Về nơi đám cưới chuột

ANTD.VN - Hàng năm, cứ đến gần Tết là không khí tại Đình Bảng (Từ Sơn -  Bắc Ninh) lại rộn ràng hẳn lên, không chỉ bởi sắc màu Tết ngập tràn, lòng người hân hoan, mà còn bởi ấy là lúc, người người, nhà nhà đi bẫy chuột. Trước Tết cũng là mùa cưới, mà ở vùng quê giáp Hà Nội này, đám cỗ cứ phải có thịt chuột mới sang. 

Về nơi đám cưới chuột ảnh 1

Có nhiều cách chế biến chuột đồng thành món ăn ngon, bổ, rẻ

Có thịt chuột đám cưới mới sang

Nói đến thịt chuột, nhiều người hẳn sẽ biết đây không chỉ là món ăn đặc sản của người dân miền Tây Nam bộ, nó cũng là món ăn được người dân Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) và nhiều miền quê khác ưa chuộng.  Theo một số người dân có thâm niên hành nghề bắt chuột đồng ở Đình Bảng, món thịt chuột ở đây có từ rất lâu đời. Mục đích bắt chuột ban đầu là để bảo vệ mùa màng, nhưng sau đó người dân đã phát hiện thịt chuột là món ăn bổ dưỡng. 

Chuột đồng sau khi bắt về, làm sạch, có thể chế biến đến hàng chục món, món nào cũng hấp dẫn và có sức hút riêng. Chuột khìa, chuột quay lu, chuột nấu canh chua cơm mẻ, chuột nướng chao, chuột nướng mọi, chuột hấp cơm… tùy theo sở thích của từng người. Theo Đông y, thịt chuột có vị ngọt, chát, không độc, có tác dụng bổ sung dưỡng khí, mạnh gân cốt, rất tốt cho tim mạch người suy nhược… Đây được coi là một vị thuốc quý được các lương y tin dùng.

Nói về đặc sản thịt chuột đồng, anh Nguyễn Văn Mạnh, nhà ở khu phố Thịnh Lang (Đình Bảng) cho biết, trước khi chế biến, chuột  phải được sơ chế và làm sạch lông bằng nước nóng. Sau đó mổ bụng, chặt bỏ đầu, tứ chi, ruột, hạch cổ và hạch bẹn thì mới đảm bảo an toàn cho người ăn. Chuột có thể chế biến thành nhiều món, trong đó món thịt luộc ép lá chanh là đơn giản và phổ biến nhất. Chuột được luộc chín cả con, vớt ra để nguội, rắc lá chanh thái nhỏ rồi đặt lên mâm ép một lực vừa phải cho miếng thịt rắn hơn và chảy bớt mỡ, sau đó mang ra thái miếng, chấm với muối tiêu, chanh ớt. Theo nhận xét của nhiều người sành ăn, thịt chuột ép lá chanh còn đậm đà hơn cả thịt gà.  

Đặc biệt, ở Đình Bảng, tại các đám cưới, khi mâm cỗ được đưa lên, thực khách đều liếc xem có món thịt chuột hay không? Và tất nhiên, trên mâm cỗ, đĩa thịt chuột luôn hết đầu tiên. “Trước khi tổ chức đám cưới nhiều ngày, gia đình cô dâu, chú rể thường phải huy động nhân lực tỏa đi các cánh đồng để săn chuột, hoặc đặt hàng ở những nơi cung cấp chuyên nghiệp. Đến ngày cưới, mỗi mâm cỗ phải có vài món thịt chuột. Đám cưới ở Đình Bảng có thịt chuột không phải vì họ thiếu tiền làm các món khác mà đây là biểu tượng của cuộc sống no đủ, có thịt chuột đám cưới mới sang” - anh Mạnh chia sẻ.

Về nơi đám cưới chuột ảnh 2

Thịt chuột đồng trên mâm cỗ của người Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh

Món ăn dân dã mà đặc biệt

Theo một cụ cao niên tại Đình Bảng, đám cưới có thịt chuột đã trở thành một nét văn hóa lâu đời ở địa phương: “Bây giờ mâm cỗ đã có nhiều thay đổi, nhưng nếu có thể, gia đình nào cũng chuẩn bị món thịt chuột”. Anh Nguyễn Minh (một người dân ở Đình Bảng) cho hay, trước đây, việc bắt chuột ở Đình Bảng phổ biến đến mức người người đi bắt chuột, nhà nhà đi bắt chuột.

Việc đi săn chuột được diễn ra quanh năm, nhưng rầm rộ nhất là sau thời điểm thu hoạch lúa vì đây là lúc nhiều chuột trú ngụ, sinh sống ở các cánh đồng, bờ ruộng, bờ ao… Mặt khác, lúc này chúng chỉ  ăn thóc, ngô, khoai hoặc ốc, cua, tôm, tép nên  thịt rất lành, nhiều chất bổ dưỡng và an toàn cho sức khỏe. Có ngày, người dân ở đây bắt được hàng tạ chuột, vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa làm quà biếu, tặng, hoặc bán cho thực khách. 

Ngày nay, thịt chuột tuy không còn thịnh như ngày trước, nhưng những người sành ăn Hà Nội vẫn thường tìm về Đình Bảng để thưởng thức món ăn dân dã mà đặc biệt này. Đến đây, không quá khó để tìm được hàng quán bán các món ăn từ chuột đồng ở các thôn Xuân Đài, Thịnh Lang, thôn Hạ, Thượng, Đình…