Đóng góp màu xanh cho ngôi nhà chung của nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tích cực tham gian thực hiện các cam kết “xanh,” được cộng đồng quốc tế đánh giá là một hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” màu xanh an toàn của nhân loại.
Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo điện gió để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá

Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo điện gió để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá

Hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về “0”

Việt Nam những năm qua đã luôn nỗ lực thực hiện các cam kết của mình về chống biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp nhanh chóng, toàn diện, vì lợi ích của chính người dân Việt Nam cũng như đóng góp vào vấn đề toàn cầu hệ trọng này, vì một thế giới tương lai tươi sáng hơn. Những nỗ lực này đã được thúc đẩy và cụ thể hóa thêm sau khi Chính phủ nước ta cam kết đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) diễn ra tháng 11-2021 tại tại Glasgow, Scotland (Anh).

Để thực hiện cam kết trên, Việt Nam đã thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính để có những số liệu chính xác về lượng giảm phát. Là cơ quan chuyên trách, Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian tới, các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính sẽ được các bộ, ngành triển khai đo đạc, báo cáo, thẩm định theo quy định của quốc tế và được công bố công khai. Theo đó, kiểm kê quốc gia khí nhà kính là việc tính toán lượng khí nhà kính phát thải/hấp thụ trong một năm cụ thể (trước năm thực hiện tính toán) trên cơ sở thông tin, số liệu hoạt động về các nguồn phát thải được thu thập, thống kê trong các lĩnh vực và hệ số phát thải, không phải theo các kịch bản...

Tuy nhiên, triển khai quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, từ năm 2010, Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính vào các năm 2000, 2010, 2013, 2014 và 2016 nhằm phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu và đã gửi Ban Thư ký Công ước theo quy định. Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính qua các kỳ, chưa tính lượng khí nhà kính giảm phát thải cho thấy, năm 2000, Việt Nam đã kiểm kê được 150,9 triệu tấn CO2tđ (những khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn khí cacbonic có thể được chuyển đổi thành lượng CO2 tương đương); năm 2010 là 264,2 triệu tấn; năm 2013 là 259,0 triệu tấn; năm 2014 là 278,7 triệu tấn; năm 2016 là 316,7 triệu tấn.

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cũng lưu ý từ năm 2020 trở về trước, mặc dù chưa phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính, song Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo triển khai các hoạt động giảm phát thải thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ năm 2021 trở đi, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính so với mức phát thải theo kịch bản phát triển thông thường quốc gia (BAU) đến năm 2030, bao gồm các chỉ tiêu giảm phát thải cụ thể cho từng lĩnh vực. Theo đó, các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính sẽ được đo đạc, báo cáo, thẩm định theo quy định của quốc tế và được công bố công khai; hướng tới việc hoàn thành mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ khí hậu Trái đất.

Hành động khẩn trương và mạnh mẽ

Thực hiện cam kết của Việt Nam, ngay sau Hội nghị COP-26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của nước ta. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP-26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban, thành viên là các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP-26. Một trong các mục tiêu cụ thể của Đề án là các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 100% xăng E5; giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 43% trong nông nghiệp, 70% trong lâm nghiệp và sử dụng đất, đồng thời tăng 20% lượng hấp thụ carbon, 60,7% trong xử lý chất thải, 38,3% trong các quá trình công nghiệp (so với kịch bản phát triển thông thường). Các giải pháp thu hồi và lưu giữ carbon từ các nguồn phát thải lớn được nghiên cứu, áp dụng rộng rãi.

Chúng ta xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; xác định các khu vực biển thu hút các nhà đầu tư, đưa một số dự án điện gió ngoài khơi vào hoạt động ở các khu vực có tiềm năng; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch; tham gia các tổ chức năng lượng quốc tế.

Cùng với mục tiêu trên, Việt Nam sẽ chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần quy mô công suất điện than sau năm 2035. Những ngành tiềm năng cao chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch là công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ.

Tương tự, lĩnh vực nông nghiệp được định hướng giảm phát thải thông qua áp dụng các biện pháp quản lý, đổi mới công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp phát thải thấp. Trong khi đó, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất có nhiệm vụ quan trọng nhất tăng hấp thụ carbon từ rừng, bằng cách bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có; trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa; tăng chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái...

Những cam kết mạnh mẽ đi đôi với hành động nhanh chóng, có trách nhiệm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.