“Đồng nát thì về cầu Nôm...”

ANTĐ - Xuôi theo Quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng khoảng 30 cây số là đến làng Nôm, thuộc địa phận xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Một ngôi làng cổ trù phú với quần thể di tích lịch sử văn hóa độc đáo vẫn còn giữ nguyên những nét cổ kính của làng quê Việt Nam.

Đình làng Nôm vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính

Đẹp như tranh vùng quê yên bình

Mới bước chân vào đầu làng Nôm, chúng tôi đã bị choáng ngợp trước cảnh đẹp của một làng quê vùng Bắc bộ thanh bình. Bến nước, cây đa, sân đình ở đây vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp cùng cái tĩnh lặng đặc trưng của nông thôn Việt Nam. Đình Nôm thờ Đức thánh Tam Giang - vị danh tướng dưới thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược. Tương truyền, ông cũng hiển linh giúp vua Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống, được vua phong là “Hộ Quốc Phúc Thân”. Cách đó khoảng 100 mét, gần chục ngôi từ đường của các dòng họ Phùng, Tạ, Lê… in bóng bên hồ nước trong veo, tạo nên một khung cảnh hữu tình. Dãy nhà thờ họ ở khu vực này dường như không có nhà ở xen lẫn nên giữ được sự tĩnh lặng và tôn nghiêm. 

Bắc qua dòng Nguyệt Đức là cây cầu đá hơn 200 tuổi, nối con đường làng với quần thể di tích chùa Nôm hay còn gọi là “Linh thông cổ tự” và chợ làng Nôm. Cầu Nôm gồm 9 nhịp được chạm khắc đầu rồng, chỉ rộng hơn 1 mét nhưng vẫn là nơi bà con trong làng đi lại hàng ngày. Chùa Nôm, có kiến trúc độc đáo, được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Du khách đến tham quan dường như đều bị choáng ngợp trước cảnh đẹp như trong tranh của ngôi chùa cổ bề thế, trang nghiêm. Theo hai tấm bia được lưu lại đây, chùa được xây dựng vào năm 1680 dưới thời Hậu Lê. Hiện tại, trong chùa còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hơn 100 pho tượng, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là Ngôi chùa có nhiều tượng Phật cổ nhất nước. 

Trước cổng chùa là chợ làng Nôm. Chợ chỉ họp vào các ngày mùng 1, 4, 6 và 9 âm lịch hàng tháng, bà con dân làng bán đủ thứ quần áo, đồ dùng sinh hoạt, chậu hoa, cây cảnh… Nét đặc biệt ở đây là các loại hàng hóa được bán trong một dãy nhà cổ, nên dù tấp nập, náo nhiệt người ra kẻ vào, chợ vẫn giữ được nét nguyên sơ, xưa cũ. Hình ảnh còn lại hiếm thấy ở chợ quê xưa là cảnh một cặp vợ chồng thợ rèn bên bễ lửa tại gốc cây cổ thụ gia công các đồ dùng gia đình, hoặc bác thợ trong bộ quần áo nâu cắt tóc cho trẻ em và các chú tiểu trong chùa rủ nhau đi vào chợ chơi… Tất cả những hình ảnh ấy tạo nên một không khí đậm chất yên bình của một làng quê Việt Nam. 

Cây cầu đá 200 tuổi bắc qua dòng Nguyệt Đức

“Một nghề thì sống...”

Trước đây, nghề chính của người dân làng Nôm là trồng lúa nước. Sau lâm vào tình trạng ngập úng, dân làng Nôm dần thoát ly nông nghiệp để đi buôn đồng nát, phế liệu. Dần dần làng Nôm trở thành đầu mối chuyên phân phối nguyên liệu cho các làng nghề đúc đồng trong vùng và mở rộng ra các địa phương khác. Ông Tạ Văn Đãng, một người cao tuổi trong làng cho hay, trước đây con gái làng Nôm đến tuổi lấy chồng phải cung tiến cho làng 20 mâm đồng hoặc làm vài chục mét đường lát gạch. Qua nhiều thế hệ, người dân làng Nôm ý thức được “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nên quyết tâm chỉ theo nghề buôn phế liệu. Chính vì thế, ca dao xưa mới có câu:

Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm thì về với cha.

Chẳng ngoa khi nói nhiều nam nhi thành danh là nhờ đôi quang gánh tần tảo người phụ nữ đã đi khắp các nẻo đường mưu sinh. Người làng Nôm thường xuyên giáo dục con cháu phải làm ăn lương thiện, chịu thương, chịu khó để kiếm đồng tiền chính đáng. Người làng Nôm quý cái cân và luôn tự nhủ không được làm ăn gian lận, phải trọng chữ tín với khách hàng. Nếu ai bị phát hiện gian lận chỉ có cách bỏ làng ra đi để khỏi hổ thẹn với xóm giềng… Có lẽ người làng Nôm có tư duy làm ăn, và xác định rõ mục đích kinh doanh để định hướng phát triển nên cuộc sống ở đây khá ổn định, nhiều doanh nhân làm ăn phát đạt, mang lại vẻ vang cho gia đình và cho xóm làng. 

Thả bộ trên con đường làng đều được lát gạch đỏ, chúng tôi mới để ý toàn bộ gạch đều được lát nghiêng nên giữ được độ bền qua nhiều thế hệ. Được biết để không bị bê tông hóa như nhiều làng quê ở Bắc bộ hiện nay, chính quyền xã và nhân dân làng Nôm quyết tâm giữ được con đường mang đúng  hồn làng quê xưa. Không biển cấm ô tô, không rào chắn như các vùng quê khác, nhưng dường như ở đây, người dân và  cả du khách ai cũng ý thức được trách nhiệm giữ gìn và bảo tồn quần thể di tích lịch sử.