Xót xa ông lão sát hại em gái vì tranh chấp đất đai

ANTĐ - Thất vọng vì đứa em út bạc tình bạc nghĩa, cạn tàu ráo máng, nên trong một lần xô xát, cãi nhau với em, lại sẵn có chút hơi men trong người, tôi đã giết em gái mình.

LTS: Cả một đời sống lương thiện, hiền lành, nhưng chỉ một phút nóng nảy, thiếu tỉnh táo vì men rượu nên Trần Văn Ân đã phải đối mặt với án tù 20 năm khi đã bước qua tuổi 70. Nói về cuộc đời mình, ông đau đớn bảo, án tù dài quá, ông chắc cũng chẳng sống đợi được đến ngày về. Chỉ là không biết lúc xuống suối vàng gặp bố mẹ, ông sẽ ăn nói sao về việc ông đã giết chết đứa em gái ruột của mình.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp, trời chẳng thương nên từ nhỏ đến giờ, cuộc đời gặp hết sóng gió này đến sóng gió khác. Cha mẹ tôi mất trong một trận bão lụt lớn khi tôi mới 15 tuổi. 5 anh em tôi, đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa bé nhất 1 tuổi, nghiễm nhiên trở thành trẻ mồ côi. Cha mẹ tôi chết mà mấy ngày sau mới tìm thấy xác, vật vã mấy ngày sau nữa mới tìm được chỗ chôn. Cái chết thê thảm của cha mẹ khiến tôi đến tận bây giờ vẫn bị ám ảnh. Ngày đó, đứng trước mộ cha mẹ, là con cả trong gia đình, tôi đã hứa sẽ chăm sóc các em chu đáo, để cha mẹ có thể an tâm yên nghỉ nơi chín suối. 5 anh em từ đó cứ rau cháo nuôi nhau.

Là anh cả, 15 tuổi, tôi đã phải gánh vác toàn bộ mọi gánh nặng gia đình, từ chuyện đồng áng đến chuyện chăm sóc các em. Có những năm quê tôi ngập trắng, mùa màng chẳng còn gì. Nhà khác thì còn có thóc gạo tích trữ, chứ nhà tôi thì chạy ăn từng bữa, nên mấy ngày đó cầm chắc cái đói. Mấy anh em tôi co quắp trên nóc nhà, mấy ngày liền chẳng có gì vào bụng, đứa em gái út còn nhỏ cứ khóc lả đi vì đói. Lúc đó cực chẳng đã, dù bão lụt nguy hiểm, nhưng tôi vẫn phải chèo xuồng đi đánh cá. Khi đó, tôi vừa đi quăng lưới bắt cá vừa run, nghĩ bụng mình mà có mệnh hệ gì, mấy đứa nhỏ chẳng biết sống ra sao. Nhưng bắt được con cá thì mừng lắm. Vì như vậy là mấy anh em qua được cơn đói trước mắt. Tôi vẫn nhớ lúc tôi mang cá về, mấy đứa em nhỏ reo hò rồi tranh nhau nấu nấu nướng nướng mà ứa nước mắt.

 

Lúc đó vừa thấy hạnh phúc, vừa thấy xót xa. Những năm tháng đó thật khó khăn và cay đắng, tưởng như có những lúc không vượt qua được. Thế mà, cuối cùng cả 5 anh em tôi cũng lần lượt lớn lên, trưởng thành và có một cuộc sống yên ổn. Tôi những tưởng đời mình thế là đã hết sóng gió, những tưởng mình đã hoàn thành trách nhiệm của một người anh, giữ được lời hứa bên mộ cha mẹ năm nào, thế mà tôi đã nhầm...

