Đối tượng tấn công website “luồng xanh” quốc gia sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống server lưu trữ dữ liệu của website “luồng xanh” quốc gia, theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền tới 200 triệu đồng hoặc phạt tù tới 12 năm.

Hành động tấn công từ chối dịch vụ DDOS vào 2 địa chỉ https://api.anvui.vn/gov/detail-form/ và http://103.160.5.220:8081/detailform/. Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao cùng các đơn vị nghiệp vụ truy tìm, xác minh làm rõ nghi can tấn công website đăng ký giấy nhận diện luồng xanh quốc gia cho xe vận tải.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, hệ thống dữ liệu “luồng xanh” đang đóng vai trò phục vụ nhiệm vụ chính trị cấp thiết của đất nước, cho phép các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu ra, vào, hoặc đi qua các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc các đối tượng thực hiện hành vi tấn công vào phần mềm đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) gây cản trở, khó khăn trực tiếp cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hành vi trên sẽ khiến nhiều xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu như thức ăn, nước uống, đồ dùng sinh hoạt… cho các địa điểm đang có dịch bệnh bị chậm lại, gây tình trạng khan hiếm, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân tại vùng dịch không được đảm bảo, thậm chí nguy hại đến tính mạng nếu những chuyến xe chở thiết bị, vật tư y tế không đến kịp thời.

Hệ thống cấp thẻ nhận diện phương tiện trên "luồng xanh" quốc gia bị hacker tấn công
Hệ thống cấp thẻ nhận diện phương tiện trên "luồng xanh" quốc gia bị hacker tấn công

“Có thể nói, hành vi tấn công vào hệ thống đăng ký giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code của các chủ thể là hành vi xâm phạm nghiêm trọng vào hệ thống an ninh quốc gia. Hệ thống dữ liệu “luồng xanh” đặc biệt quan trọng này đang phục vụ nhiệm vụ chính trị cấp thiết của đất nước.

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 19 Luật An ninh mạng năm 2018, đó là “hành vi gây cản trở, rối loạn, làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc truyền đưa dữ liệu của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử” – Luật sư Hồng Vân nhận định.

Tùy theo tính chất, động cơ và mức độ gây thiệt hại, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý vi phạm hành chính, theo khoản 2, Điều 80 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, người thực hiện hành vi tấn công website đăng ký giấy nhận diện luồng xanh quốc gia cho xe vận tải có thể bị xử phạt từ 30-50 triệu đồng. Mức phạt trên tăng gấp 2 lần nếu đối tượng thực hiện là tổ chức. Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm là người nước ngoài còn có thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng có hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội "Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy, mạng viễn thông, phương tiện điện tử" theo Điều 287 BLHS 2015 sửa đổi với mức phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm; phạt tiền từ 30-200 triệu đồng và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Bên cạnh đó, việc tấn công vào hệ thống cấp thẻ "luồng xanh" sẽ làm gián đoạn việc cấp mã QRCode cho các phương tiện vận tải, cản trở sự lưu thông phục vụ vận tải hàng hoá thiết yếu, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng hàng hóa, khiến các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch không đến kịp nơi để phục vụ trong tình hình cấp thiết của đất nước. Do vậy cần làm rõ việc các đối tượng xâm nhập trái phép vào hệ thống “luồng xanh” gây thiệt hại và hậu quả như thế nào từ đó xác định mức bồi thường thiệt hại do hành vi này gây ra - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.