Đòn giáng vào sự vô trách nhiệm của các “ông lớn” công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Việc Liên minh châu Âu (EU) công bố các dự thảo luật mới nhằm siết chặt quản lý các công ty công nghệ hàng đầu của thế giới như Google, Facebook, Amazon… được trông đợi là đòn giáng mạnh và cần thiết vào những “ông lớn” công nghệ vô trách nhiệm trong quản lý nội dung cung cấp trên nền tảng cũng như nghĩa vụ đóng thuế.

Hai dự thảo luật của EC được cho là đòn giáng mạnh vào các “ông lớn” công nghệ của thế giới

Hai dự thảo luật của EC được cho là đòn giáng mạnh vào các “ông lớn” công nghệ của thế giới

Các “ông lớn” công nghệ toàn cầu phải tuân thủ “luật chơi”

Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) - sau thời gian dài nghiên cứu và xây dựng đã công bố hai dự thảo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) với nội dung cập nhật các quy định quản lý không gian trực tuyến nêu trong Hướng dẫn thương mại điện tử được thông qua từ năm 2000, thời điểm các hãng công nghệ lớn chưa xuất hiện hoặc mới hình thành. Đây được xem là biện pháp bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý với các “ông lớn” công nghệ toàn cầu được cho là nghiêm ngặt và tham vọng nhất tới nay của EU nhằm cải tổ thị trường số, trong đó làm thay đổi cơ bản cách thức vận hành của các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Hai dự thảo luật DSA và DMA đề ra những quy định nghiêm ngặt mà các hãng công nghệ phải tuân thủ khi hoạt động tại tất cả 27 quốc gia thành viên EU, với những khoản phạt khổng lồ hoặc cấm hoạt động tại thị trường châu Âu. DMA quy định các nền tảng trực tuyến có hơn 45 triệu người dùng cá nhân đăng nhập hằng tháng hoặc 10.000 người dùng doanh nghiệp tại EU được xếp vào nhóm "gác cổng", theo đó phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo một môi trường trực tuyến công bằng cho các doanh nghiệp và khách hàng.

DMA sẽ tăng quyền hạn của EC để thúc đẩy thực thi các luật cạnh tranh nhanh hơn, yêu cầu các hãng công nghệ minh bạch thông tin về các thuật toán và quá trình xử lý dữ liệu người dùng. Trong khi đó, DSA tăng quyền hạn của cơ quan hành pháp của EU trong xử lý những nền tảng truyền thông xã hội cho phép đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật như các bài đăng tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan, phát ngôn thù hận, thông tin sai lệch và khiêu dâm trẻ em. Theo đó, EC có thể yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ những nội dung sai phạm, minh bạch trong hoạt động quảng cáo...

Trong các dự thảo luật đưa ra những chế tài mạnh đối với các “ông lớn” công nghệ vi phạm như có những điều khoản như phạt tối đa 10% doanh thu nếu vi phạm quy tắc cạnh tranh nghiêm trọng nhất, hoặc phạt 6% doanh thu hoặc cấm hoạt động tạm thời tại thị trường EU nếu vi phạm nghiêm trọng và tái diễn vi phạm gây nguy hại an ninh của các công dân châu Âu. Với mức phạt này, số tiền phạt có thể lên tới nhiều chục tỷ USD trong trường hợp vi phạm vì doanh thu của tập đoàn Amazon năm qua lên tới gần 300 tỷ USD.

Dù EC còn bảo mật danh sách những “ông lớn” công nghệ chịu chế tài theo hai dự thảo luật nhưng các nguồn thạo tin cho biết, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon, Apple, Microsoft và SnapChat của Mỹ, Alibaba và Bytedance của Trung Quốc, Samsung của Hàn Quốc và Booking.com của Hà Lan… có thể được đưa vào nhóm này.

Ủy viên EU phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager cho biết, hai dự thảo luật mới giúp EC quản lý các hãng công nghệ với mục đích ổn định trật tự và kiềm chế “ông lớn” lấn át thị trường, qua đó tạo một môi trường dịch vụ trực tuyến an toàn và đáng tin cậy, đảm bảo các quyền của người dùng.

Hai dự thảo luật mới sẽ phải trải qua một quy trình phê chuẩn kéo dài và phức tạp, trong đó các quốc gia thành viên của EU, Nghị viện châu Âu (EP)... Tuy nhiên, dư luận chung kỳ vọng các dự thảo luật sẽ được thông qua để EU là một trong những khu vực đi đầu trong nỗ lực buộc các “ông lớn” công nghệ toàn cầu phải tuân thủ “luật chơi”.

Xử lý nghiêm nếu vi phạm pháp luật

Quản lý và buộc các tập đoàn công nghệ phải tuân thủ luật pháp quốc gia sở tại là bài toán nan giải lâu nay đối với các quốc gia trên thế giới. Tại nước ta, quản lý hoạt động các dịch vụ xuyên biên giới cũng là vấn đề bức xúc lâu nay. Người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong lĩnh vực này đã phải không ít lần trả lời chất vấn tại Quốc hội. Trong quản lý các dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam nổi lên 2 vấn đề lớn, đó là vấn nạn tin giả, tin xấu độc vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục… và không nộp thuế, phí theo quy định.

Bộ Công an cho biết trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng thuộc Bộ phát hiện gần 790.000 tin, bài viết, video có nội dung xấu độc, sai sự thật trên các trang mạng xã hội. Cũng trong 6 tháng qua, lực lượng công an đã phát hiện gần 790.000 tin, bài viết, video có nội dung xấu độc, sai sự thật vi phạm pháp luật, nhất là “cơn bão tin giả” liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19. Lực lượng chức năng đã xác minh, đấu tranh với gần 1.500 đối tượng; khởi tố 17 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính gần 470 đối tượng cóhành vi tung tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc cứng rắn với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu, độc. Với sự quyết liệt của cơ quan chức năng, tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95%, của YouTube là từ 50% lên 90%. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017 và số lượng gỡ bỏ video xấu độc trên YouTube năm 2020 tăng 8 lần so với 2017. Tuy nhiên, tin giả, tin xấu độc vi phạm pháp luật hiện vẫn là một vấn nạn tại nước ta khi tiếp tục lan tràn trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội với khoảng 64 triệu tài khoản Facebook và khoảng 35 triệu tài khoản YouTube. Nước ta do đó là một thị trường lớn, mang lại nguồn thu lớn cho các “ông lớn” công nghệ thế giới, song họ lại không chịu đóng thuế, phí như các công ty khác hoạt động tại nước ta. Trong đó, riêng 4 công ty lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple đã phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế, phí hoặc đóng hoàn toàn không tương xứng với doanh thu.

Hiện các cơ quan chức năng Việt Nam đang khẩn trương xây dựng các điều khoản pháp lý để quản lý, bảo đảm các hoạt động của dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ theo luật pháp. Để tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe đối với các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, đang chờ Chính phủ xem xét ban hành. Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng áp dụng các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trên không gian mạng.

Cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang lấy ý kiến đóng góp, xây dựng các dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định đã có liên quan đến việc quản lý, hoạt động của các dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam. Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không cấm dịch vụ xuyên biên giới, nhưng nếu nội dung cung cấp trên dịch vụ này xâm hại đến lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam thì sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.