Động cơ máy bay Trung Quốc lạc hậu so với phương Tây 30 năm

ANTD.VN - Theo nhận định của tờ Le Monde của Pháp, ngành chế tạo máy bay Trung Quốc hiện phụ thuộc rất nhiều vào động cơ của nước ngoài, trong khi động cơ tự sản xuất trong nước thì tụt hậu hơn 20 đến 30 năm so với hàng Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc mới thành lập Tổng công ty động cơ máy bay (AECC) có trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại động cơ máy bay và tuabin chạy bằng khí đốt. Tổng công ty này có vốn đăng kí kinh doanh 7,5 tỉ USD và 96.000 nhân công. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là một bước đi chiến lược của Bắc Kinh, do từ lâu nước này đã rất vất vả trong việc chế tạo động cơ trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Động cơ máy bay Trung Quốc có chất lượng kém hơn nhiều so với động cơ phương Tây

Chế tạo động cơ máy bay là lĩnh  vực rất khó để trở nên chuyên nghiệp. Le Monde nhận định rằng, bất chấp sự đầu tư không tiếc tiền bạc, động cơ Trung Quốc đang tụt hậu so với Mỹ từ 20 đến 30 năm. Ngoài ra, các nhà sản xuất phương Tây giờ cũng vô cùng thận trọng trong việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc do lo sợ cạnh tranh.

Trong vòng 4 năm qua, 30% giá trị nhập khẩu công nghệ của Trung Quốc đến từ động cơ máy bay. Cụ thể, máy bay thương mại ARJ21 mà Trung Quốc mới sử dụng hồi tháng 6 dùng động cơ của General Electric (Mỹ), trong khi chiếc C919 mà nước này phát triển để đối đầu với Boeing cũng phải dùng động cơ do Mỹ và Pháp cùng chế tạo.

Về phần các động cơ máy bay quân sự, Trung Quốc lại phải phụ thuộc vào Nga do những sản phẩm do Bắc Kinh chế tạo nội địa chưa hoàn chỉnh và thậm chí gây ra tai nạn.