Đồng lòng, chung sức đáp trả tham vọng phi pháp ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc giới chức quân sự cấp cao của Đức tuyên bố triển khai chiến hạm lần đầu tiên trên Biển Đông trong gần 2 thập kỷ qua “chỉ là bước dạo đầu” trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện của hải quân nước này cho thấy, tới đây Berlin sẽ gia tăng các hoạt động cùng các quốc gia khác để đáp trả tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Chuyến đi phá băng của chiến hạm Bayern là chỉ dấu cho sự điều chỉnh chính sách của Đức nhằm duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Chuyến đi phá băng của chiến hạm Bayern là chỉ dấu cho sự điều chỉnh chính sách của Đức nhằm duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Sứ mệnh từ chuyến đi “phá băng” sau gần 20 năm

Phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức trên khinh hạm Bayern đang neo lại ở căn cứ quân sự Changi của Singapore ngày 21-12, Phó Đô đốc Kay-Achim Schonbach - Tham mưu trưởng Hải quân Đức - khẳng định, việc điều tàu này đến Biển Đông sẽ là “khởi đầu cho hiện diện thường trực” của Đức ở đây. Với sứ mệnh trong chuyến đi tới Thái Bình Dương, bao gồm có Biển Đông, chiến hạm Bayern (số hiệu F217) là một trong bốn khinh hạm lớp Brandenburg của Hải quân Đức, là tàu chiến đầu tiên của Đức hiện diện tại Biển Đông trong gần 20 năm qua kể từ năm 2002.

Đề cập tới nhiệm vụ của chiến hạm Bayern trong chuyến đi bắt đầu từ tháng 8-2021 và kéo dài 6 tháng ở Thái Bình Dương, Hải quân Đức cho biết, đây là một “chuyến đi huấn luyện và hiện diện thông thường” từ vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương qua Biển Đông sang Ấn Độ Dương. Trong chuyến hoạt động chứa đựng nhiều thông điệp này, chiến hạm Bayern của Đức không đi qua các vùng biển “nhạy cảm” là eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, một động thái được giới quan sát cho rằng nhằm tránh phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc.

Dù phía Đức cho biết chuyến đi của khinh hạm Bayern “không nhằm vào một quốc gia nào” và không đi qua eo biển Đài Loan cũng như phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể ở Biển Đông, song Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đòi Berlin “làm rõ ý định điều chiến hạm đến Biển Đông”. Đây được xem là sự “quan tâm” của Trung Quốc đối với Đức, không chỉ trong chuyến đi của chiến hạm Bayern mà sâu xa hơn còn là sự can dự của Berlin vào Thái Bình Dương, nhất là Biển Đông. Tuy nhiên, sự “quan tâm” của Trung Quốc không làm ảnh hưởng tới sự điều chỉnh chính sách của Đức với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chuyến hoạt động dài suốt 6 tháng của chiến hạm Bayern là chỉ dấu cho một sự khởi đầu. Trong phát biểu ngày 21-12 ở Singapore, Tham mưu trưởng Hải quân Đức Kay-Achim Schonbac nêu rõ, chuyến đi hiện nay của chiến hạm Bayern như chiếc “tàu phá băng” để chuẩn bị cho các sứ mệnh trong tương lai.

Sứ mệnh trong tương lai của Đức tại Thái Bình Dương, theo thông tin chính thức, hải quân cường quốc này có kế hoạch sẽ triển khai 2 tàu chiến, gồm 1 khinh hạm và 1 tàu hỗ trợ vào năm 2023. Trong đó, khinh hạm Baden-Wurttemberg (số hiệu F125) có thể được sử dụng cho mục đích triển khai luân chuyển trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hải quân Đức cũng có thể thiết lập một “trung tâm hậu cần không cố định” để hỗ trợ cho sứ mệnh này. Hiện Đức đã tiến hành đàm phán với Singapore cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc về các công việc liên quan. Trước mắt, ngay trong năm 2022 tới, Đức cũng sẽ đưa các đơn vị không quân và an ninh mạng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quan chức quân sự đứng đầu Hải quân Đức khẳng định, Đức sẽ hiện diện lâu dài ở châu Á và sẽ điều thêm tàu chiến, máy bay đến khu vực từ năm 2023. Đáng chú ý, Phó Đô đốc Kay-Achim Schonbac cho hay, lần tới có thể tàu chiến Đức sẽ di chuyển qua eo biển Đài Loan. “Chúng tôi muốn bắt đầu từng bước nhỏ và có thể sẽ băng qua eo biển Đài Loan để thăm hòn đảo này trong lần triển khai sắp tới” - ông nói.

Duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế

Lý giải về sự thay đổi chính sách của Berlin với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tham mưu trưởng Hải quân Đức cho biết, việc củng cố và tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc với tốc độ “bùng nổ” là “nguyên nhân gây lo lắng”. Theo Phó Đô đốc Kay-Achim Schonbach, việc tăng cường lực lượng hải quân “thần tốc” của Trung Quốc “nhấn mạnh mong muốn của các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh nhằm thể hiện sức mạnh” trên đại dương.

Thống kê cho thấy, với sự đầu tư ồ ạt, Trung Quốc đang tăng quy mô của lực lượng hải quân lên tương đương với toàn bộ lực lượng Hải quân Pháp cứ sau mỗi 4 năm. Tham mưu trưởng Hải quân Đức cho rằng, với tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới như vậy, Trung Quốc rõ ràng “muốn có một lực lượng hải quân lớn mạnh”, một lực lượng hải quân nước xanh. Hải quân nước xanh là lực lượng hải quân có thể hoạt động trên toàn cầu trong các đại dương mở và không giới hạn ở các chức năng gần bờ.

Nhìn vào thực tế thời gian qua, bất kỳ ai cũng thấy rõ như ban ngày Trung Quốc sử dụng thế nào, nhằm mục đích gì với lực lương hải quân trỗi dậy ở tốc độ nhanh nhất thế giới đó. Những tuyên bố đòi chủ quyền phi pháp trên biển, đặc biệt là việc đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, cùng những hành vi hung hăng, gây hấn, hăm dọa và bắt nạt của Trung Quốc trên biển thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông. Điều này gây lo lắng sâu sắc cho không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả những quốc gia có lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên tuyến vận tải biển được xem là huyết mạch với nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, việc Hải quân Đức lần đầu tiên trong gần 20 năm qua điều động một chiến hạm tới Thái Bình Dương, Biển Đông, là dấu hiệu cho thấy tình hình đã leo thang tới mức Berlin cảm thấy phải phát thông điệp tới Trung Quốc. Đại sứ Đức tại Singapore Norbert Riedel ngày 20-12 cho biết, Đức “đặc biệt quan ngại về yêu sách hàng hải phi pháp” ở Biển Đông. Cùng với đó là quan ngại về những hành vi “dọa dẫm và cưỡng ép tiếp diễn nhằm vào các nước khác trong khu vực”. Trong khi đó, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ngày 20-12 cũng cho biết, chiến hạm Đức đi qua Biển Đông “là một phần trong cam kết kiên định của Đức về duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải”.

Giới phân tích cho rằng, sứ mệnh chuyến đi “phá băng” của chiến hạm Bayern hiện nay là bước tiếp theo trong chiến lược hướng sang khu vực có vị trí địa lý chiến lược được Chính phủ Đức thông qua từ năm 2020. Ngay sau đó, tháng ngày 16-9-2020, lần đầu tiên Đức cùng với Anh và Pháp cùng gửi một công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối “các tuyên bố chủ quyền (của Trung Quốc) dựa trên việc thực thi “quyền lịch sử” trên vùng Biển Đông”, nhấn mạnh những yêu sách này “không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982)”.

Theo Phó Đô đốc Kay-Achim Schonbac, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Đức, Hải quân Đức sẽ thường xuyên điều thêm nhiều khí tài quân sự tới Biển Đông trong tương lai “để duy trì hiện diện quân sự thường trực ở vùng biển này”. Tham mưu trưởng Hải quân Đức cũng cho biết, nước này đang cân nhắc phối hợp với các đồng minh Mỹ và châu Âu đang có mặt tại vùng biển này trong nỗ lực “duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải”.