Đọng lại và còn mãi

ANTĐ - Người từ miền Nam ra, Việt kiều mãi tận Mỹ, Canada, Australia về, du khách nước ngoài lần đầu đặt chân đến Hà Nội, đi đâu thì đi cũng đều tìm đến quán phở gia truyền giữa phố cổ. Người ta truyền miệng nhau, nếu như chưa được nếm bát phở mang hương vị đặc trưng, cô đọng tinh túy ẩm thực, thì coi như mới chỉ ghé qua mảnh đất này.
Đọng lại và còn mãi ảnh 1
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Có những người thưởng thức xong bát phở Hà Nội giữa phố cổ là vội vã ra sân bay. Hơn chục năm nay, giờ mới quay trở lại thăm Hà Nội, chỉ mới đến đầu phố, người đàn ông nước ngoài đã nhận ngay ra mùi vị phở. Vẫn chẳng hề thay đổi sau chừng ấy năm. Rón rén bưng bát phở đầy ụ, bốc khói sang quán cà phê sát bên, ngồi ké cùng bàn với tôi, anh cười mãn nguyện, ngây thơ như trẻ con. Trông anh cầm đũa khéo léo, cho thêm vài lát ớt tươi, đủ biết là người đã quen thuộc nơi này. Vừa xì xụp thổi, anh vừa nói như đã từng quen biết nhau: nhiều thứ đổi thay quá, nhà cửa, phố xá và cả con người, không thể nào nhận ra.

Một thành phố có khác gì một con người, tôi nói, phải lớn lên, trưởng thành. Nhưng thay đổi đến đâu vẫn cần giữ lại những dấu vết, ấn tượng không thể lẫn với nơi nào khác. Bát phở đã vơi một nửa, người khách nước ngoài xa lạ hào hứng hẳn lên. So với lần đầu đặt chân đến Hà Nội, lần đầu tiên nếm bát phở gia truyền, anh kể, giờ quay trở lại, giá đắt hơn trước nhưng nước vẫn trong, vẫn ngọt tự nhiên khác hẳn phở ở Sài Gòn. Không lẽ, chừng ấy năm, thời gian trôi đi mà cái cốt chất, mùi vị chẳng hề tan loãng, nhạt đi ít nhiều?

Lặng im nhâm nhi tách cà phê, lắng nghe một ông khách Tây thưởng thức bát phở gia truyền, nhìn vào đáy bát rồi trò chuyện và suy ngẫm. Mới gặp nhau một lần, có thể là duy nhất, cớ gì phải đưa đẩy cho vừa lòng nhau. Trong quán cà phê kề hàng phở độc nhất phải xếp hàng ở Hà Nội này, dễ chừng hai chục năm có lẻ, tôi từng ngẫu nhiên bắt gặp, chuyện trò với nhiều người nhưng riêng với người đàn ông này dường như có cơ duyên gì khác thường, khó quên. Hỏi anh, ngoài phở, còn có thứ gì ấn tượng khiến anh quay trở lại? Nheo đôi mắt xanh trong veo nhìn ra ngoài đường, chợt thấy hai người phụ nữ dắt xe đạp chất đầy hoa tươi. Vành nón lá nghiêng che vạt nắng thu hanh hao, anh vớ vội chiếc di động chụp liên tục như thể hình ảnh ấy sẽ trôi đi, biến mất.

Bưng tách cà phê đen không đường sữa bốc khói nóng hổi mà tôi mời, người khách từ phương trời xa lắc giọng chậm rãi như những giọt cà phê phin: Tôi đã lang thang tới nhiều thành phố lớn ở châu Á, cuối cùng nhận ra Hà Nội là thành phố xanh nhất, bình yên nhất. Khi bước chân qua những phố xá đông đúc, chen chúc rồi ghé vào một vài ngôi chùa yên tĩnh, tôi chợt nhận thấy cốt chất con người nơi đây dường như vẫn nguyên vẹn như mùi vị phở, vẫn đậm đà, sánh đặc như tách cà phê phin này. Tôi biết, những món ăn nhanh như gà rán KFC, Lotteria, uống nhanh như Lipton, Dilmah hay cà phê Starbuck... rất khó lấn át nếp sống, lối thưởng thức ẩm thực thong thả, từ tốn của người Hà Nội. May ra chỉ hợp với lớp trẻ. Tôi mỉm cười, anh có những cảm nhận tinh tế như người đã sống ở đây lâu năm. Có lẽ, thời gian chưa đủ để anh nhận ra, nuối tiếc những mất mát, mà chỉ những người sinh ra, lớn lên, hít thở không khí, thấm ngấm mưa nắng, gió rét mới nhìn thấy từng ngày. Bên những siêu thị, trung tâm thương mại nhôm kính chói gắt nắng, theo năm tháng, những khoảng trống cứ mất mát và loang rộng trong lòng lớp người như tôi, khó lấp đầy. 

Đọng lại và còn mãi ảnh 2
Du khách ngẫu hứng giữa quán cà phê phố cổ 

Cà phê đã gần cạn, chuyện thì còn đầy. Người du khách Tây giãi bày, không phải vô tình tôi trở lại Hà Nội vào lúc giao mùa để cảm nhận sự đổi thay. Giao mùa cũng gần giống như giao thời. Cuộc sống như một dòng sông. Nếu sông không chảy thì đó là dòng sông chết. Người khách nước ngoài để ý tới những thứ lắng đọng của Hà Nội chìm sâu trong cái vẻ ồn ào, bụi bặm mà đô thị nào cũng có. Anh cũng như tôi từng ngồi cả tiếng đồng hồ ven hồ công viên, ngắm tụi trẻ nô đùa, nhìn những người cao tuổi khiêu vũ trong tiếng nhạc dìu dặt. Thời gian như dừng lại với những người ngồi buông câu bên mép nước lặng sóng hay những ông già trầm ngâm bên bàn cờ. Dù ngoài đường phố, ô tô, xe máy chen chúc, lấn lướt, người ta vẫn ăn uống trên vỉa hè, đốt vàng mã nghi ngút...

Trước khi bắt tay, anh nhìn lâu vào mắt tôi nói thay lời tạm biệt: “Tin tôi đi, những gì lắng đọng lại thì sẽ còn mãi. Nếu không, tôi và những du khách khác chẳng đã quay trở lại Hà Nội đấy thôi!”.