Dòng chảy lịch sử huyền thoại trên đất Tứ Tổng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Tôi trở lại vùng đất Tứ Tổng xưa, nay là phường Tứ Liên, kính lễ tại đình chùa. Chống Pháp xâm lược tháng 12-1946, chùa Vạn Ngọc, khi đó vẫn ở ngoài đê, là nơi cứu chữa thương binh của mặt trận Hà Nội. Cháu lễ Phật rồi nên sang đình Nội Châu và Ngoại Châu mới được xây dựng lại. Đó là nơi tự vệ Tứ Tổng thường tập trung sinh hoạt, luyện tập. Đêm 17-2-1947, tự vệ đón Trung đoàn Thủ đô, rồi đưa cán bộ chiến sĩ sang sông Hồng ra hậu phương an toàn...”. Dòng chảy lịch sử vẫn được các già làng trao truyền cho con cháu trong những câu chuyện kể hôm nay.
Chùa Vạn Ngọc - nơi cứu chữa thương binh từ Liên khu I chuyển ra Tứ Tổng

Chùa Vạn Ngọc - nơi cứu chữa thương binh từ Liên khu I chuyển ra Tứ Tổng

Vùng đất cổ phía Đông Bắc kinh thành Thăng Long

Đã gần 10 thế kỷ, nhưng trong lễ hội vào ngày 12-10, ngày hóa của Đức Thánh Ông và ngày 16-3, ngày hóa của Đức Thánh Bà, người dân Tứ Liên vẫn kể lại câu chuyện từ thuở xa xưa. Tục truyền rằng, khi Vua Lý Công Uẩn định đô ở thành Đại La, dân cư của 4 Tổng ở vùng Đấu Đong - Đấu Để (nay là vùng Giảng Võ - Quần Ngựa thuộc quận Ba Đình) phải di dời ra bãi nổi sông Hồng ở phía Tây Bắc kinh thành. Vùng đất sa bồi có bàn tay con người khai phá, dựng xây thành trang ấp gồm Nội Trang, Ngoại Trang, Vạn Bảo Trang, Bảo Xuyên Trang, rồi trang ấp phát triển hợp thành một xã, gọi là xã Tam Bảo Châu. Thần tích còn giữ được cho chúng ta biết, xưa có 3 anh em là con của ông Nguyễn Chương và bà Bùi Thị Xuyên, ở Trang Đồng Lục, Phủ Khoái Châu, Đạo Sơn Nam (nay là xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Khi mẹ, rồi cha qua đời, Nguyễn Bảo, Nguyễn Minh và người em gái út là Phương, lên đất Tứ Tổng được Hào trưởng Lê Công Chí nuôi ăn học. Hai anh em trai giỏi cả văn lẫn võ. Giặc Chiêm Thành kéo quân đến xâm lấn bờ cõi, hai ông xin vua đi dẹp giặc. Vua gia phong cho hai ông làm tướng Trung phẩm cầm quân. Hai ông về Bảo Xuyên Trang chọn quân sĩ, rồi theo hai đường thủy - bộ đánh quân Chiêm.

Thắng giặc, hai ông cùng hóa vào ngày 12-10. Nhà vua thương xót xuống chiếu truyền cho dân Bảo Xuyên lập đền thờ, phong anh là Đương cảnh Thành hoàng Bảo Trung trung đẳng tôn thần; phong em là Đương cảnh Thành hoàng Minh Khiết trung đẳng tôn thần. Bà em gái có công trong nghề tằm tang, được phong Ý Hạnh phu nhân tôn Công chúa phúc thần và được dân tế lễ bà vào ngày mất, 16-3 hàng năm.

Thời Trần, xã Tam Bảo Châu thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; đến năm 1471, triều Lê Thánh Tông, thuộc huyện Từ Liêm, xứ Sơn Tây. Triều Nguyễn năm Tự Đức thứ 11 (1859), xã Tam Bảo Châu thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Năm 1880, do phải kiêng chữ “Bảo” là húy kỵ của Hoàng triều nên các làng phải đổi tên: Nội Trang đổi thành Nội Châu xã, Ngoại Trang đổi thành Ngoại Châu xã. Vạn Bảo Trang đổi thành Vạn Ngọc xã, Bảo Xuyên Trang đổi thành Ngọc Xuyên xã.

