Xe buýt BRT: Các mô hình trên thế giới đã thành công như thế nào?

ANTD.VN - Dự án xe buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội cho đến nay hoạt động chưa thật sự hiệu quả như mong muốn. Để cải thiện tình hình, Việt Nam có thể học hỏi và rút kinh nghiệm cách quản lý, vận hành từ các mô hình trên thế giới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng lớn, cũng như đảm bảo tính bền vững và thân thiện môi trường, Hà Nội đã quyết định triển khai dự án BRT. Tuy nhiên, qua một thời gian vận hành, cho thấy còn nhiều bất cập. 

Trên thực tế, trước Việt Nam, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh việc phát triển hệ thống BRT để giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Do đó, những kinh nghiệm từ các mô hình này sẽ là bài học tốt để Việt Nam giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Sau đây hãy cùng điểm lại những mô hình BRT nổi bật trên thế giới.

Tấm gương thành công điển hình:

Curitiba (Brazil)

Nam Mỹ hiện là khu vực áp dụng BRT thành công nhất. Thành phố Curitiba (Brazil), “cái nôi” của BRT và cũng là nơi áp dụng có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan truyền tới các nơi khác. Curitiba thành công chủ yếu vì việc xây dựng và quy hoạch hạ tầng dành cho BRT được đồng bộ với chiến lược sử dụng đất, kế hoạch hệ thống đường bộ và các hệ thống giao thông công cộng khác trên một kế hoạch tổng thể.

Thành phố Curitiba, Brazil là nơi khai sinh ra hệ thống BRT

Chính quyền Curitiba bắt đầu xây dựng BRT từ khi thành phố này bắt đầu cải tổ, quy hoạch lại. Cụ thể, từ năm 1960 khi dân số tăng cao, giới chức buộc phải cải tổ hệ thống giao thông. Bước chuyển đổi đáng chú ý nhất là vào năm 1971, khi Thị trưởng Jaime Lerner, vốn là một kiến trúc sư, đã chọn tập trung xây dựng tuyến xe buýt nhanh thay vì các phương án đắt đỏ và mất hàng chục năm như tàu ngầm hay mở rộng đường phố.

Ông Lerner mạnh tay xóa sổ nhiều tòa nhà ở trung tâm thành phố để dành hành lang riêng cho xe buýt. Đến tháng 10/1991, chính quyền thành phố bắt đầu sử dụng “nhà ga ống”, một thiết kế riêng như nhà chờ tàu điện ngầm dành cho khách đi xe buýt nhanh. Từ đây, cái tên BRT mới được dùng để gọi hệ thống này.

Tính đến năm 2015, Curitiba có 357 “nhà ga ống”, với hành lang ưu tiên xe buýt dài 70km, phục vụ 619.500 hành khách/ngày. Ngoài kế hoạch tổng thể, Curitiba còn chính sách sử dụng đất, hỗ trợ tối đa phát triển vận tải một cách có định hướng, dựa trên dự đoán mức phát triển trong tương lai đối với một số hệ thống vận tải chính, qua đó duy trì và sẵn sàng mở rộng khả năng vận tải của các hệ thống này nếu cần. Một số quy định cụ thể bao gồm khuyến khích phát triển dân cư và thương mại gần các trạm xe buýt để điều tiết hướng phát triển của phương tiện công cộng.

Bogota (Colombia)

Trong khi Curitiba là nơi sinh ra BRT, thì một thành phố khác tại Nam Mỹ là Bogota (Colombia) được đánh giá thành công nhất nhờ có kế hoạch tổng thể đồng bộ. Đi vào hoạt động từ tháng 12-2000, đến năm 2016, Bogota có hơn 113km đường dành riêng cho BRT, phục vụ 2,2 triệu khách/ngày, cao nhất thế giới.

Để làm được điều này, họ quy hoạch BRT không chỉ với vai trò là dự án giao thông mà còn là một phần trong chương trình nâng cấp toàn bộ thành phố nhằm cải thiện không gian công cộng tổng thể như: Vỉa hè, bãi đỗ xe, đường dành cho xe đạp và đường dành cho các phương tiện khác...

