Ông Lê Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch:

"Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh là xu hướng toàn cầu"

ANTD.VN -Chính sách miễn thị thực (visa) cho công dân 5 quốc gia thuộc khu vực châu Âu sẽ hết hiệu lực vào ngày 30-6-2018. Nhiều địa phương, hiệp hội, bộ, ngành… gần đây liên tiếp kiến nghị Chính phủ tiếp tục miễn visa áp dụng đối với các nước trên cũng như mở rộng chính sách với công dân các nước khác. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tuấn Anh – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch xoay quanh vấn đề này.

"Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh là xu hướng toàn cầu" ảnh 1

Ông Lê Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch

PV: Xin ông cho biết một vài đánh giá về việc thực hiện chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu trong thời gian vừa qua?

Ông Lê Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch: Chúng tôi đã có những đánh giá sơ bộ và nhận định, cùng với những cố gắng nỗ lực xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm của ngành Du lịch Việt Nam hướng đến thị trường châu Âu, việc miễn thị cho 5 nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha trong thời gian vừa qua có tác động rất tích cực.

Số liệu thống kê đã chỉ rõ, từ khi được miễn thị thực nhập cảnh (7-2015), tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu tăng 1,3 lần trong giai đoạn 2015-2017, từ 659.000 lượt lên 866.000 lượt, tăng trung bình 15%/năm, so với 5,01% giai đoạn 2010-2015.

Quan trọng hơn, chính sách miễn thị thực cho 5 quốc gia châu Âu tạo ra một hình ảnh đất nước Việt Nam cởi mở, mến khách, mong muốn chào đón khách du lịch, các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Trong các chương trình tiếp xúc đối với các đối tác châu Âu, chúng tôi nhận thấy rõ sự thiện cảm hơn về đất nước, con người Việt Nam thông qua chính sách này.

- Thưa ông, việc miễn thị thực có phải là lời giải thỏa đáng cho bài toán cạnh tranh về thị trường du lịch giữa Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực không? Ông có bình luận gì khi một số quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia…miễn thị thực cho công dân nhiều nước, tính ra gấp hai, gấp ba lần Việt Nam hiện nay? 

Để cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực và trên thế giới, có nhiều việc phải làm, từ phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, kết nối giao thông, bảo đảm chất lượng dịch vụ, môi trường, an ninh, an toàn… Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách du lịch quốc tế tiếp cận điểm đến du lịch Việt Nam.

Việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh là xu hướng chung trên thế giới hiện nay. Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tỷ lệ du khách cần thị thị thực nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới đã giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 58% năm 2016 (so với 61% năm 2015). Trong giai đoạn 2015-2016, khoảng 85% các nước đã áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh.

Việt Nam cũng đang theo xu hướng thế giới áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, tuy nhiên còn rất hạn chế so với các nước trong khu vực. Trong khi Việt Nam hiện đang miễn thị thực cho công dân 24 nước, Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ, Malaysia miễn thị thực cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ, Singapore miễn thị thực cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ, Indonesia miễn thị thực cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ, Bru-nây miễn thị thực cho công dân 58 nước và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, các nước đều có chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử (E-Visa) rất thuận lợi.

Chính sách miễn thị thực góp phần thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam

- Có ý kiến cho rằng, việc miễn thị thực nếu được áp dụng rộng rãi cũng sẽ dẫn đến việc khó quản lý khách du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là khi đưa ra một chính sách cần tính đến cả những lợi ích và cả những thách thức cần phải vượt qua. Tuy nhiên, theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), không có mối liên hệ giữa việc miễn thị thực nhập cảnh và mức độ mất an toàn, an ninh quốc gia.

Trong thực tế, các vấn đề xảy ra trên thế giới thường do những nguyên nhân khác về kinh tế, xã hội của riêng các quốc gia. Hơn nữa, khi việc đi lại được thuận lợi, giao lưu được thúc đẩy cùng với sự chia sẻ thông tin, hiểu biết lẫn nhau giữa các nước được tăng cường, quan hệ kinh tế thương mại, ngoại giao, chính trị giữa các nước càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn, từ đó tạo cơ hội nâng tầm, thúc đẩy hội nhập, cạnh tranh bình đẳng với các nước.

- Còn chưa đầy 3 tháng nữa, chính sách miễn thị thực (visa) cho công dân 5 quốc gia thuộc khu vực châu Âu sẽ hết hiệu lực. Trước thời điểm quan trọng này, nhiều Bộ, ban, ngành, các hiệp hội lữ hành, đơn vị du lịch…đều bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách này cũng như mở rộng chính sách tương tự với công dân nhiều nước khác. Ông có thể cho biết quan điểm trong việc “nới lỏng” chính sách visa?

Từ thực trạng và lợi ích của việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, tôi cho rằng chính sách thị thực nhập cảnh của Việt Nam cần đơn giản, thông thoáng hơn, nhất là trong bối cảnh yêu cầu hội nhập quốc tế sức ép cạnh tranh với các nước khác ngày càng cao. 

Đối với 5 nước Tây Âu, chính sách miễn thị thực trong 1 năm hiện nay mang tính ngắn hạn trong khi các kế hoạch kinh doanh thường theo chiến lược trung hạn (3-5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm) để các doanh nghiệp có phương án đầu tư nguồn lực và sắp xếp kế hoạch kinh doanh. Vì vậy, chính sách ngắn hạn mới chủ yếu thu hút khách đi lẻ; các doanh nghiệp tổ chức khách theo đoàn lớn vẫn còn dè dặt, chờ đợi chính sách dài hạn, ổn định của Việt Nam.

Trong các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp nêu câu hỏi về chính sách thị thực đối với 5 nước Tây Âu từ tháng 7-2018. Chúng tôi không thể trả lời rõ vấn đề nêu trên. Vì vậy, thông tin đến thị trường không được rõ ràng, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch.

Từ thực tế nêu trên, tôi cho rằng ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong thời gian vừa qua là chính đáng.

- Vậy Tổng cục Du lịch đã có những kiến nghị gì với Chính phủ về chính sách thị thực trong thời gian tới chưa, thưa ông?

Là cơ quan đề xuất các chính sách về phát triển du lịch nói chung và tham gia ý kiến đối với chính sách thị thực nhập cảnh nói riêng, việc đề xuất các quan điểm, chính sách là các nhiệm vụ thường xuyên, qua nhiều diễn đàn, phiên họp, tham vấn ý kiến giữa các Bộ, ngành liên quan.

Riêng đối với chính sách thị thực nhập cảnh cho 5 nước Tây Âu, tôi cho rằng cần gia hạn thời gian áp dụng miễn thị thực, thực hiện trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, cần xem xét mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực; tiến tới áp dụng chính thức, rộng rãi cấp thị thực điện tử; áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu không cần chấp thuận trước; sửa đổi các quy định của pháp luật để kéo dài thời gian lưu trú đối với khách du lịch được miễn thị thực đơn phương từ 15-30 ngày; không yêu cầu chỉ được miễn thị thực khi thời gian nhập cảnh cách thời gian xuất cảnh lần trước ít nhất 30 ngày.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!