Đồng minh không đồng lòng

ANTĐ - Những nghi vấn về việc Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục làm bầu không khí vốn đã căng thẳng giữa Washington và Ankara thêm ngột ngạt.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ đang bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc dính líu đến vụ đảo chính ở nước này

Hôm 28-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức cáo buộc 2 cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã hỗ trợ đào tạo một số nội dung cho một nhóm người trung thành với giáo sĩ    F. Gulen, người đang bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành vào đêm 15-7 ở quốc gia này. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, những đối tượng được 2 cơ quan nói trên đào tạo đã thi hành nhiệm vụ trong vụ đảo chính vừa qua. 

Kể từ sau cuộc đảo chính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cáo buộc giáo sĩ F. Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, đứng đằng sau âm mưu đảo chính, đồng thời thúc giục Mỹ dẫn độ nhân vật này về nước để xét xử. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn gây sức ép với Mỹ khi cảnh báo giáo sĩ F. Gulen có thể đã trốn sang Canada. Thế nhưng cho đến nay, các cuộc nói chuyện giữa Washington và Ankara về vấn đề này dường như vẫn bế tắc. Mỹ một mực khẳng định cần bằng chứng thuyết phục chứng minh ông F. Gulen có liên quan tới vụ đảo chính vừa qua trước khi dẫn độ. 

Lời qua tiếng lại khiến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ xấu đi. Bất chấp việc đích thân Tổng thống Mỹ B. Obama lên tiếng bác bỏ cáo buộc Washington biết trước âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, những chỉ trích nhằm vào Mỹ xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Nhật báo Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai nêu tên cựu phó chỉ huy lực lượng NATO tại Afghanistan, Đại tướng quân đội Mỹ đã về hưu John F. Campbell là một trong những người đứng sau vụ đảo chính bất thành ở nước này. 

Những hành động trên thực tế nhằm vào Mỹ cũng bắt đầu xuất hiện. Hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã biểu tình gần căn cứ không quân Incirlik ở thành phố Adana, nơi đóng quân của các lực lượng Mỹ và NATO. Những người biểu tình kêu gọi đóng cửa căn cứ này, nơi đã diễn ra nhiều vụ bắt giữ và lục soát liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Về phía Mỹ, ngoài việc cảnh báo công dân nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ về nguy cơ an ninh, Washington bày tỏ sự không hài lòng về những hành vi có thể vi phạm nhân quyền của chính quyền Ankara. Không những tuyên bố không dẫn độ giáo sĩ  F. Gulen nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không cung cấp bằng cứ chính xác, Washington còn cảnh báo Ankara không được lợi dụng vụ đảo chính để trấn áp phe đối lập và các đối thủ chính trị. Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry đã nhấn mạnh rằng, những hành động hiện nay của Ankara buộc Mỹ phải cho rằng các tiêu chí dân chủ đang bị xâm phạm ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Cũng như Liên minh châu Âu, Mỹ nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị danh sách những người sẽ bị trừng phạt trước khi đảo chính xảy ra và chỉ chờ có cơ hội là thanh trừng. Mỹ cũng phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ dự định xem xét khả năng áp dụng lại hình phạt tử hình đối với các thành viên tham gia đảo chính. Trước đó, năm 2004, để có thể phù hợp với các tiêu chí đưa đất nước gia nhập EU, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ hình thức tử hình.

Nếu những mâu thuẫn này không được giải tỏa, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại khỏi NATO và cánh cửa gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này cũng sẽ bị đóng lại. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay sang Nga như là hành động phản ứng. Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang được bình thường hóa nhanh chóng sau khi có thông tin rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhận được thông tin cảnh báo từ lực lượng an ninh Nga trước khi cuộc đảo chính diễn ra. Xem ra Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, những người đồng minh trong NATO, giờ đã không còn đồng lòng.