Đối tượng phạm tội trong đường dây tiêu thụ xe ô tô trộm cắp cực lớn sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đưa tin, mới đây, Công an quận Cầu Giấy đã phối hợp cùng Phòng CSHS – CATP Hà Nội đã triệt phá đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe ô tô trên địa bàn, thu giữ gần 100 xe ô tô các loại.

Quá trình xác minh, cơ quan công an đã xác định được ổ nhóm đối tượng tiêu thụ tài sản trộm cắp gồm Nguyễn Thành Công (SN 1989; trú tại Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên); Nguyễn Hữu Tú (SN 1993; trú tại Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội); Nguyễn Hữu Trung (SN 1994; trú tại Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội).

Cửa hàng gara ô tô Thành Công chuyên mua bán ô tô, cầm cố ô tô nợ ngân hàng, cầm cố ô tô cho thuê, ô tô tự lái, ô tô không giấy tờ nằm tại khu đô thị mới Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên).

Khi có khách cầm cố ô tô, các đối tượng sẽ giao dịch xem xe và chuyển tiền. Căn cứ các tài liệu thu thập được, lực lượng chức năng xác định các đối tượng cất giữ xe ô tô tại 12 địa điểm kho bãi với số lượng xe lên đến gần 100 xe ô tô. Các điểm đều có người trông giữ, lắp camera, nguỵ trang bí mật, khép kín.

Liên quan đến vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có…sẽ bị xử lý ra sao?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, những ngày tới, cơ quan công an sẽ tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của từng đối tượng. Trường hợp có đủ căn cứ cho rằng Gara ô tô Thành Công chuyên mua bán, cầm cố ô tô nợ ngân hàng, ô tô cho thuê, ô tô tự lái, ô tô không giấy tờ, là đầu mối chuyên tiêu thụ ô tô trộm cắp và chủ gara ga này giữ vai trò chủ mưu thì có thể xem xét, xử lý hình sự về một số tội danh tương ứng.

Những xe ô tô trong đường dây tiêu thụ xe ô tô trộm cắp cực "khủng" vừa bị triệt phá

Những xe ô tô trong đường dây tiêu thụ xe ô tô trộm cắp cực "khủng" vừa bị triệt phá

"Trước hết, cơ quan điều tra cần phải xác định nhóm đối tượng này có hành vi trộm cắp hay không hay chỉ là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh,

Trường hợp các đối tượng có tham gia hành vi trộm cắp tài sản, biết trước việc trộm cắp sẽ được tiến hành và góp sức cho việc trộm cắp bằng việc hứa hẹn tiêu thụ sẽ là đồng phạm đối với hành vi trộm cắp. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS 2015.

Theo đó, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội thuộc chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12- 20 năm.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu nhóm đối tượng trên không có hành vi trộm cắp, song biết đó là tài sản trộm cắp nhưng vẫn mua, tiêu thụ thì hành vi này có dấu hiệu của Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.

Trường hợp có căn cứ cho rằng, đường dây trên hoạt động đã một thời gian ổn định, lâu dài và có tổ chức, phân công rõ ràng, thực hiện trót lọt nhiều phi vụ, số tiền cho vay lãi nặng và thanh lý các xe ô tô này rất lớn thì có thể xử lý về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 BLHS 2015.

"Với đối tượng phạm nhiều tội, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu các hình phạt đều là tù có thời hạn thì tổng hình phạt không quá 30 năm tù" - Luật sư Hồng Vân cho biết thêm.