Dòng chảy văn hóa hiền hòa sau 10 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính

ANTD.VN - Chỉ bàn về lĩnh vực văn hóa, hội thảo “Văn hóa-Thăng Long Hà Nội sau 10 năm hợp nhất” do Hội Liên hiệp Văn hóa nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng 25-9, đã chỉ ra dòng chảy văn hóa hiền hòa, tạo nên một nền văn hóa đồng bộ trên tổng thể, đó là văn hóa của Thăng Long-Hà Nội mở rộng ở vị thế Thủ đô của đất nước. 

Sau 10 năm, Hà Nội mở rộng của ngày hôm nay có sự giao thoa, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa hai nền văn hóa tương đồng

Không có cú sốc văn hóa

Sau 10 năm, Hà Nội mở rộng của ngày hôm nay có sự giao thoa, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa hai nền văn hóa tương đồng. Có lẽ thấy rõ nhất là sự tương tác và thẩm thấu của ngôn ngữ, thực phẩm và văn hóa ẩm thực, quần áo, cách ăn vận và thời trang. Từ những yếu tố cụ thể đó, tập quán sinh hoạt và lối sống của người dân cũng dần hòa đồng, các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, cách thức cúng giỗ, phong tục cưới hỏi… dần dần cũng tìm thấy cách chuẩn mực chung.

Trong quá trình mở rộng địa giới, không có hiện tượng áp đảo của một vùng văn hóa này với một vùng văn hóa khác, không xảy ra những cú sốc về văn hóa. Bởi văn hóa xứ Đoài hay văn hóa Thăng Long đều có cùng một nền văn minh Đại Việt, cùng một gốc gác từ Vua Hùng. 

Các danh thắng và cảnh quan của xứ Đoài bổ sung cho Thủ đô là mảng giá trị văn hóa vật thể đáng kể như danh thắng Hương Tích rồi các đền, đình, chùa nổi tiếng như đền Và, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Đậu, chùa Mía… đều đã trở thành những di tích văn hóa xếp hạng đáng tự hào của Hà Nội.

Các đặc sản nổi tiếng từ các làng nghề có từ bao đời cũng đều đã trở thành những đặc sản của Thủ đô: tơ lụa Vạn Phúc, giò chả Ước Lễ, khảm trai Chương Mỹ… rồi những sân khấu chèo, múa rối nước cũng vậy. Theo nhà thơ Bằng Việt, “tinh hoa của mỗi vùng đất đều được phát huy và cộng hưởng sang vùng đất kế cận, như vậy ở mức độ nhẹ, chúng ta có thể thấy rõ là đã có sự tiếp cận văn hóa, chứ chưa thấy có hiện tượng tiếp biến văn hóa”. 

Để thấy sự chuyển biến của văn học nghệ thuật Thủ đô trong 10 năm qua, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, cần phải nhìn vào những thành tựu sáng tác và phổ biến tác phẩm, bởi đó chính là nhân tố thể hiện sự phát triển. Trong lĩnh vực văn học, bên cạnh những nhà văn, nhà thơ vẫn hăng say sáng tác như Vũ Quần Phương, Hoàng Quốc Hải… còn có nhiều cây bút trẻ đáng chú ý.

Bằng những trang viết sống động, họ đã thể hiện dáng hình Hà Nội đổi mới hôm nay như “Cửa hiệu giặt là” chứa đựng cả một Hà Nội đương thời của nhà văn Đỗ Bích Thúy… Với âm nhạc, Hà Nội có lớp nghệ sỹ mới tài năng vươn tầm quốc tế như Lưu Hồng Quang, Lưu Đức Anh, Trần Lê Quang Tiến… Nghệ thuật biểu diễn Thủ đô cũng có bước tiến dài trong 10 năm qua. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh có thêm nhiều triển lãm, sáng tác chất lượng, gắn liền với sự đổi thay  hàng ngày của Thủ đô và đất nước...

Lượng du khách đến Hà Nội tăng và Hà Nội đang trở thành điểm đến hấp dẫn

Diện mạo Thủ đô

Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông cho rằng, sau khi sáp nhập, nền văn hóa xứ Đoài không những không chết mà còn sống rất mãnh liệt với diện mạo khác, diện mạo của Thủ đô. Và Thăng Long có xứ Đoài, Thăng Long phong phú hơn, đặc sắc hơn. Nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, từ khi mở rộng địa giới hành chính, mặt tích cực là diện tích nhà ở đã được tăng lên nhiều, từ đó người dân an tâm định cư, ổn định sinh kế.

Từ nay trở đi, Hà Nội cần vượt qua những thách thức, khắc phục những mặt chưa ổn, hướng đến một Thủ đô văn hiến, trí tuệ, năng động, bền vững, an toàn và thân thiện. Để làm được điều này, cần định ra một mục tiêu rõ ràng. Có mục tiêu sẽ có lộ trình thực hiện, trong đó không chỉ có cấp lãnh đạo mà từng công dân cũng phải có một phần trách nhiệm thực hiện vì mục tiêu chung. Và ở khía cạnh khác, với bề dày lịch sử, tài nguyên văn hóa phong phú, thành phố cần đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa, gắn với du lịch làng nghề, tăng chất lượng dịch vụ, lấy du lịch văn hóa làm cốt lõi. 

Và như thế, có thể nói, việc mở rộng địa giới Hà Nội là một quyết định đúng, nhờ đó, Hà Nội sẽ có điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế và văn hóa. Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi ấy, cũng còn nhiều những gian nan và thách thức. Nhưng mỗi người dân hoàn toàn có thể yên tâm về một quá trình chọn lọc, hội tụ và kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất và tinh hoa cao quý nhất của cả nền văn hiến Thủ đô đã hội tụ và phát triển từ thời kỳ dựng nước hơn 4.000 năm và từ thời kỳ lập đô cũng hơn 1.000 năm, hào hùng và bền vững.