Đôi vợ chồng lạc nhau suốt hơn nửa thế kỷ

ANTĐ - Biệt tin nhau hơn 50 năm, cuộc hội ngộ của 2 vợ chồng cứ như chuyện cổ tích. Người chồng ròng rã gần cả đời tìm kiếm, vượt hàng vạn km mới tìm được vợ con khi đã xấp xỉ bách niên.

Đôi vợ chồng lạc nhau suốt hơn nửa thế kỷ ảnh 1Hai vợ chồng sau 50 năm bặt tin nhau

Thời gian không trở lại

Ở cuối thôn, căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Minh Tú (SN 1930, trú thôn Phước Hà, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói, trò chuyện của bà con, láng giềng khi biết tin ông lão gần 90 tuổi tìm được vợ con sau gần 50 năm thất lạc. 

Kể chuyện với chúng tôi, ông lão nghẹn ngào không giấu nổi niềm vui. Hơn 60 năm trước, ở tuổi đôi mươi ông Tú vào Sài Gòn lập nghiệp. Cuộc sống chưa thay đổi được gì thì đến năm 1958, ông bị chính quyền chế độ cũ bắt đi lính. Năm 1960, trong thời gian đang đóng quân ở Bến Cát, Bình Dương thì ông Tú có quen với cô thôn nữ Nguyễn Thị Loan (SN 1942, trú tại ấp Vườn Ngô, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), người mà sau đó hơn 1 năm ông cưới làm vợ khi đang đóng quân ở Củ Chi. Hai vợ chồng ông Tú có với nhau tất cả 4 người con. Sau đó ông bị điều chuyển đi khắp nơi. Rồi ông bị thương. Ông cũng không ngờ từ ngày bị thương, mọi liên lạc với vợ con bị cắt đứt, khiến gia đình ông ly tán đến gần nửa thế kỷ. 

Cũng trong thời gian này, ông Tú được một người phụ nữ cùng quê chủ động làm quen. Dù ông nói rõ bản thân mình đã có vợ và 4 đứa con nhưng cô gái kia vẫn quyết đến với ông. Thấy tình cảm của cô gái với mình hết sức sâu đậm, ông không nỡ từ chối. Thế nhưng mãi đến khi hòa bình lập lại, khi mọi hy vọng tìm được vợ con không còn nữa ông mới quyết định xây dựng gia đình với người vợ thứ hai rồi sinh thêm 6 người con với bà. Cuộc sống kinh tế thời bao cấp vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn với vợ chồng ông Tú, khi cả tám miệng ăn của gia đình trông cả vào mấy sào ruộng một vụ. 

Trong lúc đó, người vợ đầu của ông Tú cũng hết sức đau khổ khi bặt tin chồng mấy chục năm. Bà Loan cũng đi thêm bước nữa, và có thêm một cô con gái với người chồng sau này.

Đôi vợ chồng lạc nhau suốt hơn nửa thế kỷ ảnh 2Tấm ảnh vợ chồng ông giữ bên mình gần 50 năm qua

Hành trình tìm vợ trong vô vọng

Mải lo nghĩ cho cuộc sống nhưng trong tâm trí của ông không lúc nào thôi nghĩ về bà Loan và các con của mình. Suốt gần 50 năm biệt ly đó, lúc nào ông cũng nung nấu suy nghĩ tìm bằng được vợ và các con. Càng lớn tuổi, mong muốn tìm vợ con trong tâm trí ngày càng lớn hơn.

Thế nhưng, mãi đến năm 1997 ông mới có điều kiện để bắt đầu cuộc tìm kiếm. Nhưng ông không thể ngờ được rằng cuộc tìm kiếm đó kéo dài đến mấy chục năm. Sau khi đi thăm cậu con trai thứ tư với người vợ sau đang đi nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Gia Lai, ông tranh thủ bắt xe vào thẳng miền Nam chứ không quay lại quê như dự định ban đầu. Suốt mấy ngày có mặt ở đây, ông tận dụng từng chút thời gian để dò la tin tức về vợ con cũ. Ngôi nhà cũ không còn, các anh chị em của bà Loan, người thì chết, người thì chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng không rõ hiện đang cư trú ở đâu. Toàn bộ thông tin về vợ con ông đều trở nên mịt mùng. 

Nỗi buồn quá lớn khi không tìm được bất cứ thông tin gì về vợ con khiến ông chẳng thể giấu kín trong lòng. Ông luôn thầm trách bản thân mình vì đưa ra quyết định sai lầm khiến gia đình ly tán, không biết vợ con mình còn sống hay đã chết. Dù buồn khi thấy ông Tú sống bên cạnh mình nhưng lúc nào cũng đau đáu nghĩ về người vợ đầu cùng những đứa con thất lạc, nhưng thấy chồng buồn bực luôn tự trách cứ bản thân mình vì quyết định sai lầm trước đây, người vợ thứ hai cũng cố gắng động viên chồng. Sau này khi biết được chuyện đó, ông Tú tuyệt nhiên không hề nhắc đến chuyện đi tìm vợ con bị thất lạc trước mặt người vợ thứ hai để bà khỏi chạnh lòng. Sau những lần bí mật đi tìm vợ con mỗi khi có dịp vào Nam nhưng không thành, mãi đến năm 2007, sau khi đã mãn tang người vợ thứ hai ông mới có thời gian rảnh rỗi để tiếp tục đi tìm vợ con. Suốt 8 năm trời sau đó, mỗi khi dành dụm đủ tiền ông Tú lại bắt xe vào Nam để đi tìm vợ con dù hy vọng ngày càng tắt.

