Đối thoại Doanh nghiệp - Cơ quan thuế: Nhiều thắc mắc chờ giải đáp

ANTĐ - Sáng 16-5, Cục Thuế Hà Nội tổ chức đối thoại với 200 doanh nghiệp, hàng loạt các câu hỏi liên quan tới chính sách thuế đã được đại diện Cục Thuế giải đáp. Nhiều ý kiến, kiến nghị đã được Cục Thuế Hà Nội tổng hợp gửi kiến nghị lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính.

Doanh nghiệp nào được ưu đãi?

Nhiều doanh nghiệp quan tâm tới các chính sách hỗ trợ

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết13/NQ-CP ngày 10-5-2012 trong đó có các giải pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với một số doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất… Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ các tiêu chí để được hưởng những chính sách ưu đãi. Tại cuộc đối thoại sáng qua, các doanh nghiệp đã gửi nhiều câu hỏi liên quan tới cơ quan thuế. 

Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ truyền hình Việt Nam 43 Nguyễn Chí Thanh thắc mắc: “Tiêu chí nào để xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ để được hưởng ưu đãi gia hạn thuế 3 tháng của Nghị quyết 13. Công ty  đang trực thuộc công ty mẹ là Đài Truyền hình Việt Nam thì  liệu có đủ điều kiện để gia hạn thuế?”. Đại diện một doanh nghiệp đang sử dụng trên 300 lao động nữ hàng năm cũng thắc mắc: “Hồ sơ để được hưởng ưu đãi của nghị quyết bao gồm những gì? Bao giờ thì có văn bản hướng dẫn?”.

Trước những ý kiến này của doanh nghiệp, ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội khẳng định: “Những nội dung tóm tắt liên quan đến Nghị quyết 13 của chính phủ sẽ được chuyển tải đến tất cả doanh nghiệp bằng nhiều cách: qua đối thoại, hoặc qua hòm thư điện thoại. Bước đầu các chính sách về giãn thuế tháng 4, 5, 6 thì các doanh nghiệp vẫn phải kê khai bình thường. Cục Thuế sẽ phối hợp cùng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để tiếp tục giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tuần này, Cục Thuế Hà Nội sẽ có báo cáo chính thức gửi Tổng cục Thuế về số lượng doanh nghiệp cụ thể được hưởng gói chính sách ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ. Riêng về vấn đề hoãn tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, Cục sẽ báo cáo UBND thành phố, xem xét nếu dự án đầu tư quá khó khăn thì sẽ giãn thuế 12 tháng”. 

Đối thoại mới ra vấn đề

Cũng tại cuộc đối thoại, nhiều doanh nghiệp đã gửi các ý kiến về cơ chế chính sách đề nghị nên sớm sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần giảm giá thành các sản phẩm. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Z179 Vũ Đình Nhiệm cho rằng, chính sách thuế vẫn còn có nhiều điểm cần sửa đổi, nhiều vấn đề doanh nghiệp muốn tìm nhưng không có mặc dù mở sách về thuế ra có điều 2, điều 3, khoản A, khoản B… Một số điều luật về thuế suất xuất khẩu “rối đủ đường” khiến cho doanh nghiệp chịu thiệt. 

Ông Nhiệm ví dụ: “Một thiết bị phụ tùng phục vụ cho công tác gặt đập lúa, thuộc lĩnh vực nông nghiệp khi bán cho bà con nông dân tại sao lại phải chịu 10% thuế GTGT? Trong khi căn cứ vào Thông tư 129/2008/TT-BTC thì máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, bao gồm máy cày, máy bừa, gieo hạt, tuốt lúa… được áp thuế 5%. Sự vênh nhau về thuế suất này buộc doanh nghiệp phải giữ nguyên giá thành, khi đó thiệt hại chính sẽ thuộc về phía người nông dân. Do đó, cơ quan thuế cần sớm có điều chỉnh. Hiện thị trường thiết bị nông nghiệp đang có những cạnh tranh rất khốc liệt, chính sách thuế không sớm thay đổi rất dễ nhường sân cho ngành cơ khí Trung Quốc”.

Bà Nguyễn Thị Tình, đến từ Công ty TNHH MTV 29, Tổng công ty  319, Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Nặng nề nhất là khoản thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) hàng tháng mà công ty phải đóng. Công ty hiện có 2.000 lao động bao gồm cả lao động vãng lai và khởi điểm tính thuế TNCN hiện nay là 4 triệu đồng/ tháng. Vì đặc thù công ty là tiến hành xây dựng xây lắp các công trình xây dựng cơ bản, do vậy, người lao động phải làm ngày làm đêm để kịp tiến độ. Nếu tính hết thuế cho người lao động thì họ sẽ rất thiệt thòi, công ty phải trích một phần ngân sách từ công trình để hỗ trợ. Do đó, tôi có kiến nghị cần sớm nâng mức khởi điểm tính thuế TNCN, tương thích với múc thu nhập, với giá cả thị trường”.

Ông Phi Vân Tuấn cho biết: “Thông qua đối thoại, cơ quan thuế có thể tiếp nhận các thông tin về tình hình thực hiện các chính sách thuế, phát hiện các vướng mắc trong tổ chức thực hiện để giải quyết ngay các vấn đề trong thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi với cấp trên cho phù hợp, chấn chỉnh kịp thời sai phạm, thiếu sót. Qua đó, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp. Đồng thời qua các cuộc đối thoại cơ quan thuế cũng cung cấp cho người nộp thuế những thông tin mới về chính sách thuế… Cục Thuế Hà Nội sẽ tổng hợp các ý kiến từ phía doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết cũng như sẽ có đề xuất lên Tổng cục Thuế sửa đổi những điểm chưa phù hợp mà doanh nghiệp nêu”.