Dồn sức khắc phục hậu quả bão số 1

ANTĐ - Đêm 28-7 và rạng sáng 29-7, mưa lớn tiếp tục trút xuống các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và trung du miền núi phía Bắc gây sạt lở, lũ quét tại một số địa phương. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố trong ngày 29-7 đã dồn tổng lực khắc phục thiệt hại của cơn bão số 1 gây ra trước đó.

Các lực lượng cùng tham gia dọn dẹp cây xanh gãy, đổ trên địa bàn Hà Nội

Nhiều tỉnh thiệt hại nặng

Trong ngày 29-7, các địa phương khu vực đồng bằng Bắc bộ tập trung khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão số 1 gây ra về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống cây xanh đô thị, lưới điện.

Ngày 29-7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa yêu cầu báo cáo phân tích, đánh giá nguyên nhân, tồn tại và đề xuất các giải pháp trong việc triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả đối với các thiệt hại chính do bão số 1 gây ra và đề xuất hỗ trợ cụ thể để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đặc biệt với những nội dung hỗ trợ khẩn cấp trước 14h ngày 1-8.

Nam Định là địa phương chịu thiệt hại lớn nhất trong đợt bão số 1. Đến chiều 29-7, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Nam Định Trần Mạnh Sỹ cho biết, bão số 1 với sức gió mạnh cấp 12 giật cấp 13 kèm theo mưa lớn đã gây hư hỏng nặng cho đường dây trung áp và hạ áp, dẫn đến mất điện tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định trong đêm 27, rạng sáng 28-7. Ước tính, thiệt hại của ngành điện lực lên tới gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Nam Định có 74.100 ha lúa mùa ở 220 xã bị ngập úng, hơn 8.500ha hoa màu bị dập nát, nhiều diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị ngập lụt, mất trắng.

Hà Giang 3 người chết và mất tích

Tại tỉnh Hà Giang, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 từ 28 đến trưa 29-7, tại huyện Hoàng Su Phì xảy ra mưa to đến rất to kéo dài tại nhiều nơi, gây sạt lở đất vào một nhà dân tại thôn Na Van, xã Pờ Ly Ngài, huyện Hoàng Su Phì, khiến anh Lù Tờ Sơn, 40 tuổi tử vong. Cùng lúc, huyện này phải  huy động các lực lượng để tìm kiếm 2 người khác bị mất tích do lũ cuốn trôi tại thôn Nắm Na, xã Bản Nhùng.

Mưa nặng hạt kéo dài cộng địa hình dốc đứng tạo ra lũ dồn đã gây sạt lở 35m mặt đường quốc lộ 4, đoạn qua xã Thanh Đức của huyện Vị Xuyên (Hà Giang), gây chia cắt giao thông đi cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Các xã Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải bị cô lập. Mưa lũ cũng làm sạt lở hơn 4.000m3 đất đá tại nhiều tuyến đường giao thông liên xã tại huyện Xín Mần. 

Còn tại Hà Nội, trong ngày 29-7, các lực lượng chức năng tiếp tục dọn dẹp số cây xanh bị gãy, đổ gây cản trở giao thông trên các tuyến phố, tập trung tháo nước tiêu úng tại một số khu vực sản xuất nông nghiệp. Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, từ sáng 29-7, công ty đã huy động 100% công nhân, phương tiện, thiết bị tham gia công tác khắc phục.

Tính đến 17h cùng ngày, Công ty đã huy động 1.079 công nhân, 79 xe cuốn ép, 11 xe  quét hút lớn và 6 xe quét hút nhỏ tham gia dọn dẹp tại 426 điểm thuộc 4 quận nội thành. Tổng khối lượng vận chuyển trong ngày 28 và đến 17h ngày 29-7 là 773 tấn rác thải, cành cây. 

Cũng trong ngày 29-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ngoài khơi Philippines vừa hình thành một áp thấp nhiệt đới. Trong ngày 30-7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 13h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 124,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9. Ngày 31-7, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và di chuyển về khu vực Biển Đông.