Dọn rác… vũ trụ

ANTĐ - Dự án làm sạch không gian mang tên “CleanSpace One” mà các nhà khoa học đang triển khai thực hiện không chỉ góp phần làm sạch không gian mà còn gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề rác thải vũ trụ quanh hành tinh chúng ta.

Mỗi con tàu vũ trụ hết thời gian sử dụng có thể tạo ra rất nhiều mảnh rác

nguy hiểm trên vũ trụ bao quanh Trái đất

Trường Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne của Thụy Sĩ (EPFL) ngày 17-2 cho biết, các nhà khoa học của trường đang thực hiện dự án làm sạch không gian bao quanh trái đất mang tên  “CleanSpace One”. Dự án nhằm chế tạo các vệ tinh nhỏ có khả năng đi tìm các mảnh vỡ trong vũ trụ để đưa nó ra khỏi quỹ đạo cũ rồi phá hủy trong bầu khí quyển của Trái đất.

Giáo sư của trường EPFL đồng thời là chuyên gia hàng không vũ trụ Claude Nicollier cho rằng, những mảnh vỡ còn lại của các vệ tinh hoặc tên lửa đang là mối nguy hiểm cho các hoạt động nghiên cứu và khai thác vũ trụ của loài người. Giáo sư Nicollier kêu gọi đã tới lúc con người phải hành động nhằm giảm số lượng các mảnh vỡ trong không gian bao quanh Trái đất.

Dự án của trường EPFL được triển khai khi mà tình trạng rác thải vũ trũ đã thực sự trở thành vấn đề báo động. Theo số liệu công bố khi kết thúc Năm Quốc tế du hành vũ trụ (2011), hiện trên quỹ đạo gần Trái đất đang có hơn 16.000 vật thể có nguồn gốc nhân tạo có kích thước trên 10 cm. Trong số này có 3.000 vệ tinh đang hoặc không hoạt động, hơn 13.000 tầng động cơ, khối và mảnh vụn tên lửa đẩy.

Ngoài số lượng các vật thể có kích thước có thể gây nguy hiểm cho các con tàu và vệ tinh vũ trụ trên, còn một số lượng lớn hơn rất nhiều các vật thể rác kích thước từ 1-10 cm do nhân tạo hoặc từ vũ trụ “trôi dạt” tới vào khoảng 200.000 - 600.000. Những loại rác nhỏ hơn nữa được giới chuyên gia cho là có thể lên tới hàng chục triệu.

Liên Xô trước đây và Nga hiện nay được xem là nước để lại trên quỹ đạo nhiều rác thải vũ trụ nhất với hơn 6.000 đơn vị (tính cả các nước khác là thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG). Tiếp đến là Mỹ với gần 5.000 đơn vị, Trung Quốc với hơn 3.600 đơn vị; còn lại là Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác...

Rác thải vũ trụ, với tốc độ bay lên tới 28.000 km/giờ là nguy cơ rình rập đối với những thiết bị vũ trụ đang hoạt động trên quỹ đạo gần Trái đất, trong đó có Trạm vũ trụ quốc tế ISS nơi thường xuyên có người làm việc. Vì thế, dọn rác vũ trụ đã trở thành vấn đề được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế quan tâm.

Theo dự án của trường EPFL, các nhà khoa học Thụy Sĩ sẽ triển khai dự án “CleanSpace One” trong khoảng 3-5 tháng tới để chế tạo các vệ tinh nhỏ có khả năng tìm các mảnh vỡ trong không gian để đưa nó ra khỏi quỹ đạo cũ và phá hủy trong khí quyển của trái đất. Trước đó, Cơ quan Không gian Nhật Bản (JAXA) dự định sử dụng... lưới đánh cá khổng lồ có kích thước vài kilômét để thu gom rác vũ trụ, sau đó đưa vào bầu khí quyển quanh Trái đất để thiêu hủy.

Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia của Nga cũng đã thiết kế tàu kéo chạy bằng năng lượng hạt nhân để dọn rác vũ trụ, song đang khó khăn về vấn đề tài chính bởi chi phí để chế tạo tàu kéo vũ trụ có công suất 500 KW này sẽ mất khoảng 60 tỷ rúp (gần 2 tỷ USD).