VỤ BỐ BẠO HÀNH CON TẠI HẢI PHÒNG:

Đòn roi không thể dạy thành người

ANTĐ - Những ngày gần đây, việc cháu Bùi Xuân Thuận, SN 2000, học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Đồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng bị bố đẻ là Bùi Xuân Phong, SN 1978 đánh đập nhiều lần với hình thức răn đe khắc nghiệt đã khiến dư luận xôn xao.


Thương cho roi vọt…

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Dụn, SN 1950, ở đội 2, thôn Minh Kha, xã Đồng Thái khi bà và 2 cháu Bùi Xuân Thuận, SN 2000 và Bùi Xuân Lợi, SN 2006 đang chuẩn bị nấu cơm tối. Trong căn nhà mái bằng khang trang, bà Dụn cho biết, vụ việc bắt nguồn từ buổi học ngày 11-10-2011, khi cô Đinh Thị Huế, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, trường Tiểu học Đồng Thái phát hiện một số vết thương trên cánh tay Bùi Xuân Thuận. Sau đó, cô giáo đã thông báo cho bà Nguyễn Thị Dụn, bà nội của Thuận đã đưa cháu đến trụ sở công an xã trình báo.

Tại công an xã, Thuận kể lại, ngày 6-10, Thuận lấy điện thoại của người chú tên là Bùi Xuân Phương, SN 1993 để chơi điện tử. Trong lúc Thuận đang chơi thì anh Phong đi làm về. Thấy vậy, Thuận liền vứt điện thoại ở khu vực đầu hồi nhà. Thấy điện thoại không có ở trên bàn, anh Phương đi tìm quanh nhà nhưng không thấy liền hỏi Thuận. Do sợ hãi, Thuận nói dối là không lấy. Trước tình thế trên, anh Phong liền gọi vào số máy của anh Phương thì thấy điện thoại đổ chuông. Sau khi tìm được điện thoại, anh Phong gặng hỏi con trai về nguyên nhân chiếc điện thoại bỗng nhiên “di chuyển” ra vườn thì Thuận một mực nói không biết. Trong lúc bực tức, anh Phong liền lôi Thuận vào nhà, lột hết quần áo bắt nằm sấp lên giường rồi lấy dây điện vụt liên tiếp. Hậu quả của trận đòn trên là những vết bầm tím, sưng tấy hằn trên lưng và mông của Thuận. Khi được hỏi, Thuận cho biết em vẫn cảm thấy đau ở tay, mông, đùi do những vết đòn chưa lành sẹo.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Ban Công an xã Đồng Thái đã điều tra, xác minh vụ việc đồng thời đưa nạn nhân đến khám tại bệnh viện Đa khoa huyện An Dương. Kết quả khám thương cho thấy, Thuận bị nhiều vết bầm tím tại cánh tay, cẳng tay, lưng và hai mông. Công an xã Đồng Thái đã triệu tập anh Phong lên làm việc. Tại cơ quan công an, anh Phong thừa nhận hành vi đánh cháu Thuận do quá bực tức trước sự thiếu trung thực của con. Về việc người dân đồn thổi anh Phong bắt cháu Thuận ăn phân, anh Phong giải thích gần đây, do phát hiện thấy Thuận có một số biểu hiện gian dối, lười học, mải chơi, anh đã nghĩ ra việc mang một bát cơm và một bát phân để răn dạy con trai chứ không đe dọa, bắt cháu ăn thật. Tuy nhiên, cách dạy con như trên của anh Phong đã vượt quá giới hạn của phương pháp giáo dục trẻ con, thậm chí có phần phản giáo dục.

Gia đình không trọn vẹn

Qua tìm hiểu được biết, Bùi Xuân Phong là con trai duy nhất của ông Bùi Xuân Nạp, SN 1954 và bà Nguyễn Thị Dụn. Khi Phong lên 3 tuổi, 2 ông bà sống ly thân. Từ đó, Phong sống với mẹ đẻ. Năm 1997, khi vừa tròn 19 tuổi, Phong lên đường nhập ngũ. Trong thời gian đóng quân tại Thái Bình, Phong đã làm quen và yêu chị Vũ Thị Mịch, SN 1977. Năm 2000, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, Phong đã lập gia đình với chị Mịch. Trong thời gian chung sống, chị Mịch đã sinh 2 con trai là Thuận và Phong.