Quảng Châu (Trung Quốc)

Tháng 2-2010, Quảng Châu đã khởi động tuyến buýt nhanh nối liền trung tâm thành phố với các khu công nghiệp lớn. Đến nay, nó được đánh giá là một trong những mô hình BRT hiệu quả, thành công nhất trên thế giới. Khoảng cách giữa các bến khoảng 800m, phù hợp với nhu cầu của hành khách.

BRT Quảng Châu cũng là hệ thống đầu tiên trên thế giới có đường hầm thẳng nối trạm xe buýt với hệ thống tàu điện ngầm với tổng số vốn đầu tư khoảng 103 triệu USD, bằng 1/10 chi phí cho các dự án tàu điện ngầm ở châu Á.

Chuyên gia Karl Fjelstrom - Giám đốc BRT Viễn Đông- cho biết: "Hệ thống BRT có hiệu quả là do được các nước quy hoạch khá tốt, nó không chiếm quá nhiều diện tích làn đường chung. Việc có hành lang tốt hơn, thiết kế vận hành tinh vi hơn, và các năng lực nhà chờ cao hơn đã khiến mô hình xe buýt nhanh tại nơi đây đạt được hiệu quả".

Xe buýt BRT: Các mô hình trên thế giới đã thành công như thế nào? ảnh 2BRT tại Quảng Châu (Trung Quốc) được xem là một trong những mô hình BRT hiệu quả nhất thế giới

Jakarta (Indonesia)

Theo Jakarta Post, là tuyến BRT đầu tiên của Đông Nam Á, TransJakarta là tuyến xe buýt nhanh dài nhất thế giới với chiều dài 210.31 km. TransJakarta có 12 tuyến chính và hơn 200 điểm dừng, hoạt động từ 5h đến 22h. Một số tuyến sẽ hoạt động 24h/ngày. Tốc độ trung bình trong giờ cao điểm trong thành phố là 15-25 km/h (tốc độ khác nhau ở mỗi tuyến). Hiện TransJakarta đang có khoảng hơn 500 xe buýt hoạt động với giá vé 3.500 rupiah (khoảng 6.000 đồng).

TransJakarta là tuyến xe buýt nhanh dài nhất thế giới

Theo chuyên gia Fjellstrom, TransJakarta được dành làn đường riêng và được phân cách với làn đường của các phương tiện khác bằng đường phân cách bê tông rất cao, qua đó hạn chế được việc các phương tiện cá nhân đi vào làn BRT. Với ưu thế này, vào những khung giờ cao điểm, xe buýt BRT có thể dễ dàng di chuyển mà không chịu ảnh hưởng bởi ùn tắc.

Hệ thống BRT thành công của thànhphố Jakarta (Nguồn: Quochoitv)

Bài học quý báu từ thất bại

Kuala Lumpur (Malaysia)

Với trường hợp của Malaysia, từ năm 2015, chính quyền Kuala Lumpur đã giới thiệu hệ thống xe buýt nhanh chạy bằng điện BRT Sunway Line nhằm giải quyết nạn kẹt xe vốn tồn tại trong nhiều năm.

Hệ thống BRT có làn đường riêng trên cao, không chạy chung với các phương tiện khác. Tuy nhiên, giá vé của BRT Sunway Line đắt hơn gấp 5 lần so với các loại phương tiện giao thông công cộng thông thường. Số lượng hành khách giảm mạnh từ 13.000 người xuống còn 4.000 người trong vòng một tháng ra mắt.

Bangkok (Thái Lan)

BRT tại Bangkok, Thái Lan được dành riêng một làn đường trong khi các phương tiện khác phải chen chúc trên các làn đường còn lại. Theo Ủy ban giám sát hệ thống giao thông công cộng ở Bangkok, việc đầu tư khoảng 57 triệu USD trong suốt thời gian hoạt động của BRT là lãng phí vì nó chỉ phục vụ được có 25.000 lượt khách mỗi ngày, một con số rất nhỏ so với tàu điện trên cao và xe buýt truyền thống.

Việc BRT tại Bangkok vắng khách cũng khiến ngân quỹ mỗi năm phải gánh tới 200 triệu baht (5 triệu USD), đó là một điều khó có thể chấp nhận đối với chính quyền thành phố và họ buộc phải dừng lại.

Xe buýt BRT: Các mô hình trên thế giới đã thành công như thế nào? ảnh 4

Thất bại của Thái Lan là bài học lớn cho Việt Nam