Trải qua những giai đoạn khó khăn đầu tiên, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn. 5 anh em tôi dù không ai được học hành đầy đủ, nhưng cũng kiếm đủ miếng cơm manh áo chứ không rơi vào cảnh đói rét như ngày nào. Luôn tâm niệm là anh cả thì phải có trách nhiệm lo cho các em chu đáo, nên suốt nhiều năm, tôi đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình để cố gắng dành những điều kiện tốt nhất cho mấy đứa em. Khi người em thứ 3 lập gia đình thì tôi cũng bước sang tuổi 33, chưa hề có mảnh tình vắt vai. Ngày đó, tôi chỉ chăm chăm làm việc để kiếm cái ăn về cho gia đình, nên chẳng có thời gian mà để ý đến những cô gái xung quanh mình. Tuổi trẻ của tôi cứ thế trôi đi vùn vụt. Đến lúc 3 đứa em đi lấy chồng hết, còn mỗi đứa em út lúc ấy đã 19 tuổi, tôi mới giật mình nhận ra sự cô đơn, trống trải quanh mình, mới nhận ra mình đã đi qua những năm tháng tuổi thanh niên đẹp nhất đời người tự lúc nào không hay.

Nghĩ vậy, nhưng phải đến 3 năm sau, khi cô em gái út nối gót các chị theo chồng, thì tôi mới đi tìm hạnh phúc riêng của mình với một người phụ nữ quá lứa lỡ thì. Vợ chồng tôi đều là người hiền lành, chịu khó làm ăn, lại không phải lo lắng cho mấy đứa em như trước, nên chẳng mấy chốc chúng tôi đã có kinh tế vững chãi, ổn định, không phải lo lắng về vật chất. Điều bất hạnh duy nhất của tôi là 2 vợ chồng tôi tuổi đã cao, nên không thể có con. Tôi đành phải tự an ủi bằng cách hết mực yêu thương những đứa cháu ruột của mình.

Trong số những người em của mình, người tôi yêu thương và lo lắng nhất là cô em gái út, sớm mồ côi khi mới lọt lòng mẹ. 20 năm ròng rã, tôi chăm sóc cô em út bé bỏng từ khi còn tay bồng tay bế, đến lúc dựng vợ gả chồng. Sự hi sinh của tôi cũng khiến em gái tôi yêu thương và kính trọng tôi như một người cha. Từ bé đến lớn, có chuyện gì, nó cũng kể cho tôi nghe. Đến lúc nó khôn lớn, ngỏ ý muốn đi lấy chồng, tôi mừng lắm, vì nghĩ vậy là nó thực sự trưởng thành rồi. Nhưng khi nó đưa người nó muốn lấy làm chồng đến ra mắt thì tôi chẳng ưng bụng chút nào.

Hắn ta là dân buôn bán ngoài chợ, đã có 1 đời vợ và 1 đứa con. Tôi là nông dân chất phác, vốn đã thiếu cảm tình với dân buôn, nên khi gặp hắn ta, tôi càng không có chút nào yêu quý. Tôi bảo em gái, người đó môi mỏng, mắt ti hí cứ đảo qua đảo lại thế kia thì không thể là người tốt được đâu. Nhưng em gái tôi vẫn một mực lấy hắn làm chồng trước sự bất lực của tôi. Cực chẳng đã, tôi cũng chỉ còn biết cầu mong cho nó được hạnh phúc với sự chọn lựa của mình.

Lấy một người chồng buôn bán, em gái tôi càng lúc càng thay tính đổi nết. Ngày xưa lúc ở nhà nó chất phác, hồn hậu bao nhiêu thì giờ tính toán, đong đếm bấy nhiêu. Có lần, cô Ba ốm, phải lên thành phố ở cậy nhờ nhà nó trên thành phố để chữa bệnh một thời gian. Thế mà, đến lúc chữa bệnh xong ra về, nó đưa ra một cái hóa đơn, ghi rõ chi phí ăn ở, điện nước hết bao nhiêu rồi yêu cầu chị gái thanh toán. Quá sốc, cô em gái thứ ba về kể cho tôi nghe, vừa kể vừa khóc. Anh em tôi mồ côi từ nhỏ, đùm bọc nhau mà lớn lên, chẳng ai tính toán thiệt hơn với ai bao giờ. Thế nên hành động cạn tình anh em của đứa em út khiến tôi vô cùng giận dữ, thất vọng. Nhìn thấy em gái mình như thế, tôi khuyên bảo thì nó chỉ cười, bảo “có như thế mới giàu được”. Bất đồng về quan điểm sống, 2 anh em chúng tôi cứ vì thế mà xa nhau.