Tháng 3-2007, sau khi vợ mất vì ung thư, anh Phong xin vào làm công nhân tại Công ty cổ phần Xếp dỡ An Hải và làm việc trong Cảng Hải Phòng. Do thường xuyên làm việc theo ca, kíp nên Phong ủy thác việc chăm sóc, nuôi dạy 2 con trai cho mẹ. Năm 2008, anh Phong làm quen và nảy sinh tình cảm với Trần Thị Nhung, SN 1985, trú tại xã Hồng Phong, huyện An Dương. Hai người về sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Nhiều lần anh Phong ngỏ ý muốn đăng ký cho hợp tình, hợp lý nhưng Nhung không đồng ý. Không chấp nhận con dâu không hôn thú, bà Dụn ra điều kiện, nếu Phong quyết tâm sống với Nhung thì phải ra khỏi nhà. Trước tình cảnh trên, Phong dắt “vợ” đi thuê nhà trọ. Trong khi Phong mải miết với công việc thì Nhung lại buôn bán chụp giật, không trả tiền cho chủ hàng khiến nhiều chủ nợ đã kéo đến nhà trọ đòi nợ. Quá bất ngờ và hụt hẫng, Phong đã chia tay Nhung. Đến đầu năm 2011, Phong kết hôn lần thứ 3 với chị Nguyễn Thị Hương, SN 1976, một thợ may tại địa phương. Đôi vợ chồng dắt nhau về mảnh đất của tổ tiên để lại làm tạm gian nhà cấp 4 sinh sống. Được sự giúp đỡ của bạn bè, Phong xây được căn nhà nhỏ tránh mưa nắng…

Trao đổi với phóng viên, người đàn ông 33 tuổi ấy không giấu được nỗi buồn và những tiếng thở dài. Anh cũng không ngờ được rằng mình vừa gây ra một chuyện “động trời’ đến vậy. Anh cho biết, do được bà nuông chiều nên Thuận có biểu hiện hư như: hay ăn quà vặt, hay nói chuyện riêng trong lớp, không làm bài về nhà thậm chí là lấy trộm tiền. “Sau khi biết chuyện, tôi đã nhốt cháu vào nhà vệ sinh và tát mấy cái vào mặt.

Ngày 29-6, thấy cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo Thuận làm thiếu bài về nhà, trong lúc tức giận tôi đã gọi cháu vào nhà đưa ra một bát cơm và một bát phân để cháu lựa chọn. Lúc đó tôi chỉ nghĩ “dọa” như vậy để cháu sửa chữa lỗi lầm chứ không có ý gì. Nhưng điều khiến tôi đau lòng nhất là Thuận có tính gian dối, ăn cắp vặt. Năm cháu học lớp 2, các bạn trong lớp đã báo cho tôi là Thuận lấy trộm 5000 đồng của bạn cùng lớp. Không chỉ có vậy, mới đây, Thuận đã dám lấy trộm 500.000 đồng của bà nội để mua quà vặt và đồ chơi. Sự việc giấu điện thoại chỉ là giọt nước làm tràn ly. Vợ chồng tôi thực sự bị sốc. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tôi vẫn muốn giáo dục con nên người, chăm chỉ học hành để cuộc đời đỡ khổ”, anh Phong tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hương cũng chia sẻ, hai vợ chồng thật sự muốn chăm lo cho cháu thành người tử tế, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Mới đây, vợ chồng anh Phong đã soạn hẳn một “Biên bản về tội ăn cắp” bao gồm 10 điều qui định những việc không được làm như: không trộm cắp, không nói dối, không sử dụng điện thoại di động, không ăn quà vặt… để Thuận chép lại và làm theo.

Giáo dục con cái là trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ, nhưng phương pháp giáo dục phải khoa học mới mang lại hiệu quả. Hành động trên của anh Phong đáng bị lên án, tuy nhiên, đây cũng là bài học đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục con cái nhất là các cháu trong độ tuổi mới lớn.