Đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng bất thường

ANTĐ - Theo Cơ quan BHXH Việt Nam, đến nay trên cả nước đã có 80% số người lao động đang tham gia BHXH đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Từ đầu năm đến nay, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh, nhiều chiêu “lách luật” để móc tiền từ quỹ BHTN đã xuất hiện.

Nhiều lao động được giải quyết trợ cấp thất nghiệp (Ảnh minh họa)

Nhiều chiêu lách luật

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH -  BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 8-2012, số người tham gia BHTN đạt gần 8,07 triệu, chiếm 80% số người lao động đang tham gia BHXH. Tổng thu BHTN từ đầu năm đến nay là 4.065 tỷ đồng. Đặc biệt, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng năm tăng nhanh (năm 2011 tăng 160% so với năm 2010, quý I-2012 tăng 50% so với cùng kỳ 2011). Đối tượng chủ yếu là người có thời gian đóng BHTN đủ 12-36 tháng, lao động nữ chiếm gần 60%. Nguyên nhân được chỉ ra là do tác động của những biến động kinh tế hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, số người mất việc tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp lớn. Bên cạnh đó đã xuất hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khiến cho nhiều đối tượng dù “thất nghiệp ảo” nhưng hưởng BHTN với mức cao.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm nay, có 298.200 người lao động đã được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền lên đến hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản chi hỗ trợ học nghề cho cơ sở dạy nghề để đào tạo người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lại rất thấp, số lượng người học nghề để tìm kiếm công việc mới càng thấp hơn, chỉ bằng 0,2% so với tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đáng chú ý, lợi dụng quy định về điều kiện hưởng BHTN còn chưa cụ thể, chưa xét tới nguyên nhân bị thất nghiệp nên nhiều người lao động tự ý xin nghỉ việc để hưởng BHTN sau đó quay trở lại làm việc tại chính đơn vị đó. Thậm chí, chủ sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động làm thủ tục hưởng BHTN (để ăn chia) nhưng thực tế người lao động vẫn làm việc bình thường tại đơn vị, hoặc chủ sử dụng lao động bố trí cho người lao động nghỉ việc từng đợt để giải quyết BHTN.

Đặc biệt, qua giám sát kiểm tra, BHXH Việt Nam nhận thấy xuất hiện tình trạng mức tiền lương đóng BHTN trong 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc của người lao động tăng cao bất thường (mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung), sau đó nghỉ việc hưởng BHTN ở mức cao, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quỹ BHTN. 

Sẽ thanh tra BHTN

Không “bắt tay” nhau để trục lợi từ quỹ BHTN, nhiều doanh nghiệp nhỏ lại tìm cách trốn đóng BHTN cho người lao động. Theo quy định hiện nay, ở các đơn vị sử dụng dưới 10 lao động, người lao động có giao kết hợp đồng lao động trên 12 tháng thì không được tham gia BHTN. Lợi dụng điều này, không ít doanh nghiệp cố tình khai giảm số lượng lao động xuống dưới 10 người để trốn đóng BHTN, nhiều lao động thực tế đang làm việc tại doanh nghiệp đó nhưng không có tên trong sổ lương của doanh nghiệp khiến cơ quan BHXH khó khăn trong công tác thu BHTN. Từ đầu năm đến nay, số nợ BHTN của các doanh nghiệp tăng cao, vào khoảng hơn 415 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ BHTN ở khu vực hành chính, sự nghiệp lại phổ biến hơn ở các khối khác.

Ông Được cho rằng, trong việc quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động, tiền lương, tiền công, còn  tình trạng doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng lao động, do đó khả năng phát hiện lao động thực sự có làm việc ở doanh nghiệp là rất khó khăn nếu chủ doanh nghiệp cố tình vi phạm. Tới đây, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường thanh, kiểm tra một số đơn vị. Nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm nghiêm trọng, BHXH Việt Nam sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, truy tố trước pháp luật.

Một vấn đề mà người lao động hết sức quan tâm là trong thời gian qua, dù công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp đã đi vào nề nếp song quy trình chi trả trợ cấp chưa thực sự thuận lợi cho người lao động.

Cụ thể, muốn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đi lại nhiều lần giữa 2 cơ quan: làm thủ tục đăng ký thất nghiệp ban đầu, hàng tháng thông báo tình trạng việc làm với trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, thành phố và nhận trợ cấp thất nghiệp tại cơ quan BHXH. Ở một số địa phương, việc phối hợp giữa cơ quan lao động và cơ quan BHXH trong thực hiện chính sách BHTN còn chưa chặt chẽ, dễ dẫn đến việc giải quyết hưởng BHTN còn chậm trễ hoặc sai sót trong tính toán mức trợ cấp, thiếu thông tin về người lao động, dẫn đến người lao động phải đi lại nhiều lần. Ngoài ra, thời hạn đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng BHTN quá ngắn nên trong nhiều trường hợp người lao động không kịp thực hiện thủ tục, không đủ thời gian tìm việc làm mới.