Năm 1915, bốn xã trên thuộc Tổng Phúc Lâm, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Từ tháng 1-1943 đến tháng 8-1945,Tổng Phúc Lâm thuộc Đại lý Hoàn Long, ngoại thành Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 5-1946, các xã thuộc khu Lãng Bạc, là 1 trong 5 khu ngoại thành theo phân chia địa giới hành chính mới của Ủy ban Hành chính thành phố. Tứ Tổng chia thành 2 khu vực A và B để nhân dân tiến hành bầu Ủy ban Hành chính riêng. Khu A (phía chân đê) do ông Phan Hữu Mậu làm Chủ tich, khu B (trên bãi giữa) do ông Nguyễn Gia Mão làm Chủ tịch. Tên xã Tứ Liên có sau ngày cải cách ruộng đất (1956), thuộc quận 5, ngoại thành; năm 1961, thuộc huyện Từ Liêm, năm 1996 là phường Tứ Liên, thuộc quận Tây Hồ.

Hào khí Thăng Long - Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Để chuẩn bị kháng chiến, hai đội tự vệ Quang Trung và Trần Bình Trọng của Tứ Tổng được tổ chức thành tự vệ chiến đấu. Ủy ban bảo vệ khu A và khu B gấp rút chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt, lập các đội cứu thương, hậu cần…

Đêm 19-12-1946, Hà Nội rực lửa kháng chiến, Tứ Tổng đã thực hiện “vườn không nhà trống”. Tráng đinh và tự vệ chiến đấu đào hào, đắp ụ ở ngã ba Nghi Tàm. Ban tiếp tế bảo đảm cho lực lượng cơ động vào nội thành - ra hậu phương. Trạm cứu thương đặt tại chùa Vạn Ngọc (Linh Am cổ tự, khi đó vẫn tọa lạc ở ngoài đê) đã làm tốt công tác sơ cứu thương binh từ nội thành ra rồi chuyển tiếp lên Chèm - Vẽ. Quân dân Tứ Tổng đã đánh địch ngoan cường ở ngã ba Nghi Tàm, nhà in Viễn Đông (nay là nhà in Báo Nhân dân), nhà máy gạch Quán Thánh, bảo vệ pháo đài Xuân Canh, đảm bảo đầu mối giao thông liên lạc rất quan trọng tại bến đò Tứ Tổng sang bến Dâu (Xuân Canh). Đêm 15-1-1947, tự vệ Tứ Tổng bảo vệ cho một số cán bộ chiến sĩ của Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 1 bí mật theo dòng người tản cư của Liên khu 1 rút ra hậu phương an toàn.

Từ tháng 1-1947, nhận được quân tiếp viện từ Hải Phòng lên, địch tổ chức tấn công ác liệt ở các cửa ô. Mờ sáng 25-1-1947, địch dùng cả thủy binh, bộ binh có xe tăng yểm trợ, chia làm 4 mũi đánh chiếm Tứ Tổng - Nhật Tân. Lần đầu tiên tự vệ Tứ Tổng trực diện chiến đấu với lực lượng địch tinh nhuệ, hiện đại. Ông Phan Hữu Mậu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến khu A và 6 tự vệ chiến đấu khu A, 3 bộ đội khu Lãng Bạc đã hy sinh anh dũng để bảo vệ con đường giao thông liên lạc của đội Trúc - Lãng vào Liên khu I. Địch chiếm khu A, đóng quân ở đình Nội Châu, hòng chặn đứng mạch máu giao thông này. Sau đó, Ủy ban Kháng chiến và nhân dân khu B tản cư sang Xuân Canh, nhưng đêm đêm, cán bộ và tự vệ vẫn vượt sông về làng.

Đêm 17-2-1947, thực hiện lệnh của Ủy ban Hành chính kháng chiến và đồng chí Trần Quốc Cư, Trưởng ban Giao thông Khu XI, quân dân Tứ Tổng được huy động dùng thuyền Tam ban chở Trung đoàn Thủ đô qua sông để rút ra hậu phương. Tự vệ tổ chức cảnh giới bốt Nội Châu và bốt Yên Phụ. Theo lời kể của các cụ cao niên tại cuộc hội thảo mà tôi còn ghi trong biên bản tốc ký năm 2009, có tất cả 44 chiếc thuyền Tam ban vun vút lao trên sông trong sương mù dày đặc chở cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô sang bãi giữa, rồi từ đó hành quân theo bãi dâu Tàm Xá, ra bến đò. Tại đây, quân dân Tứ Tổng và Tàm Xá tiếp tục chở Trung đoàn Thủ đô bằng cả thuyền Tam ban và thuyền Đinh, qua sông Hồng, cập bến Dâu, thôn Xuân Canh (khi đó thuộc tỉnh Phúc Yên).

Mờ sáng 18-2-1947, Chính ủy Lê Trung Toản báo cáo với Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ, đại bộ phận Trung đoàn Thủ đô đã rút qua sông Hồng, sang đất Phúc Yên an toàn. Sau đó, phái viên của Mặt trận đón Trung đoàn, đi tiếp lên phía Bắc, đến Thượng Hội (Đan Phượng), như kế hoạch đã được Bộ Tổng chỉ huy duyệt. 5h sáng, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã báo cáo lên Bộ Tổng chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận điện - cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô cơ bản thắng lợi.

Do đi trên địa hình đất bãi ngàn dâu và sông nước, nên một số cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn bị lạc; vì vậy, quân dân Tứ Tổng vẫn tiếp tục chèo đò qua sông đêm 18-2. Mờ sáng 19-2-1947, phát hiện ra Trung đoàn Thủ đô đã thoát khỏi vòng vây, quân Pháp tổ chức cuộc truy kích lớn, hòng tiêu diệt Trung đoàn. Thủy - lục - không quân địch càn quét cả một dải đất bãi mênh mông; đốt phá Tứ Tổng. Lửa ngùn ngụt thiêu rụi nhà cửa của dân làng và cả thuyền vừa chở Trung đoàn Thủ đô. 27 người dân của Tứ Tổng bị giết hại trong cuộc thảm sát này. Một số người bị chúng bắt về đình Quảng Bá để khảo tra tin tức...

Cũng vào mờ sáng 19-2, trong chuyến đò cuối cùng, cụ Lê Văn Diệu và cụ Nguyễn Văn Giai cùng 4 chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã hy sinh giữa dòng sông. Con gái liệt sĩ Lê Văn Diệu kể rằng: khi cha chị hy sinh, chị mới lên 4 tuổi. Mẹ con chị đi tản cư bên Đông Anh, khi về làng, biết tin dữ mà không thể tìm được thi hài cha. Câu chuyện đi tìm hài cốt cha, như rất nhiều gia đình liệt sĩ Tứ Tổng, đến một ngày, mừng tủi đón cha về lòng đất quê hương. Từ đó, ngày 19-12-1947 (tức 29 -11 âm lịch) được dân Tàm Xá, Tam Lạc, Tứ Tổng lấy làm ngày “Kỷ niệm trận vong” để tưởng niệm những người đã khuất.

Ngày nay, đến đình Tứ Liên, một di tích văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội trong chân đê sông Hồng, chúng ta sẽ thấy bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết ngày 6-1-1992, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Trung đoàn Thủ đô tặng nhân dân Tứ Liên: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta, cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và riêng bản thân tôi không bao giờ quên công lao đồng bào các xã Tứ Liên, Ngọc Thụy đã dùng thuyền đưa các chiến sĩ quyết tử Hà Nội an toàn, vượt khỏi vòng vây của quân Pháp trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc tháng 12-1947 và sau đó đã anh dũng chống lại trận càn quét khốc liệt của giặc”.

Những câu chuyện như huyền thoại năm xưa vẫn bồi đắp cho cuộc sống hôm nay, cho muôn vàn lộc non chồi biếc dâng trào sức sống mới. Năm 2014, kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, đúng ngày 10-10, biển di tích kháng chiến đã được khánh thành tại bến đò Tứ Tổng xưa (nay là bến gốm), để ghi nhớ và tri ân quân dân Tứ Tổng đã đổ xương máu, góp phần làm nên bản anh hùng ca bất tử của quân dân Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng kiên cường!