 

Nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Có một hôm, em gái tôi bỗng xuất hiện và cậy nhờ sự giúp đỡ của tôi. Nó đến gặp tôi, khóc nức nở, bảo rằng, 2 vợ chồng nó làm ăn thua lỗ nên giờ nợ nần đầm đìa. Thương em đến cháy ruột cháy gan, 2 vợ chồng tôi tích cóp được gần 100 triệu để an dưỡng tuổi già, tôi cũng lấy ra đưa cho nó gần hết, chỉ để lại vài triệu phòng thân. Mấy năm liền, tôi chưa bao giờ mở miệng ra đòi nó một câu, cũng chẳng nghĩ sẽ đòi, vì nó là em mình, mình có thì mình cho, giữ làm gì cho phải tội. Nhưng năm đó kinh tế vợ chồng tôi khó khăn, vợ tôi lại ốm đau, tôi đến nhà nó hỏi lấy 10 triệu để đưa bà nhà tôi đi chữa bệnh thì nó mặt lạnh như tiền nói: “ủa anh Hai kì vậy, em đâu có vay tiền của anh Hai hồi nào”. Lúc đó tôi chết đứng. Ngày cho nó vay tiền, vì là anh em, tôi nào có làm giấy tờ vay nợ gì đâu, cứ đưa tiền cho nó thôi. Tôi nào ngờ nó đã thay đổi và biến thành một kẻ xấu xa, thủ đoạn như vậy.

Chưa hết bàng hoàng vì việc cô em gái phủi sạch số nợ vay mình, tôi lại gặp thêm một cú sốc lớn khi cũng chính em tôi phát đơn ra tòa, yêu cầu chia phần đất mà vợ chồng tôi đang ở, với lí do đất này do bố mẹ để lại, phải chia đều cho mấy người con. Thất vọng vì đứa em út bạc tình bạc nghĩa, cạn tàu ráo máng, nên trong một lần xô xát, cãi nhau với em, lại sẵn có chút hơi men trong người, tôi đã giết em gái mình.

Lúc đó say rượu, chẳng ý thức được việc mình làm, nhưng đến lúc tỉnh rượu, nhận ra hậu quả mình gây ra thì đã quá muộn màng. Với tôi, nó vừa như một đứa em, vừa như một đứa con. Tôi chăm sóc nó, dạy dỗ nó từ khi còn ẵm ngửa đến lúc nó trưởng thành, suốt mấy chục năm trời, tôi chẳng tiếc nó cái gì. Thế mà chỉ vì tranh chấp đất đai, tôi đã giết chết chính đứa em mà mình yêu thương nhất. Nếu sớm biết hậu quả như thế này, thà tôi nhường lại hết đất đai vườn tược bố mẹ để lại cho nó, rồi vợ chồng già dắt nhau đi lang thang, đi ăn mày, tôi cũng cam lòng.

Tôi chẳng bao giờ ngờ có một ngày nào đó mình sẽ làm việc gì sai pháp luật. Thế mà ở tuổi 70, tôi lại bước vào tù với tội danh giết em gái. Cứ mấy tháng 1 lần, người vợ già gần 70 của tôi lại lặn lội từ Đồng Tháp lên thăm chồng. Mỗi lần gặp nhau, 2 vợ chồng tôi lại ôm nhau khóc nức nở vì cám cảnh cho cuộc đời mình.

Tôi giờ đã gần đất xa trời, cũng không còn mấy hi vọng vào ngày về. Điều tôi lo lắng nhất là đến lúc chết đi, nếu có gặp bố mẹ, tôi chắc sẽ chẳng biết ăn nói thế nào về việc làm của mình. Giá cho tôi một cơ hội quay lại và bắt đầu lại từ đầu, tôi sẽ không bao giờ gây ra chuyện đáng tiếc đó, để phải vừa chịu cảnh tù đày, vừa mất em gái như thế này.

Ghi theo lời kể của phạm nhân Trần Văn Ân