Về phía bà Loan, bà và các con cũng nhiều lần thu xếp bắt xe về quê cũ của chồng. Thế nhưng, do thời gian và bao biến đổi của thời cuộc, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn nên bà và các con đành bó tay. Công cuộc tìm kiếm quê hương của các con bà Loan phải tạm gác lại vì đầu năm 2005, một người con đột nhiên mất vì bạo bệnh sau hai cuộc tìm kiếm không thành. Thế nên cuộc biệt ly của gia đình đặc biệt này cứ kéo dài mãi. 

Đôi vợ chồng lạc nhau suốt hơn nửa thế kỷ ảnh 3Cuốn thư tình ông Tú gửi vợ được bà Loan lưu giữ gần nửa thế kỷ

Cuộc hội ngộ sau nửa thế kỷ

Đến giữa năm 2014, trong lúc xem tivi ông Tú tình cờ chứng kiến một cuộc đoàn tụ gia đình trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, nên ngay lập tức ông lấy giấy bút ghi lại địa chỉ, số điện thoại của ban biên tập chương trình ở TP.HCM. Sau khi nhận được sự hướng dẫn tận tình của ban biên tập chương trình, ông Tú đã ghi lại toàn bộ thông tin về vợ và các con của mình, cũng như khoảng thời gian mà vợ chồng ông thất lạc nhau, để gửi lại cho ban biên tập chương trình. 

Dù đã gửi thông tin, nhưng suốt hơn 1 năm chờ đợi không có hồi âm, ông đã tưởng mình sẽ không bao giờ tìm được vợ con. Thế nhưng đến cuối tháng 9-2015 ông bất ngờ nhận được điện thoại của biên tập viên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” gọi tới. Linh cảm của một người cha cho ông biết chương trình đã tìm được vợ con cho mình sau gần 50 năm thất lạc. Suốt gần 2 tháng từ khi nhận được điện thoại của chương trình, ông Tú như ngồi trên đống lửa, cứ đi ra đi vào liên tục khiến những người xung quanh không khỏi tò mò. Đến hẹn chương trình yêu cầu, ông cùng người con trai thứ tư lẳng lặng bắt xe từ quê nhà vào TP.HCM mà người thân và họ hàng không hề hay biết. “Giây phút đó tôi gần như phát khóc vì sung sướng. Ngày tạm biệt các con để ra Quảng Nam chúng mới còn đỏ hỏn, nghĩ chỉ đôi ba năm sẽ được gặp lại chúng vậy mà đến lúc các con lên ông, lên bà rồi tôi mới gặp lại chúng”.

Những giọt nước mắt đã tuôn trào trên khóe mắt những người có mặt tại trường quay lúc đó, thế nhưng đó không phải là những giọt nước mắt đau khổ, mà là những giọt nước mắt của hạnh phúc. 

Ngày gặp lại sau nửa thế kỷ tìm kiếm, ông Tú được bà Loan cùng các con đón về nhà ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ông bà chỉ biết nghẹn ngào nhìn nhau mà không nói hết thành lời. Nhìn cơ ngơi mà bà Loan tạo dựng được cho bản thân mình cùng với các con dù không có ông ở bên cạnh, ông thầm cảm ơn vì có được người vợ như bà Loan. Nghĩ chồng đã chết nên bà cùng các con quyết định lập ban thờ ông Tú ở trong nhà. Bà lấy ngày 11-12, ngày ông tạm biệt vợ con bà để quay lại Quảng Nam gần 50 năm trước làm ngày giỗ mà chẳng ngờ ông vẫn còn sống. Lúc về đến nhà người vợ đầu, chính tay ông Tú cất bát hương cùng di ảnh của mình trên ban thờ xuống sau 47 năm được thờ cúng.

Sau hơn 1 tháng được bà Loan đón về chung sống ở Đồng Nai, ông Tú phải trở lại Quảng Nam chăm lo việc gia đình. Trong thời gian ở quê, ông Tú không may bị ngã gãy tay. Dù không biết dùng điện thoại nhưng ngày nào bà Loan cũng nhắc mấy đứa cháu bấm điện thoại để bà nói chuyện với ông. Không chỉ quan tâm đến chuyện ăn uống nghỉ ngơi của ông, ngày nào bà cũng nài nỉ ông vào Đồng Nai sống cùng để bà chăm sóc cho ông, chứ để ông ở một mình bà chẳng yên tâm. Nghe bà nói vậy, ông chỉ biết cười trừ từ chối, ông không dám vào Đồng Nai vì ông sợ mình là gánh nặng cho bà và các con khi suốt 50 năm qua ông không giúp gì được cho bà. Còn bà, như muốn lấy lại quãng thời gian đằng đẵng chờ chồng. 

Nhìn ông rưng rưng cầm những tấm ảnh cả cũ cả mới, chúng tôi hiểu niềm hạnh phúc và cả sự tiếc nuối của đôi vợ chồng vì hoàn cảnh mà phải biệt ly hơn nửa đời người này. Thế nhưng, điều còn lại như phép nhiệm màu, khi họ đã tìm thấy nhau, bù đắp được cho nhau những ngày tháng đã qua.