Đối tượng nào được tăng lương nhiều nhất từ 1/7/2023?

ANTD.VN - Từ 1/7/2023 lương cơ sở sẽ tăng lên mức 1.8 triệu đồng/tháng. Điều được nhiều người quan tâm là khi lương cơ sở tăng, nhóm đối tượng nào sẽ được tăng lương nhiều nhất và ai được tăng lương ít nhất.

Do lương = Hệ số x Mức lương cơ sở nên từ 1/7/2023, khi tăng lương cơ sở từ 1.49 triệu đồng/tháng lên 1.8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 310.000 đồng/tháng so với trước đó) thì tiền lương của công chức, viên chức sẽ có thay đổi đáng kể.

Theo đó, căn cứ vào hệ số của từng đối tượng công chức, viên chức để xác định mức tăng tương ứng trong lương. Nghĩa là, ai có hệ số lương cao hơn thì mức tăng lương cũng cao hơn tương ứng.

Theo bảng lương hiện hành, của công chức, viên chức, có thể thấy, từ 1/7/2023, công chức có lương tăng nhiều nhất là công chức là chuyên gia cao cấp xếp lương ở bậc 3 có hệ số lương là 10: Tăng từ 14.9 triệu đồng/tháng lên 18 triệu đồng/tháng (tăng 3.1 triệu đồng/tháng).

Tăng thấp nhất là công chức loại C nhóm C3 có lương bậc 1, hệ số lương là 1,35 tăng từ 2.011.500 đồng/tháng lên 2.430.000 đồng/tháng (tăng 418.500 đồng/tháng).

Viên chức có lương tăng nhiều nhất là viên chức A3 nhóm A3.1 có hệ số lương 6.2 ở bậc 1 tăng từ 9.238.000 đồng/tháng lên 11.160.000 đồng/tháng (tăng 1.922.000 đồng/tháng);

Viên chức tăng lương ít nhất là viên chức loại C, nhóm C2 có hệ số lương 1.5 ở bậc 1 tăng từ 2.235.000 đồng/tháng lên 2.700.000 đồng/tháng (tăng 465.000 đồng/tháng).

Việc tăng lương cơ sở cũng khiến mức đóng BHYT của người lao động thay đổi

Việc tăng lương cơ sở cũng khiến mức đóng BHYT của người lao động thay đổi

Tuy vậy, việc tăng lương cơ sở cũng khiến mức đóng BHYT của người lao động thay đổi theo.

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mỗi tháng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo công thức: Mức đóng BHYT của người lao động =1,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) lại nêu rõ, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa chỉ bằng 20 tháng lương cơ sở.

Do vậy, từ 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT tối đa của người lao động sẽ tăng từ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng.

Về mức đóng BHYT cán bộ, công chức, viên chức, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng theo. Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào hệ số lương mà người đó đang được nhận.

Từ 1/7/2023, mức đóng BHYT tối đa của nhóm đối tượng này cũng sẽ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng.

Với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, mức đóng BHYT của những sẽ tăng từ 22.350 đồng/tháng lên thành 27.000 đồng/tháng.

Về mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên, theo Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH, đối tượng học sinh, sinh viên phải đóng với BHYT theo công thức: Mức đóng BHYT tối đa/tháng=70% x 4,5% x mức lương cơ sở.

Khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 46.935 đồng/tháng lên thành 56.700 đồng/tháng.

Mức đóng BHYT của hộ nghèo, cận nghèo được tính theo công thức Mức đóng BHYT tối đa/tháng= 30% x 4,5% x mức lương cơ sở.

Từ 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT của người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều sẽ tăng từ 20.115 đồng/tháng lên thành 24.300 đồng/tháng.