Đông Nam Á tập trung thúc đẩy mô hình thành phố thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thành phố thông minh đang là hướng phát triển chủ đạo mang tính quốc tế trong vòng một thập niên qua. Trong xu thế đó, nhiều nước Đông Nam Á đã nhanh chóng nghiên cứu và đề ra chiến lược xây dựng thành phố thông minh tại quốc gia mình.

Động lực phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề của đô thị

Hội nghị thị trưởng thủ đô các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2022 mới diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, đã ra tuyên bố sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ và hợp tác toàn diện vì sự phát triển của các thành phố thông minh, có khả năng chống chịu và bền vững trong khu vực.

Thành phố thông minh là thành phố được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin giúp kết nối và tạo nên một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo. Hệ thống này gồm có mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức). Toàn bộ hệ thống này khi vận hành trong đô thị sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng và giúp quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Mô phỏng thành phố thông minh với các công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc

Mô phỏng thành phố thông minh với các công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc

Phát triển đô thị thông minh vừa là động lực, vừa là thách thức của mỗi quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề của hạ tầng đô thị và phát triển kinh tế. Khi công nghệ thay đổi và phát triển vượt bậc thì mô hình đô thị cũ không còn đáp ứng được những tiến bộ về khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, để duy trì sự phát triển của mỗi quốc gia thì hướng đi phát triển thành phố thông minh sẽ là tất yếu. Trong xu thế đó, nhiều nước Đông Nam Á đã nhanh chóng nghiên cứu và đề ra chiến lược xây dựng thành phố thông minh tại quốc gia mình.

Mới ngày 11-7-2022, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh với số tiền 1.340 tỷ baht (khoảng 36 tỷ USD) tại một trung tâm công nghiệp gần Thủ đô Bangkok. Thành phố thông minh mới sẽ có diện tích khoảng 2.340ha, bao gồm 5 trung tâm thương mại cho phép công ty thuê lại để hoạt động kinh doanh và tiền đầu tư sẽ được giải ngân trong vòng 10 năm tới. Thành phố được xây dựng tại huyện Huai Yai thuộc tỉnh Chon Buri, cách Bangkok khoảng 160km về phía Đông Nam.

Theo dự kiến, trung tâm này dự kiến sẽ được phân chia là nơi đặt văn phòng của các công ty, trung tâm tài chính, y tế, nghiên cứu và phát triển quốc tế cũng như các ngành công nghiệp tương lai như năng lượng sạch và công nghệ 5G. Ngoài ra, các khu dân cư của thành phố sẽ được thiết kế để chứa 350 nghìn người vào năm 2032 và tạo ra 200 nghìn việc làm trực tiếp. Cư dân chủ yếu sẽ là những người làm việc trong khu vực công nghiệp, nơi dự kiến sẽ thu hút các khoản đầu tư trị giá khoảng 2.200 tỷ baht (hơn 60 tỷ USD) đến từ các công ty ô tô, robot, chăm sóc sức khỏe và hậu cần toàn cầu trong 5 năm tới. Trong một tuyên bố, Chính phủ Thái Lan đánh giá thành phố mới với các trung tâm kinh doanh có thể đóng góp thêm khoảng 2.000 tỷ baht vào tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 10 năm và giá trị tài sản sau thời gian nhượng quyền 50 năm sẽ tăng gấp 5 lần.

Không những phấn đấu có thành phố thông minh, Singapore còn hướng tới trở thành “quốc gia thông minh”, tập trung vào xây dựng 3 trụ cột chính gồm: Kinh tế kỹ thuật số (Ditital Economy), Chính phủ kỹ thuật số (Digital Government) và Xã hội kỹ thuật số (Digital Society). Sáng kiến Quốc gia thông minh của Singapore tập trung chuyển đổi 5 lĩnh vực chủ chốt gồm: Y tế, giao thông, giải pháp đô thị, tài chính và giáo dục.

Liên quan tới các giải pháp đô thị, do hạn chế về diện tích nên Singapore tập trung tìm kiếm giải pháp để cải thiện môi trường đô thị, bất động sản tốt hơn, hiệu quả hơn.

Singapore xây dựng Khuôn khổ Thị trấn HDB thông minh do Cơ quan Phát triển và nhà đất thực hiện, tập trung vào 5 mũi nhọn gồm hoạch định thông minh, môi trường thông minh, bất động sản thông minh, cuộc sống thông minh và cộng đồng thông minh.

Xu hướng không thể khác trong tương lai

Trên cơ sở kinh nghiệm của thế giới và khu vực, Hội nghị thị trưởng thủ đô các nước ASEAN 2022 mới diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia đã ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa thành phố với thành phố trong việc mở ra tiềm năng của các dự án hợp tác cho tất cả các bên và các đối tác hỗ trợ tương ứng, cũng như sự cần thiết phải xây dựng các thành phố linh hoạt hơn, bền vững hơn và thông minh hơn, không chỉ có khả năng hấp thụ, phục hồi và chuẩn bị cho những cú sốc không lường trước mà còn là những thành phố đổi mới và thân thiện với môi trường, trong bối cảnh các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu...

Các thị trưởng nhất trí tăng cường cam kết hướng tới một cộng đồng thông minh, kiên cường và bền vững, có khả năng cạnh tranh về kinh tế, bền vững với môi trường và có trách nhiệm với xã hội, thông qua việc triển khai đầy đủ các dự án thí điểm của mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Những dự án này sẽ tập trung vào công dân và xã hội, sức khỏe và hạnh phúc, an toàn và an ninh, môi trường chất lượng, cơ sở hạ tầng, công nghiệp và đổi mới.

Với Việt Nam, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Để đẩy nhanh quá trình phát triển các đô thị thông minh, năm 2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong và thử nghiệm các mô hình mới”, với mục tiêu kép “vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”.

Không chỉ bó gọn ở khối chính quyền, các nhà đầu tư - kinh doanh bất động sản lớn trong nước cũng đang trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và từng bước đưa vào lộ trình đầu tư xây dựng những khu đô thị thông minh, nhằm tăng tính cạnh tranh cũng như nâng cấp chất lượng cuộc sống, tạo ra một môi trường thông minh của những cư dân thông minh và cho một cuộc sống thông minh. Đây là cơ hội nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước mà còn với những nhà đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam.

Thành phố thông minh đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội là điều khá rõ ràng, cũng là xu hướng không thể khác trong một tương lai gần. Vì vậy, việc ứng dụng mô hình phát triển thông minh ở các thành phố lớn tại Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho không chỉ sự phát triển của thành phố mà còn cho cộng đồng cư dân sinh sống tại đó, đồng thời góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực.