Đồng bộ cây xanh tạo nên những tuyến phố văn minh

ANTĐ - Hà Nội sẽ thay thế, chỉnh trang cây xanh trên 16 tuyến phố trung tâm ở 4 quận nội thành. Việc bổ sung, trồng mới nhằm đồng bộ hệ thống cây xanh đô thị, góp phần xây dựng các tuyến phố Thủ đô văn minh, hiện đại hơn, để lại dấu ấn trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.

Đồng bộ cây xanh tạo nên những tuyến phố văn minh ảnh 1Cây cong nghiêng, sâu mục mất an toàn giao thông cần được thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh

Thay thế, trồng mới 1.000 cây xanh đô thị

Theo chủ trương, Hà Nội sẽ đồng loạt thay thế cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây cong nghiêng, cây sâu mục, gây mất ATGT trên 16 tuyến phố thuộc 4 quận nội thành. Số lượng cây thay mới, bổ sung trong đợt này là 1.000 cây xanh bóng mát, đáng nói kinh phí để thực hiện đều từ nguồn vốn  xã hội hóa, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cùng tham gia trồng cây, xây dựng những tuyến phố văn minh. Ông Trần Trọng Hiếu, Trường phòng Môi trường và công trình ngầm, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, qua kiểm tra, khảo sát các tuyến phố trung tâm tại 4 quận nội thành cho thấy, toàn bộ các cây xanh bị thay thế trong đợt này là các cây không thuộc chủng loại cây đô thị do người dân tự trồng như bông gòn, cây dâu da và một số cây xà cừ, cây sấu đã già cỗi, gây mất ATGT, mỹ quan đô thị. Theo quy định mới của TP, loại cây trồng được thay thế sẽ đảm bảo tiêu chuẩn đường kính thân tối thiểu 15cm2, chiều cao 6-8m. 

Một số tuyến phố nằm trong diện được thay thế, trồng mới cây xanh đô thị đợt này như Xã Đàn (đoạn từ Đào Duy Anh tới Hoàng Cầu), trồng 139 cây sấu đã cơ bản hoàn tất, tuyến Nguyễn Thái Học-Kim Mã cũng bổ sung, thay thế 225 câu xanh cong nghiêng, sâu mục… “Không phải kêu gọi vốn xã hội hóa vào việc trồng mới, thay thế cây xanh có nghĩa là bỏ mặc các đơn vị muốn trồng, làm thế nào thì làm mà có sự giám sát của Sở Xây dựng. Cây phải đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn cây đô thị, quy trình trồng ra sao, chăm sóc như thế nào… đều có sự giám sát của Ban duy tu hạ tầng trực thuộc Sở Xây dựng”, ông Trần Trọng Hiếu thông tin. 

Tạo sự đồng bộ, văn minh cây xanh

Đáng nói trong đợt chỉnh trang cây xanh này, Sở Xây dựng Hà Nội đã khảo sát và chọn tuyến phố Nguyễn Chí Thanh để làm điểm, trồng đồng nhất một chủng loại cây đô thị, có giá trị và có tính thẩm mỹ cao. “Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP trồng đồng nhất cây vàng tâm trên phố Nguyễn Chí Thanh, lấy tuyến phố này làm điểm, tạo điểm nhấn cho mặt phố Hà Nội và đã được TP chấp thuận”, đại diện Sở Xây dựng cho hay. 

Cây vàng tâm thân gỗ, rễ cọc, cao 25 - 30m, đường kính 70 - 80cm2. Vỏ màu xám trắng, thịt vàng nhạt. Lá chất da, dày, hình mác - bầu dục dài, rộng 1,5 - 6,5cm. Mùa hoa tháng 3 - 4, mùa quả tháng 9 - 1. Gỗ tốt, thơm, khó mối mọt, khi khô không nẻ cũng không biến dạng. Vàng tâm thuộc nhóm gỗ quý thuộc Sách đỏ, có độ bền cao với tuổi thọ lên tới hàng nghìn năm. Vì vậy, việc chọn cây vàng tâm trồng đồng bộ ở phố Nguyễn Chí Thanh vừa tạo điểm nhấn cho tuyến phố, vừa thực hiện mục tiêu bảo tồn loài cây gỗ quý. 

Phố Nguyễn Chí Thanh hiện có 381 cây xanh nhưng bao gồm 15 chủng loại, trong đó có nhiều cây cong nghiêng gây mất ATGT. Theo ông Trần Trọng Hiếu, trong số 381 cây xanh này, cây không thuộc chủng loại cây đô thị, cây cong, cây sâu mục sẽ được chặt hạ, còn các cây hoa sữa vẫn đảm bảo tiêu chuẩn sẽ được di chuyển về vườn ươm Công viên Hòa Bình để trồng ở các tuyến phố khác. 

Hiện, Công ty Công viên cây xanh đã chặt hạ, di dời được 120 cây trên tuyến phố này, dự kiến trong tháng 3 công việc sẽ hoàn tất. “Đây là tuyến phố đầu tiên trên địa bàn Thủ đô trồng đồng bộ một loại cây xanh. Hy vọng việc này sẽ tạo tiền đề để có thể nhân rộng ra các tuyến phố khác, mang lại sự đồng bộ, mỹ quan đô thị trên toàn địa bàn TP”, đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội bày tỏ.

PGS.TS KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Thay thế cây phù hợp với không gian đô thị

“Về nguyên tắc, việc thay thế cây trong đô thị có thể xảy ra, nhất là với các tuyến phố trồng cây tự phát. Cây xanh là một bộ phận của kiến trúc đô thị, mang lại đặc trưng cho mỗi tuyến phố. Người Pháp hồi xưa trồng cây có ý thức. Ví dụ, với khu vực nhiều trường học, viện nghiên cứu như phố Lý Thường Kiệt thì họ trồng toàn phượng, là biểu trưng cho mùa hè, hoặc trồng những hàng cây sấu theo hướng có thể che nắng được… Phố Thợ Nhuộm, họ trồng rất nhiều bằng lăng, hay ở Tràng Thi trồng nhiều cây bàng… Tôi cho rằng, việc trồng chủng loại cây nào, cách thức trồng ra sao phải phù hợp với không gian đô thị, không xâm hại hệ thống hạ tầng, đồng thời đảm bảo chúng có thể tồn tại lâu và tương đối đồng nhất”. 

KTS Trần Quốc Bảo: Hàng cây “gọi tên” tuyến phố

“Tôi biết từ thời Pháp thuộc, Hà Nội có những loại cây rất đặc trưng cho từng tuyến phố như phố Phan Đình Phùng có cây sấu, Nguyễn Du có cây hoa sữa đã đi vào  thơ ca, âm nhạc… và ngay cả phố nhỏ như Đặng Dung nơi tôi sống cũng có cây xạ hương rất đẹp. Những hàng cây ấy không chỉ có nhiệm vụ tỏa bóng mát, làm đẹp cho tuyến phố mà góp phần “gọi tên” những tuyến phố ấy. Hòa bình lập lại, trên một số tuyến phố, chúng ta đã thay, chặt bỏ một số cây, trồng lại một cách xen kẽ, không theo một trật tự, nguyên tắc nào. Bởi vậy, nếu thành phố có chủ trương trồng cây xanh đồng nhất trên các tuyến phố, chẳng hạn như đường Nguyễn Chí Thanh, tôi thấy rất hay. Cái chính là trước khi chặt bỏ, chúng ta phải có phương án xem chặt rồi thì thay thế bằng những cây gì và đương nhiên, loại cây đó phải có giá trị về mặt môi trường cũng như đảm bảo mỹ quan, diện mạo cho tuyến phố”. 

Diễn viên Hoàng Tùng: An toàn cho người đi đường là trên hết

“An toàn giao thông là trên hết, lý do này hoàn toàn thuyết phục tôi ủng hộ chủ trương xã hội hóa thay thế cây xanh không đúng chủng loại đô thị do Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện. Những yêu cầu khác đối với cây xanh trồng trong nội thành như sự đồng đều về chủng loại trên cùng một tuyến đường, thời gian để tạo nên một con đường đẹp, rợp bóng mát… đều có thể xử lý được. Có những tuyến phố của Hà Nội khá đẹp nhưng trong mùa mưa bão, hàng cây rễ chùm không thuộc chủng loại cây đô thị hai bên đường lại là nỗi lo thường trực cho người đi đường. Cần tính đến việc trồng mới, thay thế cây trên những tuyến phố ấy để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Bà Ngô Ngọc Thư, số nhà 3, ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh: Trồng một loại cây cho đẹp và hiện đại 

“Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương thay thế, đồng bộ cây xanh của UBND  TP Hà Nội. Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là tuyến đường mới, văn minh nhưng hệ thống cây xanh đã qua nhiều năm, hiện chủ yếu cho bóng mát chứ không có giá trị thẩm mỹ. Hơn nữa, hầu hết cây xanh trên tuyến phố này là cây hoa sữa, giá trị không cao, tuổi thọ cây cũng không được lâu như một số cây xanh khác. Mặc dù chưa nắm rõ cây vàng tâm như thế nào, nhưng tôi hy vọng chúng sẽ nhanh cho bóng mát và mang lại vẻ đẹp, hiện đại như chính con phố này”.