tuyển gấp tình nguyện viên từ các tỉnh chưa có dịch để tham gia hỗ trợ y bác sĩ ở tuyến đầu, anh Vũ Trung Hiếu (41 tuổi, trú tại phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã lập tức lên đường. Sau khi chuyển khoản ủng hộ Bắc Giang 100 triệu đồng, anh vượt hàng ngàn cây số tình nguyện vào tâm dịch với tinh thần: “Chỉ khi hết dịch mới về”. Hoàn tất các thủ tục xét nghiệm và được tham gia đoàn tình nguyện, anh Hiếu xác định: “Vào vùng dịch rất nguy hiểm nên luôn cố gắng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người. Cuộc chiến chống Covid-19 không thể ngày một ngày hai kết thúc nên tôi đã thu xếp hết công việc ở Đà Lạt để toàn tâm, toàn ý chống dịch”.

Cùng hướng về tâm dịch đầy khó khăn, chàng thanh niên 24 tuổi Đặng Minh Trí cũng một mình lái xe cứu thương gần 600km từ Quảng Bình đến Bắc Giang tình nguyện góp sức chống dịch. Chàng trai này chia sẻ: “Làm việc gì em cũng không ngại. Em sẽ ở Bắc Giang đến chừng nào hết dịch thì về”.

Suốt 2 năm kể từ khi xuất hiện, dịch Covid-19 đã càn quét qua nhiều thành phố, song chưa bao giờ lại lây lan khủng khiếp như tại Bắc Giang và Bắc Ninh trong đợt này. Hàng nghìn người bị nhiễm, hàng chục nghìn người bị cách ly, hàng loạt phân xưởng phải tạm dừng sản xuất. Bắc Giang và Bắc Ninh đang sống trong “thời chiến” thực sự. Nhịp sống sôi động tại địa phương dẫn đầu phát triển công nghiệp của cả nước bị thay thế bằng sự vắng lặng chưa từng có.

Nhà nhà cửa đóng then cài, âm thanh và hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong những ngày qua là từng đoàn xe cứu thương hú còi nối đuôi nhau chạy trên đường. Tiếng loa phát thanh tuyên truyền phòng chống dịch liên tục truyền tải thông điệp đến người dân. Nhưng Bắc Giang, Bắc Ninh không đơn độc như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất của tinh thần Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục